Bản in
GLTT: Doanh nghiệp phải đưa hàm lượng khoa học vào sản phẩm
Chủ đề buổi giao lưu là “Nhà khoa học trẻ và khát vọng cống hiến” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) thực hiện.

Năm nhà khoa học trẻ gồm TS Lê Phước Cường, TS Nguyễn Thế Hân, TS Phạm Thị Tuyết Nhung, TS Dương Trọng Hải và Hoàng Long.

TS Lê Phước Cường
TS Lê Phước Cường

TS Lê Phước Cường, sinh năm 1985, lĩnh vực nghiên cứu: kỹ thuật môi trường.

Đã có 25 công trình nghiên cứu công bố quốc tế, một sách giáo trình (bằng tiếng Nga) và một bằng sáng chế, được các giải thưởng lớn về nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT, của LB Nga...

Có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín.

Chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu, trong đó đã nghiên cứu chế tạo thành công mô hình lọc nước bằng hạt hấp phụ từ tính thân thiện với môi trường, để xử lý nước ô nhiễm kim loại nặng trong các nhà máy xi mạ tại các khu công nghiệp đang làm các thủ tục đăng ký sáng chế.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung
TS Phạm Thị Tuyết Nhung

TS PhẠm Thị Tuyết Nhung, sinh năm 1981, lĩnh vực nghiên cứu: vật lý, đã làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử VN, hiện nay đang là nghiên cứu viên của Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam).

Ngoài một số bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, TS Nhung đã thực hiện hai đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia.

Hoàng Long
Hoàng Long

Hoàng Long, sinh năm 1984, lĩnh vực nghiên cứu: công nghệ thông tin.

Hiện là giám đốc Trung tâm phần mềm Viettel 2.

Đã chủ trì đề tài “Xây dựng hệ thống thông minh doanh nghiệp Viettel Business Intelligence” đoạt giải sáng tạo trẻ toàn quân năm 2015, chủ trì đề tài “Xây dựng nền tảng phân tích dữ liệu lớn thời gian thực Viettel Real - Time Big Data Analytic Platform” đã vượt qua vòng sơ loại AICTA 2015.

TS Dương Trọng Hải
TS Dương Trọng Hải

TS Dương Trọng Hải, sinh năm 1981, giảng viên khoa CNTT ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã có trên 40 công bố khoa học quốc tế, chủ nhiệm hai đề tài cấp quốc gia và là thành viên nghiên cứu chính một đề tài quốc gia khác.

Hiện TS Hải đang là phó tổng biên tập một tạp chí quốc tế, biên tập viên của nhiều tạp chí quốc tế ISI...

TS Nguyễn Thế Hân
TS Nguyễn Thế Hân

TS Nguyễn Thế Hân, sinh năm 1983, lĩnh vực nghiên cứu: công nghệ chế biến thủy sản, hiện đang làm việc tại Trường ĐH Nha Trang.

Là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2014, đã có 7 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, 21 báo cáo khoa học tại các hội thảo quốc tế, là đồng tác giả một cuốn sách xuất bản tại Nhà xuất bản AOCS (Hoa Kỳ)...

 

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Bạn đã đạt nhiều thành công ngay từ sau khi tốt nghiệp ĐH, vậy bí quyết của bạn là gì khi trong lĩnh vực công nghệ thông tin vốn cạnh tranh rất gay gắt, có nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp phải mất một thời gian rất dài mới có thể khẳng định được bản thân? (Lê Thị Mai Hoa, hoamai66@)

- Hoàng Long: Nếu nói là tôi đã thành công ngay từ sau khi tốt nghiệp là cũng chưa đúng. Tôi đã trải qua nhiều thất bại. Chính xác là phải đến hết năm 2013, sau khi tôi tốt nghiệp bảy năm, tôi mới đạt những kết quả bước đầu là hai đề tài được ghi nhận.

Bí quyết thì tôi không dám nói, nhưng nếu nói là kinh nghiệm cá nhân thì tôi cho rằng sẽ nằm ở quyết tâm của bản thân. Nếu vấp phải thất bại đừng nản, càng thất bại càng phải quyết tâm vượt qua. Tôi nghĩ mình có chút cá tính hiếu thắng, nên khi gặp thất bại, tôi luôn tư duy theo nhiều hướng để tìm giải pháp vượt qua chứ không chịu chấp nhận.

