Bản in
Đua nước rút cho điện hạt nhân
Trước những băn khoăn của các nhà khoa học và người dân vào thời điểm chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân, phóng viên Đất Việt đã có cuộc trao đổi với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEI).

TS Lê Văn Hồng, Phó viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEI) – đơn vị được giao trọng trách xây dựng văn bản pháp lý và tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển điện hạt nhân (ĐHN) đã chia sẻ: các đơn vị đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, song rất cần một sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành. Nếu không sẽ chậm tiến độ.

Gấp rút triển khai

- Hiện có nhiều ý kiến lo lắng về việc chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN, xin ông có thể chia sẻ những thông tin mới nhất về công tác này?

- Hiện nay việc chuẩn bị đang được triển khai ở nhiều bộ ngành với nhiều nội dung theo sự phân công chức năng nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ Bộ Công thương phải tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư triển khai liên quan đến đàm phán, ký kết, lập dự án đầu tư, báo cáo đánh giá địa điểm… Với địa phương lo giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, thực hiện chế độ chính sách…

Phía bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm liên quan đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý. Tiếp đến là phải xây dựng tiềm lực KHCN, đặc biệt là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật để đánh giá thẩm định công nghệ sẽ nhập, các vấn đề an toàn kỹ thuật, an ninh, môi trường…Ngoài ra phải xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực KHCN ĐHN cũng như việc quản lý lĩnh vực này. Để thực hiện, bản thân Bộ KHCN phải có chương trình đào tạo nâng cao cho đội ngũ hiện hành, đồng thời đề xuất nhu cầu phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa vào đề án giáo dục đào tạo. Một việc nữa là làm công tác thông tin tuyên truyền để cho các nhà lãnh đạo, quản lý và cộng đồng thấy rõ vấn đề để có thể ủng hộ và hỗ trợ.

- Vậy VAEI sẽ phải làm những gì, thưa ông?

- VAEI có trách nhiệm tìm hiểu nắm bắt rõ công nghệ nhà máy ĐHN đầu tiên sẽ xây dựng. Cụ thể là công nghệ lò PWR của Nga. Công nghệ này theo đánh giá chung của quốc tế là thế hệ thứ 3 – công nghệ rất tiên tiến hiện nay. Tuy nhiên, chi tiết thế nào, hiện chúng tôi mới tiếp cận trên cơ sở tài liệu được in ấn công khai hoặc thông qua các hội nghị hội thảo được giới thiệu bởi Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) trình bày. Đây chỉ là nguyên tắc. Để tìm hiểu kỹ hơn, VAEI cần hợp tác trực tiếp với đối tác là Rosatom cử người sang Nga để vào các viện nghiên cứu, viện thiết kế để thực tập, tham gia nghiên cứu nắm bắt cụ thể công nghệ. Hiện nay Viện đã đàm phán với Rosatom và một số viện nghiên cứu tại Nga để hợp tác. Hiện chúng tôi đã thỏa thuận mời chuyên gia của Nga sang Việt Nam làm việc với các nhóm nghiên cứu, dần hình thành đội ngũ nắm bắt được công nghệ. Khi chuyển giao, ít nhất là có một đội ngũ am hiểu về công nghệ lò. Sau này, sẽ cùng với một nước thứ ba đánh giá thẩm định công nghệ.

Ngoài ra, VAEI đã xây dựng chương trình khoa học công nghệ. Trong chương trình này sẽ đưa được các đề tài liên quan đến công nghệ, an toàn để vừa nghiên cứu trong nước, vừa hợp tác với nước ngoài. Những công việc này sẽ triển khai trước dự án.

Viện được giao xây dựng trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân. Trung tâm này sẽ do Nga giúp xây dựng để phục vụ cho dự án ĐHN Ninh Thuận cũng như phục vụ cho việc phát triển lâu dài. Hiện đã làm việc sơ bộ với Nga để hình dung các công việc cụ thể như liên quan đến lò nghiên cứu mới và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ. Hiện VAEI đã có tổ chuyên nghiên cứu, thiết lập nội dung của trung tâm này. Sau khi thống nhất với Rosatom, chúng tôi sẽ lập dự án đầu tư. Dự kiến khoảng năm 2018 đưa trung tâm này vào hoạt động. Hiện cũng đã có nhiều phòng thí nghiệm tiền đề của Trung tâm đang hoạt động tại VAEI.

Ngoài ra VAEI đang trình Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng năng lực nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình phát triển ĐHN. Trong đó sẽ có đề cập rõ từng nội dung chương trình khoa học công nghệ phát triển như thế nào, trung tâm, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật sẽ phải gồm những gì…? Đề án này đã được xây dựng và lấy ý kiến các bộ ngành.

