Bản in
Khan hiếm trầm trọng nhân lực công nghệ cao
Được ví như những hạt nhân kích hoạt cho sự phát triển của những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện hạt nhân, công nghệ gen... nhưng hiện nay, nguồn nhân lực công nghệ cao đang yếu và thiếu trầm trọng. Các chuyên gia, nhà quản lý cảnh báo, nếu không kịp thời bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, chúng ta khó có thể tạo sự bứt phát trong phát triển kinh tế xã hội.

Số lượng và chất lượng đều không đạt yêu cầu

Theo dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ cao, đến năm 2020, các trường Đại Học cần tuyển 30.000 sinh viên công nghệ thông tin, 25.000 sinh viên công nghệ sinh học, 25.000 sinh viên công nghệ tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ vật liệu. Bên cạnh đó, phải đào tạo 28.000 người trình độ sau Đại Học về các lĩnh vực này. Thế nhưng, hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường Đại Học về công nghệ cao còn thiếu rất nhiều. Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường Đại Học được thống kê, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành công nghệ cao, chiếm tỉ lệ 29,9%; trong đó chức danh giáo sư chỉ có 11 người, phó giáo sư chỉ có 97 người, tiến sĩ chỉ có 270 người và 694 người có trình độ thạc sĩ. Đây quả thực là thách thức lớn và cũng là áp lực lớn đối với việc đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao.

Một câu chuyện đáng để suy nghĩ khi một tập đoàn CNTT của Nhật Bản làm việc với lãnh đạo TP.HCM, phía đối tác ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử nhưng chúng ta đã không thể đáp ứng được yêu cầu này. Thực tế cho thấy, qua các lần sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tỉ lệ đạt là rất thấp, chỉ dưới 10%. Số liệu cũng cho thấy, các trường đại học trong cả nước cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực công nghệ thông tin trung bình 110.000 kỹ sư/năm, nhưng chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cũng liên quan đến lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là công nghệ gen, hiện nay, số chuyên gia trong lĩnh vực này chỉ tính đến đơn vị hàng chục. TS Nguyễn Văn Lạng, thứ trưởng Bộ KH&CN, trưởng Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc đã phải thốt lên:  “Rõ ràng nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ để có thể chuyển kiến thức thành công nghệ, chuyển kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thành quy trình sản xuất công nghệ cao. Đây là lý do khiến Việt Nam đi sau hàng chục năm so với nhiều nước đang phát triển”. Cũng theo TS Lạng, đội ngũ nhân lực công nghệ cao không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng khi chưa theo kịp với nhu cầu xã hội.

Nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao đang rất khan hiếm  (ảnh chụp tạo Phòng thí nghiệm nano - Đại học quốc gia TP HCM)


Một điều đáng quan tâm nữa, đó là cho đến nay, Việt Nam chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao mà chỉ dừng ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố công nghệ cao nào đó.

Có thể lấy ví dụ điển hình là hiện nay, theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công tháng 12/2014, vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2020 thế nhưng, chúng ta mới chỉ có một số người học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về hạt nhân, còn những người làm về công nghệ hạt nhân như xử lý sự cố thì Việt Nam chưa có. Hiện tại Việt Nam mới có được khoảng 300-500 chuyên gia, nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực vật lý hạt nhân chứ không phải công nghệ hạt nhân.
Theo nhận định, nhân lực cho dự án ĐHN (chỉ tính riêng nhân lực phục vụ việc vận hành nhà máy ĐHN sau này) sẽ cần khoảng 2.000 cán bộ kỹ thuật cho 2 nhà máy Ninh Thuận I và Ninh Thuận II, mỗi nhà máy có hai lò phản ứng. Hiện tại, Việt Nam mới triển khai xây dựng đề án để phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực này, như vậy là quá chậm và bất cập.

