Bản in
Chế định về khoa học, công nghệ trong Hiến pháp 1992 – những tồn tại cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới (Phần 1)
Những năm 1990 là những năm đầu của tiến trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ kế hoạch hóa tập trung sang hoạt động theo cơ chế thị trường có định hướng XHCN. Những thành tựu của khoa học – công nghệ (KH – CN) góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra những tiền đề cần thiết để bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Chế định khoa học – công nghệ trong Hiến pháp 1992

Những năm 1990 là những năm đầu của tiến trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ kế hoạch hóa tập trung sang hoạt động theo cơ chế thị trường có định hướng XHCN. Những thành tựu của khoa học – công nghệ (KH – CN) góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra những tiền đề cần thiết để bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Đánh giá chung về thực trạng KH – CN, Nghị quyết số 02 – NQ/HNTW về KH – CN của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển KH – CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nêu rõ: nhiều kết luận khoa học đã được dùng làm cơ sở để soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới. Khoa học tự nhiên có những thành tựu trong nghiên cứu, điều tra điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, góp phần tạo luận cứ cho việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở cho quá trình tiếp thu và làm chủ công nghệ mới. Một số ngành nghiên cứu cơ bản đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng tiếp cận trình độ hiện đại trên thế giới. Các ngành KH – CN gắn bó hơn với sản xuất và đời sống. Nhiều thành tựu KH – CN mới đã được ứng dụng, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất nông nghiệp, y tế, bưu chính, viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, dầu khí, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu…, xây dựng và củng cố quốc phòng – an ninh.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ ra những điểm hạn chế KH – CN trong giai đoạn hiện này như: Nền KH – CN nước ta phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ CNH, HĐH còn thua kém so với nhiều nước trong khu vực. Trình độ công nghệ thấp, chậm được đổi mới trong nhiều ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ và trong quản lý. Sản phẩm nghiên cứu KH – CN trong nước chưa nhiều, tỷ lệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống còn thấp. Tình trạng nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và môi trường sinh thái… Đội ngũ cán bộ KH – CN tuy tăng về số lượng, nhưng tỷ lệ trên dân số còn thấp so với các nước trong khu vực, chất lượng chưa cao, còn thiếu nhiều cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi… Cơ cấu và việc phân bố cán bộ KH – CN chưa cân đối, còn nhiều bất hợp lý… Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học quá nghèo nàn, lạc hậu, thông tin KH – CN quá thiếu và không kịp thời, hệ thống tổ chức các cơ quan nghiên cứu – triển khai tuy đã sắp xếp một bước, nhưng vẫn còn trùng lắp, chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu giảng dạy với thực tiễn sản xuất – kinh doanh và với quốc phòng – an ninh; giữa các ngành khoa học, giữa khoa học tự nhiên và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn…

Việc ban hành Hiến pháp năm 1992 là định hướng quan trọng cho hoạt động KH – CN đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH. Hiến pháp 1992 dành hai điều (Điều 37 và 38) quy định về KH – CN.

Điều 37. KH – CN giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT – XH của đất nước. Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách khoa học, công nghệ quốc gia; xây dựng nền khoa học công nghệ tiên tiến; phát triển đồng bộ các ngành khoa học nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách và pháp luật, đổi mới công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, bảo đảm chất lược và tốc độ phát triển của nền kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Điều 38. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tài trợ cho khoa học bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ưu tiên cho những hướng khoa học, công nghệ mũi nhọn, chăm lo đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật nhất là những người có trình độ cao, công nhân lành nghề và nghệ nhân; tạo điều kiện để các nhà khoa học sáng tạo và cống hiến; phát triển nhiều hình thức tổ chức, hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo với sản xuất kinh doanh.

Đến năm 2001, Nghị quyết số 51/2001/QH 10 năm 2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 đã bổ sung quy định Phát triển KH – CN là quốc sách hàng đầu và nghiên cứu, tiếp thu các thành tựu KH – CN của thế giới” vào Điều 37.

Như vậy, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH 10 (sau đây gọi chung là Hiến pháp 1992 sửa đổi) đã xác định:

Về vai trò của KH – CN: giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển KT – XH của đất nước. Khoa học làm luận cứ cho phát triển KT – XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển KH – CN là quốc sách hàng đầu. Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò của KH – CN trong phát triển KT – XH, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hiến pháp 1946, 1959 không quy định về KH – CN, Hiến pháp 1980 đã có 2 điều riêng quy định về đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ KH – CN và xây dựng nền KH – CN nước ta.