Những kết quả tôi đạt được gần đây có vai trò quan trọng của môi trường làm việc. Tôi đã được khuyến khích theo đuổi hoạt động nghiên cứu dù chúng tôi là một doanh nghiệp. Chính sách và điều kiện tại Viettel đã tạo điều kiện cho tôi có môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Vì thế việc tìm kiếm được một môi trường làm việc tốt, thúc đẩy được nguyện vọng và những kế hoạch nghiên cứu của mình là một yếu tố rất quan trọng đối với các nhà khoa học trẻ. 

* Theo anh (chị), chế độ đãi ngộ (lương phụ cấp) của Nhà nước hiện nay đối với các nhà khoa học trẻ đã phù hợp chưa? Cần có giải pháp gì để khuyến khích việc NCKH của giảng viên trẻ? Trân trọng cám ơn!(Nguyễn Văn Sơn, 26 tuổi, sonnguyen88@)

- TS Phạm Thị Tuyết Nhung: Theo tôi chế độ đãi ngộ của nhà nước đối các nhà khoa học nói chung, kể cả các nhà khoa học đầu ngành chứ không riêng gì các nhà khoa học trẻ vẫn chưa tạo ra điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học để họ có thể dành toàn bộ tâm sức, thời gian vào việc nghiên cứu khoa học.

Nhiều giảng viên phải làm các công việc phụ để có thêm thu nhập cho công việc nghiên cứu và cuộc sống. Một số người phải làm thêm các công việc bên ngoài như dạy phụ đạo, tổ chức các lớp học thêm, nhận một số hợp đồng ngắn hạn từ các công ty. Nếu cứ tiếp tục như vậy họ không thể phát huy được hết năng lực nghiên cứu của mình.

Với đối với việc nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ, nếu chưa có điều kiện tăng lương, cấp kinh phí nghiên cứu cho họ thì nên tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu đang thực hiện các đề tài khoa học. Đồng thời giúp họ cân bằng thời gian giữa giảng dạy và nghiên cứu.  

* Bạn Lê Phước Cường xin bạn chia sẻ bí quyết thành công của bạn với thế hệ trẻ và có thành công hôm nay là do quyết tâm và một phần được thừa hưởng những đức tính gi của người cha người mẹ đáng kính xin bạn hãy chia sẻ. (Nguyễn Thị Kim Thoa, 55 tuổi, thoanguyen2603@)

- TS Lê Phước Cường: Trước hết là xin cảm ơn cô Thoa rất nhiều vì đã có câu hỏi mà tôi cho rằng rất có ý nghĩa. Tôi cũng xin chia sẻ, người đầu tiên mà tôi ngưỡng mộ, cũng như là tấm gương để tôi noi theo là cha của tôi. Cha tôi công tác trong ngành văn hóa, giáo dục nên từ nhỏ tôi đã thừa hưởng những đức tính cẩn thận, chuẩn mực của một nhà giáo. Đây chính là nền tảng lớn nhất cho tôi có được thành tích ngày hôm nay.

Cha tôi đã vất vả lo lắng cho tôi từ nhỏ cho đến khi tôi trưởng thành và có những thành tích nhất định. Nhưng tôi chưa kịp đền đáp được công ơn của cha thì ông đã đi xa. Những bài học đầu tiên của cha tôi sẽ mang theo mãi trong cuộc đời mình. Thành công của tôi ngày hôm nay ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự ủng hộ, động viên của cha mẹ, anh chị tôi và những người thân trong gia đình.

* Em là sinh viên năm cuối chuyên ngành Lọc Hóa Dầu-Khoa Dầu Khí-Trường ĐH Mỏ Địa Chất Hà Nội. Hẳn trong cuộc đời sinh viên, các bạn trẻ đam mê khoa học cũng đã, đang và sẽ tham gia NCKH cấp trường tại các trường ĐH các bạn đang theo học. Bản thân em đã tham gia nghiên cứu từ khi còn là SV năm 2. Cũng rất may mắn nhóm NCKH của em đã đạt được những kết quả tốt. Một thực trạng hiện nay em thấy, số lượng người trẻ đam mê và tham gia việc nghiên cứu này đang giảm dần. Vậy làm sao để khơi gợi cảm hứng tích cực tham gia tìm tòi, phát minh và trau dồi kiến thức? (Nguyễn Hải Hà, 23 tuổi, haiha9492@)

- Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân, Giảng viên trường Đại học Nha Trang:

Trước hết, chúng ta cần biết nghiên cứu khoa học là công việc có nhiều khó khăn nhưng kết quả của nó là quả ngọt. Bất cứ ai tham gia nghiên cứu khoa học cũng trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Để các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học trước hết cần thay đổi nhận thức rằng đất nước không thể phát triển, tạo nên những bước đột phá nếu như thiếu nghiên cứu khoa học. Do vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiệm vụ của học sinh, sinh viên ngoài học tập trên lớp thì nghiên cứu khoa học là hoạt động không thể thiếu được.

