|
|||
Ông có nhận xét gì về tình hình đầu tư cho lĩnh vực R&D trong doanh nghiệp CNTT Việt Nam từ trước đến nay? Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp CNTT là họat động sáng tạo. Các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp phần lớn đều là kết quả của quá trình R&D hoặc sáng tạo. Tuy nhiên, mức độ hàm lượng sáng tạo khác nhau. Nhưng nét đặc trưng cơ bản của doanh nghiệp CNTT Việt Nam khi đầu tư vào R&D là: Chưa tạo ra được nhiều sản phẩm, dịch vụ thuần Việt (thương hiệu Việt). Các hoạt động sáng tạo này thường dựa vào việc nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ đã có sẵn của các hãng để phát triển lên thành sản phẩm dịch vụ mới. Rất ít các kết quả nghiên cứu được đăng ký sở hữu trí tuệ, cấp Patent. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho R&D ở doanh nghiệp chưa tương xứng với đặc điểm và đặc trưng của ngành CNTT là liên tục sáng tạo và thay đổi nhanh. Thường khi đầu tư R&D, các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam hay gặp những khó khăn gì, có phải là nguồn nhân lực hay vốn? Các yếu tố cơ bản khuyến khích thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung bao gồm: Quá trình tích tụ của doanh nghiệp (tích tụ về kiến thức, kinh nghiệm, tích tụ về các sáng kiến, tích tụ về vốn, tích tụ về nguồn nhân lực giỏi); Những tín hiệu, cơ hội từ thị trường (là động lực để thúc đẩy quá trình nghiên cứu sáng tạo); Các thể chế, định chế tài chính thuận lợi cho mời gọi các nguồn lực tham gia quá trình nghiên cứu (quỹ đầu tư, liên kết đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp…); Và một số yếu tố khác. Quan sát cho thấy các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở tất cả các yếu tố trên: các doanh nghiệp phần lớn quá nhỏ bé, non trẻ và được tạo dựng từ các nguồn lực rất yếu nên chưa có sự tích tụ để tạo ra sự đột phá trong hoạt động R&D. Do đó kết quả hoạt động R&D của các doanh nghiệp CNTT nói chung còn rất khiêm tốn. Chỉ có số ít doanh nghiệp có thời gian hoạt động khoảng trên 10 năm, có tích lũy mới bắt đầu đầu tư mạnh vào hoạt động R&D nhưng quy mô cũng còn rất nhỏ. Yếu tố nhân lực không bền vững và thiếu người giỏi dẫn dắt cũng là nhân tố quan trọng. Mới đây, 2 tập đoàn công nghệ được xếp vào loại lớn nhất Việt Nam là Viettel và FPT đã công bố việc đầu tư mạnh vào R&D (năm 2012 Viettel sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và FPT dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho các hoạt động R&D). Theo ông, đây có phải là hướng đi đúng của các doanh nghiệp công nghệ lớn ở Việt Nam hiện nay? Doanh nghiệp CNTT muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư cho R&D là lẽ đương nhiên. Viettel, FPT, VNPT và một số doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam muốn khẳng định được vị thế bền vững của mình tại thị trường trong nước và quốc tế thì phải đầu tư một cách thỏa đáng cho R&D và tương xứng với tầm vóc của mình. Các quyết định trên đáng lẽ ra phải sớm hơn nữa. Ông nhận định thế nào về sự phát triển của sản phẩm công nghệ Việt trong thời gian tới? Liệu chúng ta có tạo ra được những sản phẩm như iPad của Apple (như Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà từng ví von)? Tôi tin rằng trong tương lai chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm CNTT thương hiệu Việt hơn hiện nay. Tuy nhiên để có những sản phẩm có thương hiệu Việt nổi tiếng như iPad của Apple thì chắc sẽ rất khó. Nếu có được nhiều sản phẩm chiếm lĩnh được phần lớn thị trường trong nước đã là thành công lắm rồi. Theo ông, để thúc đẩy hoạt động đầu tư cho R&D tại Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước cần phải có chính sách gì? Trước tiên, phải nhận thức rằng đầu tư cho R&D là nhu cầu và lợi ích thiết thân, quyết định sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, nên chắc chắn doanh nghiệp phải có kế hoạch, chiến lược đầu tư cho lĩnh vực này. Nếu có môi trường thuận lợi, có tầm nhìn và chính sách, cơ chế quốc gia để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động R&D của doanh nghiệp và các tổ chức thì kết quả sẽ tốt hơn, sẽ có sự phát triển đột phá nhanh hơn. Các chính sách cụ thể thì tôi chưa thể đề xuất được nhiều nhưng cần sớm triển khai cụ thể tinh thần của Luật Công nghệ cao để luật này thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp và đi vào cuộc sống. Có nhiều điều còn rất lý thuyết cần phải thực tiễn hóa nó. Ví dụ như quy định doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế cao nhất kể từ khi thành lập doanh nghiệp công nghệ cao: Với quy định này, doanh nghiệp triển khai dự án R&D muốn được hưởng ưu đãi thuế lợi nhuận phát sinh từ dự án R&D thì phải thành lập doanh nghiệp mới cho dự án và như vậy quả là chưa mềm dẻo. Các cơ chế đầu tư và sử dụng các hạ tầng dùng chung phục vụ nghiên cứu cũng chưa được thuận lợi, cơ chế hỗ trợ đối với chuyên gia đầu đàn hay thuê chuyên gia nghiên cứu đầu đàn từ nước ngoài để dẫn dắt hoạt động nghiên cứu của doanh nghiệp cũng chưa thật dễ dàng. Cảm ơn ông! |