Bản in
17/4: siêu mặt trăng có gây thảm họa mới?
Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng siêu mặt trăng chỉ khiến hiện tượng thủy triều rút sâu và dâng cao hơn, chứ không có gì siêu bất thường xảy ra khi mặt trăng ở điểm gần trái đất nhất.

Viện Khoa học Trung ương Trung Quốc mới ra thông báo cho biết vào ngày 17/4 tới, Mặt trăng và Trái đất sẽ lại gần nhau một lần nữa, và “siêu Mặt trăng” sẽ xuất hiện.
 
Đây là lần thứ hai siêu mặt trăng xuất hiện trong năm 2011. Lần này, khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất vào khoảng 358.090 km, xa hơn so với “siêu Mặt trăng” hôm 19/3/2011 chỉ 1.513km. Mặt khác, ngày 17/4 lại đúng ngày rằm nên độ sáng của mặt trăng sẽ tương đối lớn, tăng khoảng 20% so với bình thường.
 
Một trang web về vũ trụ nổi tiếng là Life's Little Mysteries còn dẫn lời một nhà chiêm tinh học hàng đầu thế giới cho biết hiện tượng “siêu mặt trăng” vào ngày 17/4 có thể gây ra động đất, núi lửa.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu sóng thiên văn quốc tế và nhà thiên văn học người Australia David Reneke đều phủ nhận điều này. Họ cho rằng hiện tượng siêu mặt trăng chỉ khiến hiện tượng thủy triều rút sâu và dâng cao hơn, chứ không có gì siêu bất thường xảy ra khi mặt trăng ở điểm gần trái đất nhất.

Điều này cũng được giới thiên văn học đồng tình. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn trẻ Việt Nam khẳng định, "siêu mặt trăng" chỉ làm thủy triều thay đổi chứ không làm ra sóng thần. Như khoa học đã chứng minh, lực hút giữa Trái Đất và Mặt Trăng sẽ tạo ra các đợt thủy triều lên và xuống mỗi ngày. Nếu khoảng cách hai hành tinh này càng gần thì lực hút này càng mạnh. Song, tính toán của các nhà thiên văn học thế giới cho biết,  khoảng cách của việc xuất hiện siêu mặt trăng chỉ làm khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng gần lại khoảng 10% khoảng cánh nên lực hấp dẫn không thay đổi là mấy.

Trước đó, thế giới từng chứng kiến những lần xuất hiện “siêu mặt trăng” vào năm 1955, 1974, 1992 và 2005, với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn.

Hiện tượng “siêu Mặt trăng” hôm 19/3 vừa qua, chỉ cách có 8 ngày sau trận động đất sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản, nên có nhiều lời đồn đoán hiện tượng “siêu mặt trăng” có thể là dấu hiệu tiếp theo cảnh báo động đất, núi lửa. Tuy nhiên, chưa hề có điều gì bất thường xảy ra như đồn đoán.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải khẳng định, đây là hiện tượng thiên nhiên bình thường mang tính chất chu kỳ do đó, siêu mặt trăng không có liên quan đến bất cứ yếu tố tâm linh nào. Sự xuất hiện của siêu mặt trăng có chăng chỉ giúp giới yêu thiên văn và nghiên cứu về hành tinh này có điều kiện tiếp cận gần hơn mà thôi. Theo tính toán của giới thiên văn, nếu điều kiện thời tiết đẹp, ít mây mù thì ngày 17/4 có thể quan sát được hiện tượng siêu mặt trăng lần thứ 2 trong năm.

Siêu trăng tròn lớn hơn mặt trăng lúc bình thường khoảng 14%, sáng hơn bình thường khoảng 20%- 30% nhưng về bản chất, đó vẫn là Trăng xuất hiện đêm rằm, chỉ có điều nó sáng và to hơn bình thường một chút. Chính vì vậy, siêu trăng xuất hiện lần này sẽ dễ quan sát hơn. Cụ thể, với những người không có phương tiện hỗ trợ, chỉ cần đưa mắt lên bầu trời vị trí có Trăng là có thể nhìn thấy được rồi. Còn những ai cầu kỳ hơn, muốn ngắm vầng Trăng rõ nét hơn thì có thể dùng kính viễn vọng.
 
Đường đi giữa Mặt Trăng và Trái Đất có hình elip, nên sẽ sinh ra những điểm cực gần và cực xa giữa hai hành tinh này. Theo chu kỳ, điểm cực gần sẽ xuất hiện 1 tháng 1 lần vào đúng thời điểm trăng rằm. Và ngày 17/4 năm nay cũng không nằm ngoài quy luật đó (rơi vào rằm tháng 3). Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng tính toán, chu kỳ xuất hiện siêu mặt trăng sẽ khoảng 413 ngày/lần.

Minh Châu