Như bạn cho rằng hiện số lượng  bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học đang giảm dần, tôi xin chia sẻ việc sinh viên không hứng thú với nghiên cứu khoa học là do họ chưa thấy được vai trò quan trọng của việc nghiên cứu khoa học đối với tương lai của chính bản thân họ. Thông qua việc nghiên cứu khoa học, người học tích lũy được rất nhiều kỹ năng cần thiết như nghiên cứu tài liệu, trình bày báo cáo khoa học, thuyết trình một vấn đề khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ.... Những kỹ năng này rất cần thiết cho công việc tương lai của họ trong bất cứ lĩnh vực nào.

Để tạo nên niềm đam mê nghiên cứu khoa học thì không ai khác ngoài các bạn có thể làm được điều này. Như trên tôi đã chia sẻ nghiên cứu khoa học có rất nhiều lợi ích cho công việc của các bạn. Bạn có thể dễ dàng thích ứng với nhiều vị trí công việc đảm nhận trong tương lai, giải quyết mọi vấn đề một cách khoa học, có cơ hội phát triển bản thân tốt hơn. Vậy thì không có lý do gì chúng ta thờ ơ với nghiên cứu khoa học.  

Tôi có một lời khuyên nhỏ đối với bạn để đam mê nghiên cứu khoa học hãy bắt đầu bằng việc tìm tòi những ý tưởng mới lạ trong lĩnh vực mà bạn đang quan tâm. Tiếp đó, bạn hãy tìm những người thầy phù hợp để giúp bạn thực hiện ý tưởng đó. Cuối cùng bạn hãy thực hiện nó một cách tốt nhất. Mình tin rằng quả ngọt khoa học sẽ đến với bạn. Chúc bạn học tốt và có nhiều thành công trong con đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai. 

* Thưa thầy, em là một sinh viên năm cuối chuyên ngành môi trường. Em xin hỏi thầy một số câu hỏi sau ạ:

1. Sự đầu tư của Việt Nam cho ngành môi trường, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, so với thế giới hiện nay là như thế nào?

2. Là một nhà khoa học, thầy đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các "sân chơi" cho những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học như em? 3. Cơ hội phát triển cho những nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hiện nay là như thế nào? Em cám ơn thầy ạ!(Phan Nhật Trường, 21 tuổi, nhattruong.wbf@)

- TS Lê Phước Cường: Vấn đề nghiên cứu ứng dụng về môi trường của VN hiện nay đã có những thành tựu đáng kể so với các nước trong khu vực. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những công bố quốc gia uy tín và những công bố quốc tế của các nhà khoa học VN về lĩnh vực này. Khoa học công nghệ chính là chìa khóa của phát triển bền vững do đó trong thời gian vừa qua, VN đã có những chính sách cụ thể khuyến khích học viên, sinh viên cũng như các giảng viên trẻ phát huy niềm đam mê trong  học tập, nghiên cứu. Cụ thể  là mở ra các "sân chơi" như các cuộc thi sáng tạo trẻ, hỗ trợ vườn ươm tạo nhân lực, thúc đẩy chương trình sinh viên nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, cơ hội phát triển bản thân thông qua các đề tài nghiên cứu của sinh viên không phải ít. Điều quan trọng là bạn cần phải chủ động tiếp cận và học  hỏi ở các thầy, cô giáo trong trường, cũng như các đoàn, hội, tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài trường. Sau cùng, chúc Trường luôn thành công trong học tập và nghiên cứu.

* Tại sao TS lại chọn ngành kỹ thuật môi trường để theo học và nghiên cứu? TS có được định hướng ngành học này trước khi học đại học không?(lê văn giảng, 25 tuổi, giangle3790@)

- TS Lê Phước Cường: Cũng xin chia sẻ thật với bạn, khi  học đại học, tôi học ngành Công nghệ sinh học công nghiệp với mong muốn thực hiện niềm đam mê của mình về lĩnh vực Hóa sinh. Tuy nhiên qua thực tế cuộc sống, vấn đề sức khỏe môi trường đang có những khó khăn không chỉ ở VN mà cả trên thế giới.

