Bản in
"Quẩn quanh" với công nghệ cao
Sau hơn 20 năm được đầu tư phát triển, lĩnh vực công nghệ cao Việt Nam vẫn trong tình trạng gần như chưa có gì. Mặc dù lượng đầu tư không nhỏ, song việc tiếp cận, chuyển giao và sở hữu được những CNC dường như đang quá xa "tầm với" của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này...

Vẫn là gia công, lắp ráp

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu (XK) khoảng 3,4 tỷ USD các sản phẩm công nghệ cao (CNC). Năm 2011, chỉ riêng Công ty Samsung Việt Nam đã đạt 5 tỷ USD, song giá trị gia tăng nội địa ước tính chỉ đạt 5-10%. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đủ năng lực và công nghệ để sản xuất sản phẩm CNC. Theo thống kê, toàn ngành công nghiệp điện tử (CNĐT), một “mũi nhọn” của lĩnh vực CNC, hiện có khoảng 300 DN, trong đó 1/3 là DN FDI. Hoạt động chính là lắp ráp sản phẩm điện tử gia dụng với gần 70% tổng số vốn toàn ngành, sản xuất linh phụ kiện điện tử chiếm 20% và điện tử chuyên dụng chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử rất thấp, bình quân là 13% và chủ yếu là... bao bì. Tỷ lệ nội địa hóa của lắp ráp tivi trung bình đạt hơn 40%. Các sản phẩm khác thuộc nhóm gia dụng khoảng 35%. Mặc dù có sản phẩm gia dụng có tỷ lệ này lên hơn 70% theo số linh kiện nhưng nếu tính về giá trị chỉ đạt 30%.

Nguồn cung cấp linh kiện và các sản phẩm phụ trợ cho ngành CNĐT chủ yếu là nhập khẩu (NK) và một phần sản xuất trong nước, nhưng phần lớn lại do các DN FDI thực hiện. Các DN trong nước chưa cung cấp được các chi tiết điện tử đặc thù. Tỷ trọng XK của các DN Việt Nam chiếm không đáng kể. Hàng CNĐT đã XK đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, thậm chí được ghi danh trên bản đồ sản phẩm điện tử thế giới (thí dụ như nhà máy Samsung đặt tại Bắc Ninh) nhưng giá trị gia tăng rất thấp vì hầu hết nguyên phụ liệu phải NK và chủ yếu chỉ thực hiện lắp ráp. TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng: “DN Việt Nam chưa tham gia được chuỗi cung cấp đầu vào hay chuỗi giá trị của các DN FDI. Mặc dù gọi là lĩnh vực CNC, nhưng phần “cao” lại không nằm ở Việt Nam mà nằm ở nước khác vì hoạt động hầu như chỉ "quẩn quanh" gia công, lắp ráp với hàm lượng chất xám rất thấp...”.

Sau khi gia nhập WTO, do chính sách bảo hộ của Nhà nước từng bước được gỡ bỏ, nên các DN FDI đã ngừng sản xuất lắp ráp để nhập thành phẩm từ các nước ASEAN vào tiêu thụ trong nước. Do đó, chiến lược phát triển CNĐT của Việt Nam cần được điều chỉnh để tránh mắc tiếp sai lầm. TS Trần Quang Hùng, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho rằng: “Khi Việt Nam nhập WTO phải giảm thuế, sản xuất trong nước ít lợi nhuận nên các DN FDI rút dần. Nhà đầu tư nước ngoài đến đây để kiếm lợi nhuận chứ không phải giúp chúng ta xây dựng CNĐT hay chuyển giao lại CNC nhằm hướng tới sự phát triền chung”.

Dự án CNC "im lìm" trong khu CNC

Tính đến hết năm 2011, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp phép đầu tư cho 61 dự án, với tổng vốn đầu tư 31.287 tỷ đồng, có 18 dự án đã đi vào hoạt động. Trong năm 2012, Ban quản lý Khu CNC Hoà Lạc sẽ tập trung hoàn tất giải phóng mặt bằng, song hiện có tới 9 dự án tại Khu CNC Hoà Lạc có khả năng bị thu hồi giấy phép, một nửa trong số đó là các dự án thuộc lĩnh vực CNC (công nghệ thông tin, truyền thông....). Nhiều DN thuộc lĩnh vực CNC đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc "tạm thời" chưa triển khai dự án, mặc dù đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư. Công ty CPCN Tinh Vân và Công ty CPCN NCS là hai DN đã nhận giấy phép đầu tư vào khu này từ đầu năm 2011. Công ty CPCN Tinh Vân được cấp phép đầu tư với Dự án “Trung tâm Xây dựng nội dung số” với tổng vốn đầu tư 378,95 tỷ đồng trên diện tích 1,78 ha, dự kiến hoàn tất vào tháng 6-2013. Công ty CPCN NCS với Dự án “Trung tâm Nghiên cứu phát triển phần mềm NCS Hoà Lạc” với tổng vốn đầu tư 385 tỷ đồng, diện tích 1,1 ha.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả hai DN trên đều chưa phát đi thông tin nào cho thấy đang triển khai dự án. Trên cổng thông tin của Khu CNC Hòa Lạc, chỉ có thông tin khá chung chung “Dự án đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/500, đã bàn giao mốc giới và đang cùng hoàn thiện thiết kế để đầu tư hạ tầng chung. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị máy móc vào năm 2013”. Đại diện Công ty CPCN Tinh Vân cho biết, thời điểm này DN đang phải tìm mọi cách để tồn tại, nên chưa thể tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Còn trên website của NCS, thông tin cập nhật nhất được đăng tải về Dự án Trung tâm Nghiên cứu phát triển phần mềm NCS Hoà Lạc là từ tháng 11-2010.

