Bản in
Hiệu quả cao từ áp dụng “đặt hàng” các đề tài khoa học
Tăng cường áp dụng cơ chế đặt hàng và đầu tư có trọng điểm, các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ các đề tài khoa học công nghệ (KHCN) hiện đang triển khai tại TP.HCM đã “bám rễ” được vào cuộc sống, đem lại hiệu quả kinh tế lớn hàng triệu USD.

Tiến sĩ Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, tại TP.HCM tỉ lệ các đề tài nghiên cứu dưới dạng “đặt hàng” ngày càng tăng, và đạt trung bình khoảng từ 30-40%/năm. Đầu mối “đặt hàng” từ lãnh đạo UBND thành phố, thành ủy, các sở, ban, ngành, các quận, huyện đến các hội DN. Sở KHCN tiếp nhận các đơn đặt hàng và thông báo rộng rãi cho các tổ chức KHCN, thực hiện tuyển chọn cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài theo hình thức “đấu thầu”. Thông qua cơ chế “đặt hàng”, Sở KHCN đã tập hợp tốt đội ngũ KHCN. Hơn nữa, thế mạnh của các đề tài “đặt hàng” là đã có địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả này...
Bên cạnh đó, để có nhiều sản phẩm KHCN trở thành hàng hóa, Sở KHCN cũng đã tiến hành hỗ trợ đầu tư cho các dự án thiết bị, công nghệ từ đơn đặt hàng, nhất là của DN. Trong đó, có một số đề tài, dự án nghiên cứu còn được tập trung đầu tư với kinh phí tương đối lớn từ 2-4 tỷ đồng/đề tài trong các lĩnh vực trọng điểm như cơ khí, công nghệ sinh học, năng lượng, thiết kế vi mạch… từng bước khắc phục tình trạng “đầu tư dàn trải” trước đây. Tổng kinh phí ngân sách đã hỗ trợ cho hoạt động này khoảng 40,178 tỷ đồng.
Nhờ tập trung được nhân lực và nguồn lực, nhiều vấn đề “nóng” của thành phố đã được giải quyết như giao thông, ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai, quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại trên địa bàn, cung cấp điện gió, điện mặt trời cho quần đảo Trường Sa… Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn. Đến nay, đã chuyển giao được 265 sản phẩm cho các DN với giá bán rẻ hơn từ 20-60% so với giá nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ được khoảng 15 triệu USD. Qua đó, còn góp phần khẳng định vị thế của công nghiệp cơ khí và chế tạo của thành phố.
Có thể kể đến một số dự án mang lại hiệu quả cao như “máy sấy tầng sôi tạo hạt” phục vụ ngành dược phẩm, đã chuyển giao cho Công ty Vemedim Cần Thơ với giá 400 triệu đồng so với máy nhập khẩu từ Đài Loan là 1,1 tỷ đồng; “Tổ hợp thiết bị cấp, rải, đầm lèn bề mặt bê tông mái dốc” với giá 1,9 tỷ đồng so với giá thiết bị nhập khẩu cùng loại khoảng 7 tỷ đồng, hiện đã chuyển giao cho 2 đơn vị sử dụng. Dự án “hoàn thiện công nghệ sản xuất quạt chuyên dụng và vật liệu làm mát không khí bằng nước phục vụ thông gió, chống thấm trong công nghiệp”, sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm của Đài Loan và Trung Quốc về chất lượng; Hay đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu composite vào công nghệ chế tạo thân vỏ xe khách”, lợi nhuận tính trên 1 sản phẩm xe khách khi ứng dụng vỏ ốp composite thay vỏ ốp bằng vật liệu truyền thống tăng xấp xỉ 3%. Kết quả đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong sản xuất lắp ráp khung vỏ ôtô khách…
Theo ông Tân, trong thời gian tới sở sẽ tiếp tục tăng cường hình thức hoạt động này. Do đó, sẽ đẩy mạnh hơn công tác khảo sát nhu cầu thực tế nhằm gắn kết nghiên cứu với sản xuất tại các sở, ngành, doanh nghiệp, khu công nghiệp - khu chế xuất, hiệp hội doanh nghiệp, quận, huyện. Đồng thời, mở rộng phạm vi đối tượng tham gia cơ chế “đặt hàng”, đối với các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học không chỉ trong nước mà còn ngoài nước, nhất là các cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc và sinh sống tại thành phố trên cơ sở đánh giá tính khả thi của các đề tài, dự án. Phối hợp các đơn vị, DN “đặt hàng” hoặc có nhu cầu xây dựng tốt dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn chỉnh công nghệ sản xuất ở quy mô công nghiệp hoặc bán công nghiệp./.