Bản in
Công nghiệp vi mạch nên phát triển theo hướng nào
Công nghiệp vi mạch đã được xác định rõ ở vị trí số 1 trong chương trình phát triển công nghệ mà Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển công nghệ này nhưng bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn. Vậy làm thế nào để đưa ngành công nghiệp này phát triển như kỳ vọng?

Tiềm lực và lợi thế đều có sẵn

Sự kiện, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đang gấp rút chuẩn bị để xây dựng nhà máy sản xuất Chip điện tử 200 triệu USD đã hé mở cho chúng ta thấy tương lai gần của ngành công nghiệp vi mạch. Công nghệ vi mạch là lĩnh vực góp phần rất đáng kể vào tổng sản lượng quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, còn là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghệ khác trong cơ giới hóa và điện tử hóa vì hầu như tất cả các thiết bị hiện dùng đều có sự hiện diện của vi mạch bên trong. Doanh thu từ lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thế giới được dự đoán chiếm đến 35% tổng doanh thu toàn ngành điện tử vào năm 2010 (khoảng 350 tỷ USD/1.000 tỷ USD) và tiếp tục gia tăng ở mức 6,1%/năm. Tại Nhật Bản thu nhập của thiết kế vi mạch mang lại 30-40% GDP.

Ở Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được các chuyên gia đánh giá là chỉ mới ở bước khởi đầu. Việt Nam chỉ mới bắt đầu thiết kế vi mạch nhưng phải sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp thuê bao từ nước ngoài. Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường Việt Nam đến năm 2012 sẽ tiêu thụ khoảng 1,9 tỷ USD các sản phẩm từ công nghiệp vi mạch bán dẫn, nhưng hiện nay vẫn chưa có nhà máy nào ở Việt Nam được tổ chức xây dựng một cách bài bản và chuyên nghiệp để sản xuất các mặt hàng này. Vì vậy để phát triển tương xứng với tiềm năng và mang lại doanh số cao thì cần phải chú trọng hơn nữa việc đẩy mạnh phát triển hoạt động thiết kế vi mạch, bán dẫn. Đồng thời, đây cũng là biện pháp góp phần tổng hợp sức mạnh cho ngành CNTT Việt Nam đang trên đà phát triển.

Kỹ sư thiết kế vi mạch tại Khu CNC TP HCM

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của ngành công nghiệp này, nên trong chương trình phát triển công nghệ chuẩn bị trình Thủ tướng của Bộ Khoa học Công nghệ, thiết kế vi mạch đang đứng ở vị trí số 1.

Việc khởi động dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Việt Nam cho thấy những dấu hiệu khả quan, tạo động lực quan trọng để chuyển từ nền công nghiệp thâm dụng lao động sang một nền công nghiệp kỹ thuật cao. Khá nhiều lợi thế cho Việt Nam  khi tiếp cận lĩnh vực này như nhân lực trẻ, dồi dào, đạt nhiều giải thưởng cao về thiết kế vi mạch trên thế giới... Đồng thời, xu hướng sự gia tăng về mức tiêu thụ bán dẫn, về các dịch vụ ngành công nghệ điện tử nói chung đang là rất lớn.

Chọn hướng đi nào?

Song thuận lợi cũng kéo theo thách thức vì như nhìn nhận của một số chuyên gia, Việt Nam mới chỉ tạo đà trên đường đua về sản phẩm vi mạch vốn đã gặt hái được nhiều thành công ở các cường quốc về CNTT như Mỹ, Nhật thì việc định hướng và lựa chọn công nghệ nào để phát triển là yếu tố sống còn quyết định hàng Việt Nam có thắng được hay không. Trong số các công nghệ nhiều chuyên gia cho rằng, RFID (nhận dạng dựa trên vô tuyến) hiện nay đang là bài toán không cưỡng được của xu hướng thế giới. RFID ứng dụng rộng rãi trong nhận diện hàng hóa (thay mã vạch), trong lưu thông hàng hóa, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, chống hàng giả,… Đặc biệt hiện nay, một số nước như Mỹ, Malaysia đang hướng đến việc làm hộ chiếu, chứng minh nhân dân (CNMD) có gắn RFID, một số hang điện thoại như Nokia, Siemmens cũng sắp công bố điện thoại có gắn RFID. Chúng ta nên lựa chọn những sản phẩm gần gũi, nhỏ, vừa sức như chip cho đồ gia dụng (máy giặt, vi sóng...) hay gắn chip truy tìm sản phẩm cho hàng nông sản Việt Nam để xuất khẩu... Đây là những sản phẩm đang bị chúng ta bỏ ngỏ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Ký kết hợp tác chương trình đào tạo thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch tại Đại học Bách khoa TP HCM.

Tuy nhiên, để phát triển lĩnh vực này, bên cạnh việc hoạch định chiến lược phù hợp thì cần có những chính sách cụ thể và nguồn vốn nhất định. Nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài về nguồn vốn và công nghệ thực hiện để tận dụng, tổng hợp nhiều nguồn lực cho phát triển. Bên cạnh đó, cần đầu tư đúng mức cho nghiên cứu phát triển công nghệ và chương trình đào tạo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trung tâm phát triển vi mạch với các trường đại học trong nước nhằm tạo ra nguồn nhân lực chuyên nghiệp, quan trọng nhất là nhận được sự hỗ trợ có hệ thống từ chính phủ để phát triển và chiếm lĩnh thị trường.

Để nhận định đầy lạc quan 10 năm nữa ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam sẽ có một vị trí nhất định trên bản đồ vi mạch thế giới, cần lắm nhiều nỗ lực của các cơ quan hữu trách nhưng không để không tính chiến thuật công nghệ trên bản đồ đã đầy rẫy những cao thủ.
 

Minh Châu