Chính vì thế khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, tôi đã chủ động đề xuất  đề tài về áp dụng công nghệ sinh học trong giải quyết các vấn đề về môi trường ( nước, đất, sức khỏe người dân). Sau đó, tôi tiếp tục nghiên cứu sâu về vấn đề này và tìm ra được nhiều điều thú vị, có ý nghĩa thiết thực với đời sống.

* Gia đình đóng vai trò như thế nào đối với công việc và thành công của bạn? Bạn đã lập gia đình chưa? Nếu rồi thì xin hỏi bạn làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình? (Hồng Hạc, hac537@)

- Hoàng Long: Gia đình đóng vai trò quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến sự lựa chọn nghề nghiệp, đến ý thức học tập, phấn đấu và cả đam mê nghiên cứu của tôi. Tôi may mắn được bố mẹ- đều là giáo viên và đặc biệt bố tôi là một nhà văn có đam mê sáng tác - đã giúp tôi định hướng nghề nghiệp và bố thì luôn khuyến khích tôi sáng tạo trong công việc.

Khi còn đi học, tôi khá là ham chơi điện tử. Nhưng mẹ tôi thì đã nhìn nhận việc này theo hướng tích cực và khuyến khích tôi không dừng lại ở việc giải trí mà định hướng thành nghề nghiệp. Mẹ đã mua cho tôi máy vi tính từ rất sớm, ngay từ đầu cấp ba, giúp tôi sớm có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai. Và bây giờ điều đó đã hoàn toàn đúng đắn.

Tôi đã lập gia đình và một con gái  hơn 2 tuổi. Thật lòng thì tôi có cảm giác mình đang... hơi mất cân bằng một chút, dành cho công việc sự quan tâm nhiều hơn. Điều này tôi tự thấy là không ổn lắm và đang tìm cách điều chỉnh.

May mắn nhất của tôi là vợ tôi... giỏi hơn tôi và đang làm cùng ngành, vì thế tôi cũng có thêm động lực để phấn đấu. Do làm cùng lĩnh vực nên chúng tôi có thể chia sẻ nhiều. Đó là mặt tích cực, nhưng mặt "tiêu cực" là thỉnh thoảng cũng phải tranh luận ở nhà về công việc.

Chính vì thế, tôi nghĩ mình sẽ điều chỉnh để cuộc sống cân bằng hơn. Trước hết là từ giờ đến cuối năm phải có một kỳ nghỉ gia đình!

* Một ngày của bạn như thế nào? Bạn dành bao nhiêu thời gian cho công việc? Bạn có nghĩ rằng thành công luôn tỷ lệ thuận với đam mê và công sức?

- Hoàng Long: Trung bình một ngày trong tuần, tôi dành khoảng 13 giờ cho công việc. Thời gian còn lại ưu tiên chơi với con gái.

Tôi nghĩ rằng thành công chỉ đến cùng với sự đam mê và bản lĩnh. Chứ không  phải cứ chăm là được. Bản lĩnh, theo kinh nghiệm cá nhân tôi, là phải biết nên làm việc gì, ở thời điểm nào và quyết liệt theo đuổi đến cùng mục tiêu dù không phải lúc nào cũng thuận lợi.

* Anh chị có bao giờ mất niềm tin vào lĩnh vực và hướng mình nghiên cứu không! Anh chị có thế chia sẻ thêm những lý do trở ngại nhất mà mình gặp phải và động lực giúp anh chị hoàn thành và đạt được thành công sớm như vậy(Đỗ Trung Hiếu, 25 tuổi, hieu.chemistry2701@)

- TS Dương Trọng Hải: Đây là câu hỏi khá thú vị. Trong quá trình làm nghiên cứu sinh, hướng đề tài nghiên cứu thường chịu ảnh hưởng của người hướng dẫn. Điều này cũng dễ hiểu khi kinh nghiệm nghiên cứu của nghiên cứu sinh vẫn còn khá khiêm tốn và thường mục tiêu ban đầu chỉ đơn thuần là hoàn thành đề tài nghiên cứu. Đến khi tốt nghiệp, định hướng về nước, với kinh nghiệm nghiên cứu đã được tích lũy, tôi nung nấu khát vọng được cống hiến cho quê nhà. Vì vậy, không chỉ chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu thuần túy, tôi còn tìm cách để ứng dụng chuyên môn sâu đó (lĩnh vực công nghệ thông tin) vào thực tiễn tại Việt Nam.