Đào tạo theo nhu cầu: xu hướng tất yếu

Hiện nay, có khá nhiều mô hình đào tạo nhân lực công nghệ cao được triển khai ở Việt Nam như gửi đi đào tạo ở nước ngoài và đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước, liên kết đào tạo vừa học vừa làm theo nhu cầu của doanh nghiệp... Theo đó, Chương trình đào tạo bằng ngân sách Nhà nước (gọi tắt là Chương trình 322) đã đào tạo được 1.740 cán bộ từ đại học trở lên ở nhiều nước có nền KH&CN tiên tiến. Thông qua hoạt động của Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF), Việt Nam đã gửi đào tạo được hơn 100 tiến sĩ, thạc sĩ, phần lớn ngành đào tạo liên quan đến CNTT-TT, CNSH, tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ nano. Một dấu hiệu đáng mừng, hiện đã nhen nhóm những mô hình đào tạo theo nhu cầu có sự kết hợp tay ba giữa trường đại học- doanh nghiệp- viện nghiên cứu được xem là khá thành công.

Ví dụ như với dự án nhà máy điện hạt nhân, để chuẩn bị nhân lực, hàng năm Bộ GD&ĐT phối hợp với EVN và các đơn vị liên quan tuyển sinh cán bộ, sinh viên đi đào tạo kỹ sư, thạc sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân tại Đại học Tổng hợp nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga (MEPHI) theo chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam giữa Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom). Trong đó kinh phí đào tạo do Rosatom tài trợ 50%, EVN đài thọ 50%. EVN cũng sẽ cấp bổ sung tiền sinh hoạt phí 200 USD/người/tháng cho cán bộ, sinh viên có cam kết làm việc lâu dài cho EVN.

Hay như để đón đầu dự án đầu tư nhà máy sản xuất chip điện tử tại Việt Nam do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư (đã được UBND TP HCM chấp thuận đầu tháng 11/2010 vừa qua), Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng đã có hẳn một chương trình lựa chọn, bồi dưỡng những sinh viên ưu tú nhất, tạo nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch. Sau khi đánh giá được chính xác nhu cầu thị trường, khả năng phát triển ngành, ĐH Bách khoa đã chính thức mở rộng quy mô, xin phép mở ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch vào cuối tháng 3/2011.

Có thể thấy, sự mạnh dạn có kết hợp “tay ba” trong đào tạo giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp đã khá rõ ràng. Trên mặt bằng đào tạo chung, xu hướng tất yếu của đào tạo nhân lực công nghệ cao theo theo “đặt hàng” của doanh nghiệp đã dần rõ ràng.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội về nhân lực công nghệ cao, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, Chính phủ nên có cơ chế, chính sách thoáng cho mối liên kết này bằng cách cho phép trường đại học đào tạo cơ bản (còn gọi là đào tạo phần cứng) và các doanh nghiệp gửi nhu cầu đến các trường (đào tạo phần mềm). Trong “đào tạo phần cứng” các trường có thể cập nhật những thông tin mới của ngành công nghệ cao vào chương trình giảng dạy, cải cách, đổi mới một số chương trình trong khả năng và trang bị thêm thiết bị mới; trong khi “đào tạo phần mềm” thì có thể bổ sung các môn học tự chọn cho sinh viên và cách tốt nhất là theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp.

Đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp là rất cần thiết (ảnh chụp tại phòng nuôi cấy mô, ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội)

Bên cạnh đó, hàng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ giữ chân người tài cũng cần được bổ sung như: chính sách tiền lương; chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, trí thức Việt kiều; tạo liên kết viện – trường – doanh nghiệp thành mạng lưới nghiên cứu – đào tạo – sản xuất sản phẩm CNC; xây dựng danh mục các chuyên ngành đào tạo cụ thể trong từng lĩnh vực CNC ở bậc đại học và sau đại học, thống nhất chương trình khung đào tạo tạo chuyên gia trong các lĩnh vực CNC...

Minh Châu