Mặc dù là quốc gia chủ yếu thu nhập chính từ nông nghiệp. Nhưng đến nay, hầu như các loại giống cây, con chủ yếu vẫn phải nhập khẩu.
Điều đáng lưu ý, dù là nước xuất khẩu lúa gạo nhất nhì thế giới nhưng hiện nay tại ĐBSCL, diện tích sử dụng giống xác nhận chỉ đạt khoảng 35% diện tích gieo trồng, 75% là từ giống nhập; gần như 90% nguồn lúa lai bố mẹ cũng phải nhập khẩu.
Hiện nay cả nước đã có 40 phòng nuôi cấy mô hiện đại và nhiều trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương. Tuy nhiên, ngoại trừ một số loại cây trồng như bắp, cà phê, điều, sắn... có được một số thành tựu nhất định trong việc tạo giống, hầu hết các loại trái cây, rau củ, hoa kiểng... khác đều phụ thuộc vào nguồn giống ngoại nhập.
Thị trường hiện đang tràn ngập các giống cây trồng nhập khẩu. Khối lượng hạt giống cây ngắn ngày sản xuất trong nước hiện nay khoảng 170.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được 56% yêu cầu của thị trường. Hiện các giống lúa lai Trung Quốc đang chiếm đến 75% về chủng loại và khoảng 80% lượng giống được gieo trồng. Các giống bắp (ngô) lai có nguồn gốc nước ngoài cũng chiếm tới trên 30% thị phần tại VN.
Đối với cây công nghiệp, gần như 100% số giống mía hiện nay là giống nhập, chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc và Cuba. 66% giống lạc (đậu phộng) được chọn lọc từ các giống nhập; hơn 50% giống cao su được nhập từ Malaysia và Sri Lanka; giống chè cũng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka.
Nhìn ra thế giới, CNSH đã phát triển như vũ báo với công nghệ tế bào gốc, công nghệ gene... Việc tiếp cận các công nghệ cao này cũng đã được giới khoa học Việt Nam tính đến và đã manh nha các phòng thí nghiệm công nghệ cao. Đây là điều đáng mừng, tuy nhiên với 80% sản xuất tại Việt Nam tập trung vào nông nghiệp thì không cớ gì ngành CNSH lại bỏ qua thị trường lớn này.
Kính Lúp
|