Bản in
Đầu tư kiểu đánh đồng, khó có sáng tạo
Viện sỹ Kapitsa là nhà khoa học Liên Xô từng nhận giải Nobel vật lý. Có lần, ông được hãng Siemens mời để sửa một chiếc máy. Sau một hồi đi vòng quanh chiếc máy, ông viện sỹ bèn lấy chiếc búa đập mạnh, lập tức, nó hoạt động trở lại. Hãng Siemens đã trả nhà khoa học này 10.000 Mark Đức.

Trong bản giải ngân tài chính, viện sỹ Kapitsa viết: 1 Mark tiền công đập búa, 9999 Mark nghĩ ra cách đập búa vào chỗ nào.

Đây có thể chỉ là một câu chuyện truyền thuyết, nhưng phần nào cũng nói lên được bản chất của đầu tư cho khoa học. Thế nhưng, thực tế giải ngân cho khoa học ở Việt Nam lại không theo quy luật đó.

Ví dụ, trong bản thanh toán tài chính của các nghiên cứu xã hội học, tiền công trả cho hoạt động thu thập thông tin điền phiếu điều tra (một thao tác tương đối đơn giản) chiếm đến phần lớn tiền đề tài, còn công người nghĩ ra phiếu đó, xử lý, phân tích và nhất là viết báo cáo cuối cùng thì lại chẳng bao nhiêu, ít đến nản lòng. Việc phân bổ kinh phí như trên chẳng khác nào trọng dụng lao động cơ bắp, xem nhẹ lao động chất xám.

Đầu tư cho khoa học là đầu tư mạo hiểm. Dám chắc rằng, không một nhà khoa học nào dám tuyên bố:  hôm X tôi sẽ phát minh ra sản phẩm này, ngày Y có kết quả nghiên cứu kia… Khoa học chỉ có thể xác định các định hướng nghiên cứu còn kết quả thì không lập kế hoạch được. Không thể lấy cơ chế quản lý hành chính áp vào quản lý khoa học.

Trong khoa học, ý tưởng mới thường chỉ bắt đầu ở một hay vài người. Lịch sử khoa học từng chứng minh, đa số không phải lúc nào cũng đúng. Cách nghĩ khác mới làm nên sáng tạo, phát minh và như vậy họ phải là thiểu sổ. Nếu cứ đầu tư theo kiểu đánh đồng thì khó có sáng tạo.