Các văn bản pháp quy cũng đang được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện. Có thể nói mọi công tác đang được gấp rút triển khai.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, để bước đầu tiếp quản nhà máy chúng ta cần 200-300 chuyên gia. Vậy con số cán bộ sẽ được cử đi học là bao nhiêu, thưa ông?

- Hiện VAEI đã có 20 cán bộ trẻ đang học tiếng Nga, số này sẽ được gửi sang Nga trên cơ sở hai bên đã thỏa thuận. Với số cán bộ đã có cán bộ đã có kinh nghiệm, đặc biệt là cán bộ đã từng học và nghiên cứu ở Nga cũng sẽ được sử sang đào tạo ngắn hạn.

Ngoài ra, các cán bộ trong các lĩnh vực liên quan khác đang làm việc tại các nhà máy nhiệt điện, thủy điện… Bộ Công thương sẽ huy động, tuyển chọn, đào tạo bổ sung kiến thức về hạt nhân. Trước mắt có thể đào tạo trong nước, sau đó sẽ gửi đi nước ngoài để học tập Đây cũng chỉ là đội ngũ ban đầu. Về lâu dài sẽ là chương trình đào tạo, từng bước xây dựng trường đại học lớn. Mời chuyên gia về giảng dạy những môn mà Việt Nam không có giáo viên. Việc đào tạo nâng cao hiện VAEI đã có trung tâm đào tạo tại Thanh Xuân có thể đào tạo bổ túc kiến thức về hạt nhân cho các sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường đại học.

Thách thức lớn

- Chúng ta chỉ còn 9 năm để hoàn thiện các công việc liên quan. VAEI liệu có thấy quá sức?

- Chúng tôi thấy rằng khối lượng công việc rất lớn với tiến độ gấp là một thách thức lớn với các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, dù gì thì các đơn vị cũng đã thấy trước những công việc phải làm nên ít nhiều đã có chuẩn bị. Hiện cũng có những vướng mắc (nguồn nhân lực bổ sung và tài chính) đã được thống nhất với lãnh đạo Bộ KHCN để phân công, bố trí lực lượng, tăng cường biên chế… Những công việc này nằm ngoài dự kiến ban đầu nên chúng tôi đã phải xây dựng một chương trình riêng để Bộ làm việc với các bộ ngành hữu quan tăng cường nguồn nhân lực có sẵn để tuyển về. Ngoài ra cũng phải làm việc với Bộ Tài chính để bổ sung kinh phí.

- Ông có thể giải thích thêm về việc lựa chọn công nghệ của Nga?

- Khi chọn đối tác, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) luôn khuyến cáo phải chọn đối tác chiến lược. Vì vậy, khi quyết định Chính phủ đã phải cân nhắc, ngoài yếu tố khoa học công nghệ còn phải dựa trên nhiều yếu tố khác. Nga kế thừa truyền thống của Liên Xô (cũ) là nước từng có quan hệ chính trị, có nhiều hợp tác về KHCN, kinh tế… Xét về tiêu chí quyết định của Quốc hội đã nêu như: loại lò, cung cấp nhiên liệu, xử lý nhiên liệu, thu xếp tài chính, đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ… Nga có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu này nên đã được lựa chọn.

Công nghệ chúng ta đang đặt vấn đề với Rosatom hiện nay mà Việt Nam sẽ nhập sẽ như những loại lò nước áp lực thế hệ thứ 3 – rất tiên tiến. Chúng ta cũng sẽ lựa chọn Nhật Bản cho lò thứ 2.

- Ở góc độ một cơ quan phải đảm đương nhiều đầu việc, VAEI có tin dự án sẽ thành công?

- Việc thành công được đánh giá trên rất nhiều yếu tố. IAEA đã khuyến cáo, các nước đi vào ĐHN phải chú ý, đây là một dự án rất lớn mang tầm quốc gia. Bản thân từng quốc gia phải nỗ lực rất cao từ trung ương đến địa phương và các bộ ngành. Đây lại là dự án đầu tiên nên khó khăn hơn rất nhiều lần trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng (pháp lý, KHCN, nhân lực và các vấn đề khác). Với một quốc gia đang phát triển, vấn đề tài chính cũng quan trọng. Vì vậy, để dự án thực hiện đúng tiến độ cần sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Nếu không rất có thể sẽ chậm tiến độ. Khi đó sẽ ứ đọng vốn sẽ thiệt hại về tài chính vì số tiền đầu tư lớn.

Bích Ngọc thực hiện