Bản in
Tại sao Nhật lâm vào khủng hoảng hạt nhân tồi tệ
Theo nhật báo Asahi của Nhật Bản, hai trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản lâm vào cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong kỷ nguyên năng lượng nguyên tử của xứ Phù Tang là do các nhà khoa học Nhật Bản đã quá tự tin vào công nghệ hạt nhân của nước này và việc TEPCO che giấu các thông tin, khiến các nhà khoa học không thể đánh giá chính xác về mức độ nghiêm trọng của sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Chuyên gia Atsushi Kasai, người đã từng lãnh đạo một phòng thí nghiệm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) cho rằng thế hệ các nhà khoa học và các chuyên gia điều hành nhà máy điện hạt nhân ngày nay có thể đã bị mù quáng vì quá tự tin vào công nghệ của Nhật Bản. Ông nói: “Năng lượng hạt nhân luôn có mặt xấu là các sự cố… Chúng tôi đã thành công trong việc chuyển giao công nghệ điện hạt nhân từ thế hệ của chúng tôi tới các thế hệ sau đó, nhưng có thể chúng tôi đã thất bại trong việc chuyển giao khả năng nhận ra mặt xấu của năng lượng hạt nhân.”
 
Ông Kasai đã từng là thành viên của Ủy ban Kiểm định An toàn Hạt nhân tại JAEA và tham gia nhiều cuộc thanh tra hiện trường sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986. Ông cho rằng thế hệ chuyên gia hạt nhân trẻ hơn dường như tin rằng “các sự cố hạt nhân không thể xảy ra. Đó chỉ là câu chuyện thần thoại” và có vẻ như họ tin rằng công nghệ của Nhật Bản là hàng đầu trên thế giới.
 
Chuyên gia Kasai tin chắc rằng “có thể có một phần vài triệu cơ hội ‘hội chứng Trung Quốc’ có thể trở thành hiện thực”. Hội chứng Trung Quốc là một tình huống giả định, trong đó lõi lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy phá hủy nhà máy điện hạt nhân và các chất phóng xạ từ lõi lò phản ứng bị tan chảy sẽ ngấm vào lớp vỏ trái đất thông qua nhiều con đường khác nhau và vươn tới bề mặt kia của trái đất.
 
Chuyên gia Kasai cũng lo lắng về việc TEPCO không tiết lộ đầy đủ thông tin về các vấn đề hiện nay của Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima số 1. Ông cho biết họ đã không cung cấp dữ liệu cần thiết để có thể đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của sự cố và sự lan rộng của phóng xạ.
 
Theo vị chuyên gia này, các nhà máy điện hạt nhân bắt buộc phải lắp đặt các thiết bị giám sát phóng xạ có khả năng hoạt động mà không cần nguồn điện. Các thiết bị này cần phải lưu giữ chuỗi số liệu về việc phát thải phóng xạ trong thời gian sau sự cố. Dường như các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân đã khôi phục được dữ liệu khi sự cố xảy ra nhưng dữ liệu này không được công khai.
 
Theo ông Kasai, dữ liệu về mức độ phân rã của nhiên liệu hạt nhân tại thời điểm xảy ra sự cố vẫn chưa được công bố. Ông Kasai và nhiều chuyên gia hạt nhân khác đã kêu gọi rà soát tổng thể về các sự kiện dẫn tới sự cố hạt nhân trên.
 
Trong khi đó, ông Ayao Tsuge, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Shibaura, người đã từng là kỹ sư của Tập đoàn Công nghiệp Nặng Mitsubishi và đã thiết kế một loại lò phản ứng khác so với các lò phản ứng tại Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima số 1, cho biết ông tin rằng các kỹ sư Nhật Bản có thể “tự hào về sự thật rằng các lò phản ứng có thể chịu được trận động đất có cường độ 9 độ Richter và tự động ngừng hoạt động.”
 
Sau khi nhà máy điện hạt nhân bị ngừng hoạt động, cần phải làm mát lõi lò phản ứng. Các nhà máy này đều được trang bị hệ thống an toàn dự phòng như một máy phát điện chạy bằng dầu điêzen và sẽ kích hoạt nếu nguồn điện bên ngoài bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc hệ thống xử lý sự cố đa tầng này bị phá hủy là một thảm họa không được lường trước. Vì vậy, ông Tsuge cho rằng cần phải bắt đầu rà soát lại theo thứ tự thời gian các mệnh lệnh và quyết định được đưa ra trong cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(Vietnam+)