Tỉ lệ đầu tư cho đổi mới công nghệ còn quá thấp
Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã có khảo sát về tình hình sử dụng thiết bị - công nghệ (TBCN) và tư vấn công nghệ của các DN Việt Nam. Theo đó, 100 DN ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tham gia khảo sát và thực trạng yếu kém về công nghệ của DN thể hiện rõ qua con số: mức đầu tư cho đổi mới TBCN chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm. Đa số DN sử dụng công nghệ từ những năm 80 của thế kỷ trước; 69% DN phụ thuộc vào nguyên vật liệu; 52% phụ thuộc vào TBCN nhập khẩu và 19% DN lệ thuộc vào bí quyết công nghệ. Số cán bộ, kỹ thuật có chuyên môn của DN chỉ đạt 7%.
Theo UNDP, tỉ lệ nhập khẩu công nghệ, thiết bị mỗi năm của các nước đang phát triển thường gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng ở Việt Nam, tỉ lệ này rất thấp, dưới 10%. Còn theo CIEM, trình độ công nghệ cũng như mức độ làm chủ công nghệ của các DN công nghiệp Việt Nam thuộc hàng thấp và chậm so với khu vực. Thực tế cho thấy, vài thập kỷ trước, Thái Lan, Malaysia, thậm chí Hàn Quốc, chỉ có trình độ phát triển tương đương nhưng hiện nay, các nước này đã vượt qua Việt Nam. Như trong lĩnh vực dệt may, CNTB đã gần 15 tuổi, thuộc dạng thanh lý của Hàn Quốc nhưng nhiều DN cùng lĩnh vực của nước ta vẫn nhập để đưa vào sản xuất.
Nếu theo dõi về tình hình phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước cũng thấy rõ mức độ "trì trệ" của phát triển công nghệ. Đề án "ĐMCN sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn" đã được triển khai hơn 2 năm, nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Hiện nay Sở KHCN mới đánh giá được trình độ công nghệ của 429 DN, trong đó chỉ có 1% DN có công nghệ tiên tiến. Đề án cũng đã phát phiếu điều tra tới 1.000 DN về nhu cầu ĐMCN nhưng chỉ nhận lại được 50 phiếu. Còn Quỹ Phát triển KHCN cũng mới chỉ giải ngân được cho 4 DN với số tiền gần 20 tỉ đồng.
Đâu là lời giải?
Theo bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng (CIEM), động lực hàng đầu và mạnh nhất để buộc các DN Việt Nam ĐMCN là áp lực cạnh tranh do kết quả của việc mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua. Kết quả điều tra của CIEM cho thấy, có tới 90% các DN được hỏi đồng ý với quan điểm trên và coi áp lực cạnh tranh là động lực lớn nhất để DN quyết định đầu tư ĐMCN nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Điều đó có nghĩa là một khi DN còn được bảo hộ, được hưởng vị thế độc quyền và chưa phải đối mặt với cạnh tranh thì họ sẽ còn chần chừ trong đầu tư ĐMCN. Thiếu vốn, thiếu thông tin về công nghệ và những hạn chế trong pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ chỉ là những cản trở tiếp theo.
Ngoài những lý do trên, một số chuyên gia còn cho rằng DN chậm ĐMCB và CNTB của đại đa số DN giẫm chân tại chỗ là do họ thiếu thông tin về các công nghệ mới trên thị trường; chi phí đầu tư cho công nghệ lớn hơn rất nhiều chi phí đầu tư cho sản xuất thông thường nên với đại bộ phận DN thuộc diện vừa và nhỏ thì điều này là không đơn giản. Ngoài ra, đầu ra của sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam còn nhỏ hẹp; tiêu chuẩn công nghệ áp dụng ở Việt Nam lạc hậu hơn thế giới nên nhiều DN chần chừ... cũng là những trở ngại khiến vấn đề ĐMCN gặp khó khăn. Đó là chưa kể đến việc thiếu quỹ đầu tư mạo hiểm để giúp DN yên tâm khi quyết định đầu tư.
Một chuyên gia của Bộ KHCN đã phân tích 5 thất bại mà các DN Việt Nam thường gặp phải khi thực hiện chuyển giao công nghệ là: không hình thành được một kế hoạch bài bản; thiếu phân tích tình hình; thiếu khả năng quản lý dự án; không tìm kiếm đúng công nghệ; thiếu khả năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Chậm ĐMCN, đặc biệt là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực thì những thua thiệt về khả năng phát triển thị trường xuất khẩu sẽ không còn là nguy cơ nữa mà đang trở thành một thực tế khó tránh khỏi. Chỉ khi nào giải quyết được những vướng mắc trên, bài toán ĐMCN trong DN mới thực sự có lời giải.
Minh Châu
|