Bản in
Xây dựng đập Xayaburi: Các nhà tư vấn cần áp dụng những mô hình tối ưu
WWF (Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới) lên tiếng kêu gọi: khi đánh giá lại dự án đang gây nhiều tranh cãi - đập Xayaburi - các nhà tư vấn cần phải cam kết sử dụng những mô hình tối ưu hiện nay của ngành công nghiệp thủy điện.

Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Uỷ ban sông Mê Công hoãn ra quyết định về dự án đập Xayaburi do những ý kiến chỉ trích không ngừng gia tăng từ Thái Lan, Việt Nam và Cam-pu-chia, các chuyên gia, các tổ chức môi trường và cộng đồng về việc thiếu thông tin liên quan đến những tác động quan trọng tiềm ẩn của đập làm ảnh hưởng đến việc cung ứng lương thực và sinh kế của hàng triệu người.

Tiến sĩ Jianhua Meng, chuyên gia về Thủy điện bền vững của WWF Quốc tế nhận xét: “Thẳng thắn mà nói, những tài liệu quan trọng do những người ủng hộ xây đập chuẩn bị đã không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và thể hiện một sự tham vấn nghèo nàn.”

“Trong nhiều năm qua, WWF đã làm việc chặt chẽ với Hiệp hội Thuỷ điện Quốc tế nhằm nâng cao các tiêu chuẩn bền vững và chúng tôi hiểu thế nào là mô hình tốt nhất. Chúng tôi biết những mô hình này đã đi vào hoạt động, và trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng cần phải hiểu đúng các mô hình đó nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng.”

Mới đây, Trung tâm Cá Thế giới (Worldfish) cùng với Quỹ Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và WWF đã tiến hành đánh giá về bản Đánh giá Tác động Môi trường đập Xayaburi (EIA) và cho biết “Đánh giá EIA về Xayaburi đã không đạt được tiêu chuẩn quốc tế do có nhiều thiếu sót và sai sót trong quá trình thực hiện.”

Thông thường những đánh giá phải tính đến các tác động ở vùng thượng lưu, khu vực đập và vùng hạ lưu, tuy nhiên Đánh giá EIA đã “không đề cập đến lưu vực thượng lưu, chỉ xem xét một phần ba của khu vực dự án và chỉ tính tác động tới khu vực hạ lưu trong vòng 2km tính từ khu vực đập.”

 Về vấn đề các loài thuỷ sinh - mối quan tâm lớn nhất của WWF - Đánh giá Tác động Môi trường của đập Xayaburi đã bỏ qua hầu hết những nghiên cứu hiện có và chỉ dựa vào một đợt lấy “mẫu thực nghiệm đơn giản” bao gồm “không đến 1/3” sự đang dạng sinh học của khu vực bị tác động.

Chỉ có 5 loài di cư trong danh sách lập từ năm 1994 được đề cập và 3 trong số hơn 28 loài cá di cư trên sông Mê Công được xem xét. Trái lại, những nghiên cứu gần đây cho biết có 229 loài cá coi khu vực thượng lưu làm nơi sinh sản và sinh sống trong mùa nước cạn, 70 trong số đó là loài di cư.

Đánh giá của Worldfish cho thấy bản đề xuất đường đi dành cho cá qua đập đã bỏ qua nhiều hướng dẫn thiết kế, thiếu những chi tiết quan trọng bao gồm các kỹ thuật dành cho các loài ưu tiên. Đường đi này cũng gây khó khăn cho cá di chuyển,  thậm chí ngay cả đối với những loài bơi khoẻ như cá hồi ở bắc bán cầu.

Cảnh báo dành cho các nhà tư vấn

Nhằm cảnh báo các nhà tư vấn, WWF trích dẫn ví dụ về công ty thiết kế Colenco, công ty đóng vai trò chính trong việc xây dựng bản đề xuất vượt đập dành cho cá, đồng thời cũng là bên thực hiện Nghiên cứu tính Khả thi của đập Xayaburi – một nghiên cứu đã bị giới chuyên môn chỉ trích nặng nề.

“Nếu so với các tiêu chuẩn của công ty Colenco mẹ tại Thụy Sĩ, thiết kế dành cho đập Xayaburi hầu như không thể chấp nhận được, không phù hợp với trách nhiệm xã hội và đạo đức môi trường của công ty” Dr Meng cho biết.

“Tại thời điểm này, khi các nhà đầu tư thuỷ điện đang có những nỗ lực đáng kể để nâng cao tính bền vững cho các hoạt động mà họ tham gia, những công ty như Colenco cần đặc biệt thận trọng khi gắn tên tuổi của mình với dự án mà việc nghiên cứu không đầy đủ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho dòng sông và hàng triệu người liên quan đến nó.”

Đánh giá cần sử dụng những công cụ tốt nhất

WWF hoan nghênh ý kiến của ông Viraphonh Viravong, lãnh đạo Cục Điện lực Lào rằng nước này sẽ tiếp tục trì hoãn việc xây đập cho đến khi có kết quả đánh giá của tham vấn quốc tế về những quan ngại đối với đập Xayaburi từ các nước lân cận .

"Tư vấn có thể thể hiện cam kết sử dụng những mô hình tối ưu bằng cách thực hiện đánh giá dựa vào những biện pháp và công cụ tốt nhất hiện nay, đặc biệt là Nghị định thư về Đánh giá Thủy điện Bền vững (HSAP) mà WWF và đối tác đã xây dựng cùng với Hiệp hội Thủy điện Quốc tế”, Tiến sĩ Meng cho biết.

“Ngoài ra, còn có thể tham khảo Công cụ Đánh giá Thuỷ điện Bền vững Lưu vực sông lớn dành riêng cho sông Mê Công do Uỷ ban sông Mê Công phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á xây dựng.”

“Kết hợp lại, đây là những cách hữu hình để xác định phương pháp lựa chọn vị trí, thiết kế dự án với những tác động tiêu cực nhỏ nhất và để đánh giá tính bền vững của đập.”

WWF đề nghị hoãn việc xây đập trên dòng chảy chính hạ lưu sông Mê Công trong vòng 10 năm cho đến khi có đầy đủ thông tin để đánh giá tác động của đập. Đây cũng là lời kêu gọi từ phía Việt Nam.

Minh Châu