Bản in
Trống vắng bảo tàng khoa học: Thiệt thòi cho giới trẻ
Cùng với sự phát triển nhanh của nền khoa học, công nghệ (KHCN) thế giới, các bảo tàng khoa học (BTKH) đang ngày càng nở rộ. Thiết chế khoa học này có khả năng lý giải về các sự vật, hiện tượng, thành tựu khoa học và hơn hết là ươm tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ.

Chuyện xứ người

Có dịp đến thăm BTKH quốc gia Thái Lan và BTKH quốc gia Gwacheon (Hàn Quốc), người viết bài này mới thấy rằng, để có thể phát triển đất nước dựa vào KHCN thì điều quan trọng là phải xây dựng được tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ.

BT quốc gia Thái Lan (NSM) tọa lạc trên khu đất 30ha, nằm cách trung tâm Bangkok khoảng một giờ xe chạy, gồm nhiều bảo tàng thành phần, chuyên về khoa học, lịch sử tự nhiên, công nghệ thông tin, thế giới sinh vật... Nhiệm vụ của NSM là nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về tầm quan trọng của KHCN, đặc biệt là khơi dậy và giáo dục thanh, thiếu niên lòng say mê khoa học ngay từ nhỏ. Với sự hỗ trợ của hàng trăm tình nguyện viên, NSM tổ chức nhiều hoạt động bổ ích hút giới trẻ bằng các màn trình diễn khoa học. Phòng thí nghiệm là nơi học sinh giải trí cùng các nhà khoa học và làm quen với khám phá khoa học... Tại NSM, các bạn trẻ có thể tự do vui chơi, ngắm nhìn hiện vật, mô hình khoa học được làm y như thật, làm thí nghiệm trên một số mô hình trực quan. Không khí vui nhộn ở đây khiến không ai còn nghĩ khoa học là khô khan.

Mở cửa từ tháng 11-2008 với tổng số vốn lên đến 409 triệu USD, BTKH quốc gia Gwacheon - NSG (https://www.sciencecenter.go.kr/en/index.jsp) hiện nay là một trong những địa điểm tham quan số 1 của các gia đình Hàn Quốc. Mục đích chính khi Hàn Quốc xây bảo tàng là hướng tới lớp trẻ, trước hết là giáo dục họ thái độ tôn trọng và sự quan tâm đến nền khoa học - cốt lõi của cuộc sống tương lai. NSG hiện đại hơn NSM và được đánh giá là một trong những BTKH quy mô nhất thế giới. NSG có diện tích gần 24,4ha

Với quy mô xây dựng lên đến 50.000m2 trưng bày. Đây là một quần thể bao gồm nhiều khu vực trưng bày kết hợp giải trí như: nhà khoa học, nhà thiên văn, trạm quan sát thiên văn, khu triển lãm ngoài trời, khu học tập về sinh thái, khu trại khoa học, công viên khoa học dành cho trẻ em, quảng trường văn hóa khoa học và nhà hát ngoài trời. Hơn 50% trang thiết bị được ứng dụng các công nghệ tiên tiến như video 3D và thiết bị mô phỏng, giúp người xem trải nghiệm "thực" về KHCN của thời đại ngày nay. Cũng như NSM, NSG là một không gian mở để học sinh được tự do khám phá về sự vật, hiện tượng tự nhiên, từ đó dần hình thành niềm yêu thích khoa học. Theo thống kê, số khách đến thăm NSG năm 2011 là hơn 1,5 triệu lượt người, trong đó 62% là ở tuổi dưới 19.

... và chuyện xứ mình

Không chỉ Hàn Quốc, Thái Lan mà nhiều nước như Mỹ, Nga, Anh, Đức... đều xây dựng một hoặc nhiều BTKH. Đáng tiếc là "sân chơi" này ở nước ta đến nay hầu như trống vắng. Được nhiều người biết đến nhất có lẽ chỉ là Bảo tàng Hải dương học ở Nha Trang (Khánh Hòa) nằm trong khuôn viên chật hẹp của Viện Hải dương học.

14 năm trước, Viện KHCN đã lập dự án xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (VNMN) và đơn vị này cũng ra đời được 8 năm. Tuy nhiên, khoảng 30.000 mẫu vật gồm: bò sát, chim, cá, côn trùng, hổ, voi... được sưu tầm trong hàng chục năm qua đến nay vẫn nằm im trong kho vì không có chỗ trưng bày. Nguyên nhân là chưa có đất để xây bảo tàng. Từ năm 2000 đến nay, UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã 5 lần giới thiệu địa điểm cho VNMN nhưng vì nhiều lý do khiến bảo tàng vẫn chỉ "nằm nhờ" trong khuôn viên Viện KHCN Việt Nam và điều kiện bảo quản hiện vật rất hạn chế.

PGS-TS Phạm Văn Lực, Giám đốc VNMN cho biết: Dự kiến bảo tàng có diện tích 7-10ha, có kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử về văn hóa và khoa học cho đất nước và Thủ đô. Trong tương lai, công chúng, nhất là học sinh, sinh viên có thể và sẽ có điều kiện thực hành, nghiên cứu về thế giới tự nhiên (sinh vật, địa chất…). Ví dụ: Mỗi một vật mẫu động vật (tĩnh) trưng bày trong bảo tàng sẽ được cài đặt kèm theo một phim khoa học mô tả chi tiết về toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển cá thể, tập tính sinh hoạt của nó để các em có thể học thuộc bài ngay tại bảo tàng. Tuy nhiên, ngay cả khi có đất, vốn thì cũng cần 7-10 năm xây dựng bảo tàng mới có thể đi vào hoạt động.

Trong buổi làm việc giữa Bộ KHCN và UBND TP Hà Nội mới đây, ông Hồ Ngọc Luật (Vụ KHCN địa phương - Bộ KHCN) cho rằng, đã đến lúc nên đầu tư xây dựng BTKH để gây dựng tình yêu khoa học cho thế hệ trẻ. Nếu được thì đây sẽ là một quần thể văn hóa, giáo dục, giải trí rất có ý nghĩa...

Có thể nhiều người sẽ cho rằng, xây BTKH trong điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn là chưa khả thi, chưa cấp thiết như xây dựng đường sá, sân bay, bến cảng... Nhưng một nền khoa học mạnh ắt phải bắt nguồn từ tình yêu khoa học trong một bộ phận công dân, trước hết là lớp trẻ. Để thế hệ trẻ "đứng ngoài lề", thiếu hiểu biết về tri thức KHCN e rằng sẽ có lỗi với tương lai.