Bản in
“Đau đẻ chờ sáng giăng”
Cùng với cơ chế tài chính bất cập, chế độ đãi ngộ quá thấp, một trong những rào cản lớn nhất khiến nền KHCN trì trệ chính là việc xây dựng các chương trình, đề tài KHCN được xem xét và phê duyệt giống như các lĩnh vực xây dựng cơ bản khác. Nghịch lý này đã tồn tại hàng chục năm qua.

Chưa phê duyệt đã lạc hậu

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đã dùng hình ảnh "đau đẻ chờ sáng giăng" để nói về tình trạng nhiều năm qua bộ này luôn phải xuất toán hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng cho ngân sách vì không giải ngân được. "Đây là hệ quả của cách thức xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được làm giống như trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Tức là, từ khi đề xuất chương trình, đề tài cho đến lúc được cấp kinh phí mất ít nhất năm rưỡi, trong khi đặc thù của hoạt động KHCN rất khác biệt. Vòng đời công nghệ (ví dụ: các sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin) rút ngắn rất nhanh nên nhiều nghiên cứu chưa được phê duyệt đã lạc hậu và không có lý gì để tiếp tục rót kinh phí làm việc này. Những vấn đề cấp thiết của đời sống như tôm chết hàng loạt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm... phải làm ngay thì lại không có kinh phí" - Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích.


Đáng buồn là cách làm "khoa học" như trên tồn tại từ hàng chục năm nay. Theo quy định của Bộ Tài chính, ngân sách sự nghiệp KHCN chỉ được bố trí cho các nhiệm vụ đã được phê duyệt như các dự án đầu tư. Để hoàn tất thủ tục phê duyệt nhiệm vụ KHCN cần 15-18 tháng hướng dẫn, đề xuất và xây dựng, ví dụ như để có danh mục các nhiệm vụ KHCN năm 2013 thì ngay từ tháng 10-2011 Bộ KHCN đã phải gửi công văn về các bộ, ngành, UBND các tỉnh, các viện nghiên cứu... để tiếp nhận đề xuất, lập hội đồng phê duyệt... Quy định tưởng như "chặt chẽ" ấy lại rất không phù hợp với hoạt động sáng tạo, mang tính đặc thù của KHCN. Khi được cấp kinh phí thì các đề xuất đã lỗi thời, hoặc kinh phí được duyệt không "theo" kịp tốc độ trượt giá.

Lỗi hệ thống?

Thời gian qua, việc xác định nhiệm vụ KHCN chưa thực sự xuất phát từ thực tế nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức, cá nhân thường đề xuất dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình dẫn đến hiệu quả thấp, sản phẩm nghiên cứu manh mún, rời rạc. Riêng Bộ GD-ĐT mỗi năm nhận được trên 1.000 đề xuất nhưng chỉ có hơn 100 đề xuất được coi là có chất lượng để đưa ra xem xét, tuyển chọn. Khi nhiệm vụ KHCN được duyệt, thủ tục giải ngân cũng là sự "hành xác" đối với nhiều nhà khoa học. GS-TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KHCN cấp Nhà nước KC.10/11-15 cho biết, nay đã là tháng 7-2012 nhưng kinh phí cho các đề tài được phê duyệt cách đây hơn một năm vẫn chưa có mà không biết "tắc" ở đâu?

Bộ Tài chính thì cho rằng, việc phân bổ kinh phí thường chậm hơn so với thời gian được phê duyệt, kéo dài từ 6 đến 9 tháng sau khi Quốc hội và Chính phủ phê duyệt và giao dự toán ngân sách nhà nước cho KHCN, là do sự chậm trễ trong khâu phê duyệt nhiệm vụ KHCN để sử dụng kinh phí đã được duyệt trước đó. Bộ này đưa dẫn chứng, năm 2012, đến đầu tháng 7, Bộ KHCN vẫn còn hơn 400 tỷ đồng dự toán ngân sách của năm nhưng chưa xác định rõ nhiệm vụ để đề xuất phân bổ kinh phí...

Dàn trải, thiếu hiệu quả

Nói về sự dàn trải trong đầu tư cho KHCN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nêu ví dụ, ngành NN&PTNT mỗi năm được thụ hưởng 400 tỷ đồng/năm cho KHCN mà phải chi cho tới 7.500 cán bộ khoa học và 150 tổ chức khoa học nông nghiệp cùng hàng nghìn đề tài khoa học. Nơi nào cũng kêu thiếu tiền, "miếng bánh nhỏ nhưng ai cũng phải có phần", nên hiệu quả đầu tư kém là sự thật đã được báo trước.

Lại còn có một sự "lầm tưởng" rằng toàn bộ kinh phí đầu tư cho KHCN, cụ thể như trong năm 2012 là 16.000 tỷ đồng (làm tròn), đều do Bộ KHCN quản lý và có toàn quyền quyết định chi tiêu và nguồn kinh phí ấy có đến 90% dùng để trả lương, xây dựng cơ sở vật chất... chỉ có 10% dành cho nghiên cứu. Sự thật là thế nào ? Theo Bộ KHCN, năm 2012, cơ quan này thực chất chỉ "quản" khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ dành cho các đề tài, dự án KHCN cấp Nhà nước. Vậy khoảng 14.000 tỷ đồng còn lại "đi" từ đâu, "chảy" về đâu? Theo quy định, nguồn đầu tư này do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ.

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí cho KHCN không cao chủ yếu là do cơ chế phân bổ ngân sách. Khoảng 42-43% nguồn kinh phí hằng năm phải dành cho đầu tư phát triển và bố trí cho các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, do quy định của Luật Ngân sách, Luật Tổ chức HĐND, UBND thì việc phân bổ kinh phí được phân cấp cho địa phương và nhiều nơi đã sử dụng nguồn tài chính này xây trụ sở, làm đường giao thông, đắp đê… những việc không liên quan đến KHCN. Một phần không nhỏ kinh phí sự nghiệp khoa học cũng bị nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức dùng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hoặc đầu tư cho những nhiệm vụ không xứng tầm. Thực tế như vậy nhưng "Bộ KHCN không "cắt" được với đơn vị đầu tư không hiệu quả cũng như không cho thêm (tiền) được những nơi hoạt động tốt" - Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận.

Những bất cập kéo dài triền miên đã làm cho nền KHCN nước nhà vốn đã yếu kém lại càng tụt hậu hơn. Đã đến lúc, không thể dựa vào lợi thế nhân công rẻ và nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt, mà phải trông chờ vào KHCN để phát triển kinh tế và xã hội. Muốn thế, phải bắt đầu từ thay đổi cơ chế.