|
|||
Đây là những ý kiến tâm huyết của không ít nhà khoa học đầu ngành tại buổi đóng góp ý kiến cho Luật Khoa học và công nghệ (KH-CN) sửa đổi do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào hôm 5.7 tại Hà Nội. Dự kiến Luật sẽ trình Quốc hội vào năm 2013. Trả lại sự nghiêm túc cho khoa học Trình bày về sự cần thiết phải sửa đổi luật, ông Đỗ Hoàng Giang, Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho rằng, Luật KH-CN đã được ban hành cách đây 12 năm và đến nay, đã bộc lộ một số bất cập về nội dung cũng như hình thức văn bản. Có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; nhiều điều khoản còn chung chung, hiệu lực thi hành thấp… Dự thảo Luật sửa đổi gồm có 80 điều, chia thành 8 chương (bỏ 14/59 điều, sửa đổi 39/59 điều của luật hiện hành, bổ sung 35 điều mới). Luật sửa đổi đã thể hiện rõ ước vọng tháo gỡ những vướng mắc, tắc nghẽn trong cơ chế tài chính, quản lý khoa học… Tuy nhiên, có rất nhiều điểm các nhà khoa học mong muốn được thể hiện rõ và chặt chẽ hơn.
TS Nguyễn Ngọc Kính, Hội Giống cây trồng Việt Nam cũng nêu hàng loạt bức xúc. Ông cho rằng Luật KH-CN sửa đổi phải làm chặt chẽ hơn nữa để trả lại sự nghiêm túc cho khoa học. Thực tế hiện nay có quá nhiều chương trình, đề tài, dự án chồng chéo nhưng rồi vẫn nghiệm thu và cho qua. TS Kính nêu ví dụ, Bộ KH-CN có rất nhiều chương trình KH-CN trọng điểm cấp nhà nước (mang mã số KC) như KC04 - Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lại có Chương trình phát triển sinh học trong nông nghiệp kinh phí lên tới hàng trăm tỉ. Với các Chương trình KC, Bộ KH-CN có thể thành lập hội đồng liên ngành để nghiệm thu, nhưng với những chương trình lớn hàng trăm tỉ của các bộ khác ai sẽ là người đứng ra thẩm định (?!). GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Trung tâm KH-CN Khí tượng Thủy văn và Môi trường cũng nêu một sự “lộn xộn” đang tồn tại. Bản thân GS Ngữ từng chứng kiến một vị không biết gì về khí hậu nhưng lại chủ nhiệm 2 đề tài. Đến mức, ngay cả việc tính tổng lượng mưa cũng không biết tính thế nào. Thế nhưng, họ lại được quyền đứng tên 2 đề tài vì là lãnh đạo Viện và điều đó đang được Luật KH-CN cho phép. “Điều này cần phải được điều chỉnh trong Luật sửa đổi để những việc “chướng tai gai mắt” không còn tồn tại nữa”, GS Ngữ nói. Phải tạo được động lực Hành lang pháp lý không rõ ràng sẽ tạo những kẽ hở dễ “lách”, để rồi những người làm thật ngày càng nản. GS Ngữ như nói từ tâm can mình, rằng nếu không sửa đổi, khoa học thực sự sẽ còn đi xuống nữa. “Nếu chỉ nói vài câu chung chung KH-CN là động lực, quốc sách hàng đầu mà không có động lực và giải pháp thực sự thì kể cả đầu tư tài chính nhiều hơn nữa thì vẫn sẽ là yếu kém và thiếu hiệu quả”, GS Ngữ bức xúc. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội cũng nêu, đầu tư cho KH-CN chưa tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu. Ngân sách nhà nước chỉ dành cho KH-CN được 2% nhưng không không phải tỉnh nào cũng chi đủ. Trong khi đó, đầu tư từ các nguồn lực xã hội cho KH-CN gần như không đáng kể. Các doanh nghiệp thì tìm cách mua công nghệ thiết bị lạc hậu đã qua sử dụng ở nước ngoài để kiếm lời nhờ chênh lệch giá… Những vướng mắc đã phần nào thể hiện được trong dự thảo luật nhưng nhìn chung vẫn chưa nêu được những giải pháp cụ thể. GS-VS Long cho rằng, Luật sửa đổi cần phải quy rõ trách nhiệm để từ cơ quan quản lý đến chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm hơn với kết quả nghiên cứu, tránh tình trạng rút tiền xong, kết quả bỏ ngăn kéo. |