Ông Trần Đắc Trung, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư (Khu CNC Hòa Lạc), cho biết, việc rà soát lại các dự án đã được cấp phép đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc đang được tiến hành. Mới đây, Ban quản lý đã làm việc với chủ đầu tư một số dự án, mà đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tháng 6 tới, nếu dự án nào không triển khai, hoặc triển khai đối phó, sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư. Đã đến lúc cần đổi mới về cách nghĩ, cách làm, và mức đầu tư để có sự phát triển phù hợp với nhu cầu và điều kiện. Ngoài hai dự án trên, một số dự án khác như: Trung tâm sản xuất phần mềm và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng IP (Công ty VNG) Trung tâm Nghiên cứu phát triển phần mềm máy tính và sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, viễn thông (Công ty Misa)… cũng đang trong tình trạng "để đó".

Hướng nào phát triển CNC?

Hằng năm, QH phân bổ khoảng 2% tổng chi ngân sách, tương đương khoảng 0,5% GDP, cho khoa học - công nghệ (KH&CN) nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và áp dụng thành tựu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung nhiều cho CNC nhưng so với nhiều nước trên thế giới vẫn là rất thấp. Tổng Giám đốc Công ty TNHH TENMA Việt Nam Katsuhiro Zenke, thẳng thắn: “Các hãng nước ngoài thường chiếm ưu thế về kinh nghiệm cũng như công nghệ và nắm hầu hết thị phần, vì thế việc cung cấp linh kiện của các hãng này thường từ các đơn vị trong hãng hay được hãng ủy quyền sản xuất. Trong khi đó, với công nghệ và kinh nghiệm hiện tại, DN Việt Nam sẽ không dễ dàng tham gia vào chuỗi cung cấp này”.    

Theo ông Hoàng Văn Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), đây là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng XK bình quân khoảng 17,7%/năm (giai đoạn 2001-2010), tuy nhiên sự chênh lệch tỷ trọng XNK lại rất đáng lưu tâm. Thí dụ, năm 2010 XK chiếm hơn 4% tổng XNK, nhưng NK lại chiếm tới 6,15%. Các DN FDI không coi Việt Nam là nơi có nền tảng CNC mà chỉ coi đây là nguồn cung lao động giá rẻ và giá thuê đất thấp. Bên cạnh đó, hiệp hội ngành nghề lại không có khả năng tiếp cận các DN FDI hoặc thiết lập liên kết nhóm để cải thiện tình trạng hợp tác. Theo ông Phương, chúng ta nên thiết lập nền tảng đối thoại hợp tác công tư cùng FDI cho mục tiêu cải thiện thông tin trong lĩnh vực này và thúc đẩy các DN FDI tăng cường hợp tác với chuỗi cung ứng trong nước, chia sẻ công nghệ. Thiết lập một cơ quan tầm quốc gia để thực hiện chuyển giao công nghệ quốc gia. Đầu tư mạnh hơn nữa cho nghiên cứu - chuyển giao do tỷ lệ hiện nay khoảng 0,5% là quá thấp trong môi trường công nghệ phát triển nhanh...

Còn theo TS Trần Quang Hùng, trên thực tế, CNC nói chung mà đặc biệt là CNĐT Việt Nam lạc hậu từ 10 đến 20 năm so khu vực và thế giới. Việc phát triển CNC cần phải có chính sách điều chỉnh hợp lý, tránh mắc tiếp những sai lầm, có định hướng rõ ràng, không nên phát triển theo chiều rộng mà chỉ nên đầu tư theo chiều sâu. DN chỉ nên chọn một chuyên ngành, tập trung vào sản xuất loại sản phẩm mình có thế mạnh, nhằm tạo ra sức cạnh tranh cao để có thể tham gia hệ thống sản xuất khu vực...  Cần tạo mối liên kết chặt chẽ với DN FDI để sản xuất hỗ trợ, tăng khả năng huy động nhiều nguồn tài chính và hỗ trợ hơn nữa để các DN lĩnh vực này tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và dài hạn cho đầu tư phát triển. Trong Đề án phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN cũng đã hình thành và đưa vào hoạt động hệ thống các quỹ trong lĩnh vực KH&CN (Quỹ đổi mới CNC Quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm CNC Quốc gia...), chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan phê duyệt danh mục, mục tiêu, nội dung và sản phẩm chủ yếu của các chương trình KH&CN hướng tới CNC trọng điểm, xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện, cơ chế quản lý tài chính đặc thù đối với các chương trình phát triển CNC…