Về định hướng phát triển KH – CN, Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng khẳng định rõ 4 định hướng quan trọng. Cụ thể là, xây dựng nền khoa học, công nghệ tiên tiến; phát triển đồng bộ các ngành khoa học; chăm lo đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ khoa học; tạo điều kiện để các nhà khoa học sáng tạo và cống hiến. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tài trợ cho khoa học bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ưu tiên cho những hướng khoa học, công nghệ mũi nhọn. Gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo với sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu, tiếp thu thành tựu KH – CN của thế giới.

Điều này cho thấy, so với Hiến pháp 1980, quan điểm phát triển KH –CN trong Hiến pháp 1992 đã có sự chuyển biến đáng kể. Một là, việc phát triển KH – CN không theo phong trào, cách mạng mà tập trung vào xây dựng tiềm lực cho KH – CN, phát triển đồng bộ các ngành khoa học, đồng thời tập trung vào những lĩnh vực KH – CN ưu tiên. Hai là, phát triển KH – CN đã thoát khỏi tư duy kế hoạch hóa, mệnh lệnh hành chính; tư duy quản lý nhà nước, quản lý xã hội đã có sự chuyển biến thể hiện ở các quyết định về chính sách pháp luật đều dựa trên luận cứ khoa học; hoạt động KH – CN phải gắn với sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả thiết thự cho phát triển kinh tế - xã hội. Ba là, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho KH – CN, đầu tư cho KH – CN được lấy từ nhiều nguồn, không chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước. Bốn là, vấn đề tiếp thu thành tựu, kết quả nghiên cứu KH – CN của thế giới đã thổi luồng gió mới cho hoạt động KH – CN nước ta trong việc tiếp thu công nghệ mới, nâng cao nội lực nghiên cứu. Cùng với xu hướng này, nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại được nhập khẩu, đã thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong nước, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với việc đổi mới quan điểm, định hướng phát triển KH – CN, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thừa nhận đa hình thức sở hữu cũng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển hoạt động KH – CN. Cụ thể, theo Hiến pháp 1959, nền kinh tế đất nước được dựa trên nền tảng về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, lấy kinh tế quốc doanh và tập thể làm chủ đạo. Đến Hiến pháp 1992, nền kinh tế này được chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo và đa dạng hóa các hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân). Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên nhiều lĩnh vực thay vì nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài như Hiến pháp 1980. Đến Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH 10 năm 2001, quan điểm đa dạng hóa các hình thức sở hữu và bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế một lần nữa được khẳng định mạnh mẽ. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Với định hướng này, KH – CN đã có những thành tựu to lớn đóng góp cho nền kinh tế - xã hội. KH – CN đã góp phần đưa Việt Nam từ nước nông nghiệp lạc hậu những năm 80 của thế kỷ XX lên thành nước có trình độ sản xuất ở mức khá trung bình trên thế giới. Có thể thấy rõ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp: việc nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ KH – CN trong chọn tạo giống mới, cải tiến phương thức canh tác đã đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu thủy sản đứng thứ 5 trên thế giới. Trong lĩnh vực công nghiệp, chúng ta cũng làm chủ một số công nghệ như cầu đường, đóng tàu, thủy điện, khai thác dầu khí, lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin cũng có bước cải thiện đáng kể... Điều này đã góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội, GDP năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2000. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, trình độ dân trí nâng cao và hàm lượng KH – CN tăng dần trong các sản phẩm hàng hóa (GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD).

Trong Hiến pháp một nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc..., những cường quốc về KH – CN, cho thấy không có quy định riêng về KH – CN mà chỉ có quy định chung về quyền tự do của con người, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền này được pháp luật bảo vệ... Vậy câu hỏi đặt ra là: tại sao trong Hiến pháp các nước này không có quy định riêng về KH- CN mà KH –CN lại phát triển mạnh mẽ như vậy? Hãy cùng xem xét đánh giá việc thực thi Hiến pháp 1992 để có lý giải về vấn đề này.

(Còn nữa)

Pgs.Ts Nguyễn Đăng Vang
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường