Lần đầu tiên, bản báo cáo tổng quan môi trường quốc gia được thực hiện sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 chính thức có quy định. Báo cáo môi trường quốc gia 2010 với chủ đề – Tổng quan môi trường Việt Nam nhằm đánh giá tổng thể hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010, đồng thời cung cấp cơ sở thực tiễn để xem xét các tác động qua lại giữa phát triển kinh tế – xã hội và môi trường.
5 vấn đề bức xúc chính
Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 chỉ rõ: Giai đoạn 2006 - 2010 môi trường Việt Nam có những diễn biến phức tạp, tập trung ở 5 vấn đề bức xúc chính như: ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm tại 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ, Đáy, hệ thống sông Đồng Nai, ô nhiễm đô thị, các khu cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...; Đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng; An ninh môi trường bị đe dọa (gồm vấn đề an ninh nguồn nước, ô nhiễm xuyên biên giới chưa thể kiểm soát, sinh vật ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gien ngày càng gia tăng,...); Quản lý môi trường ngày càng bất cập; Vai trò của cộng đồng chưa được huy động đúng mức.
Báo cáo nhận định, ô nhiễm môi trường đã tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng tới các hệ sinh thái. Ô nhiễm môi cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt những xung đột về môi trường, điển hình là xung đột lợi ích giữa các nhóm cộng đồng trong khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản, giữa những nhóm gây ô nhiễm và cộng đồng bị ô nhiễm.
Kiến nghị giải pháp
Báo cáo không chỉ tập trung nghiên cứu về các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội mà còn đề cập đến những cơ hội và thách thức về môi trường Việt Nam, đặc biệt đưa ra những phân tích, nhận định về diễn biến môi trường đất, nước, không khí, chất thải rắn, đa dạng sinh học và các vấn đề môi trường nổi cộm trong thời gian qua.
Toàn cảnh Lễ công bố báo cáo môi trường quốc gia 2010
Từ thực tế tổng quan môi trường năm 2010, Báo cáo môi trường Quốc gia đã đưa ra các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Báo cáo Kiến nghị Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan về môi trường; xem xét tăng mức chi sự nghiệp môi trường lên trên mức 2% tổng chi ngân sách hàng năm; giám sát, kiểm tra việc thi hành các luật liên quan trong công tác bảo vệ môi trường.
Kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc nhằm ngăn chặn việc gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh môi trường. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cấp xã, phường, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; phát triển các sự nghiệp môi trường và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư, tăng cường năng lực cơ sở vật chất, kỹ thuật về bảo vệ môi trường phục vụ công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; có các biện pháp hữu hiệu phát triển ngành công nghiệp môi trường. Xây dựng các cơ chế, chính sách và các giải pháp cần thiết để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Theo Luật bảo vệ môi trường, định kỳ 5 năm một lần, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia theo kỳ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia để Chính phủ trình Quốc hội. Báo cáo nhằm mục đích đánh giá tổng quan nguyên nhân và diễn biến hiện trạng môi trường Việt Nam trong giai đoạn 5 năm qua, cung cấp cơ sở thực tiễn để xem xét các tác động qua lại của phát triển kinh tế – xã hội và môi trường, kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ năm 2005 đến năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia hàng năm theo các chuyên đề: Đa dạng sinh học (năm 2005); Môi trường nước 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ – Đáy, hệ thống sông Đồng Nai (năm 2006); Môi trường không khí đô thị (năm 2007); Môi trường làng nghề (năm 2008); Môi trường khu công nghiệp (năm 2009). |
Quốc Minh
|