Hướng ứng dụng mà tôi đeo đuổi ngay từ thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Hàn Quốc là làm sao để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra ở miền Trung quê hương tôi. Và khi trở về nước vào năm 2013, tôi bắt tay vào hoàn tất đề tài này.

Để thực hiện, tôi gửi ý tưởng này lên cho APEC- Hiệp hội Biến đổi khí hậu quốc tế- và được đánh giá cao, đồng thời được mời qua trung tâm này (tại Hàn Quốc) thăm và làm việc ba tháng. Tôi cũng trình ý tưởng này như một đề tài cấp tỉnh (ở miền Trung), nhưng đáp lại địa phương tại từ chối. Kinh phí thực hiện đề tài này tôi dự tính trong khoảng 300 triệu đồng vì APEC đã tài trợ một phần lớn về dữ liệu và các mô hình của họ. Phản hồi của địa phương thực sự nằm ngoài dự liệu của tôi và cũng chia sẻ thật rằng thời điểm đó tôi đã bị sock. Tôi quyết định không qua APEC nữa.

Tuy nhiên, hiện tại, cho dù hướng nghiên cứu và chuyên môn sâu của tôi là xử lý dữ liệu lớn, nhưng tôi vẫn dành một góc riêng để tiếp tục đeo đuổi hướng nghiên cứu trên. Đã có ba công trình nghiên cứu được công bố trên các hội nghị quốc tế và tạp chí khoa học quốc tế. Động lực lớn nhất để tôi quyết tâm theo đuổi hướng nghiên cứu về biến đổi khí hậu là mong muốn giảm thiểu thiệt hại do thiệt tại, bão lụt gây ra cho đồng bào miền Trung.

* Xin hỏi TS. Lê Phước Cường có rất nhiều bạn trẻ sau khi được đi du học thì không muốn trở về vì ở nước ngoài có điều kiện hơn để phát triển sự nghiệp và kiếm được nhiều tiền hơn. Vậy anh có thấy mình thiệt thòi khi trở về và làm công tác giảng dạy với đồng lương ít ỏi hay ko?(Tran Vu Tram Anh, 32 tuổi, tinavnus@)

- TS Lê Phước Cường: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Do tính chất công việc, nên thời gian dành cho công việc chiếm phần lớn quỹ thời gian của tôi. Tôi luôn mong muốn có được một tình yêu giản dị, chân thành, tìm được một người phụ nữ có thể yêu thương,  hiểu và chia sẻ được với công việc, đam mê khoa học của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng biết, nếu gắn bó với tôi, người đó có thể sẽ phải chịu những thiệt thòi hơn so với những người con gái khác.

Tôi đang cố gắng cân bằng thời gian giữa công việc và cuộc sống riêng để sớm ổn định.

- TS Phạm Thị Tuyết Nhung: Theo tôi việc quyết định sau khi học xong ở nước ngoài có về nước hay không là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người. Nhiều người họ thấy rằng ở nước ngoài có điều kiện phát triển tốt hơn, sau này có thể giúp đỡ đất nước thông qua con đường khác. Có những người quyết định về để trực tiếp đóng góp cho đất nước, một khi đã quyết định trở về thì họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần để giảng dạy, nghiên cứu với điều kiện chưa được tốt trong nước.

Đất nước rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học trẻ cho sự phát triển. Gần đây Chính phủ đã có sự quan tâm và đầu tư để thu hút, mời gọi các nhà khoa học trẻ trong nước và được đào tạo ở nước ngoài, cả những nhà khoa học Việt Nam sống ở nước ngoài về nước cống hiến. 

Dấu hiệu có thể nhận thấy đó là sự ra đời của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, các chương trình nằm trong "Chiến lược phát triển khoa học công nghệ Việt Nam", giải thưởng Tạ Quang Bửu. Một số chính sách về việc sử dụng và trọng dụng các nhà khoa học trẻ tài năng cũng được Chính phủ ban hành gần đây để thu hút người tài về cống hiến cho đất nước.

* Thưa TS. Tuyết Nhung, là một nhà khoa học nữ, còn rất trẻ. Chị đã phải vượt qua những trở ngại nào để theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình? Chị thấy không khí nghiên cứu của những nhà khoa học trẻ ở VAST như thế nào? Theo chị, sự cống hiến của nhà khoa học trẻ cần được khích lệ bởi những yếu tố nào?(Mỹ Hạnh, 28 tuổi, myhanhtran@)

- TS Phạm Thị Tuyết Nhung: Trở ngại của tôi cũng như của rất nhiều nhà khoa học hiện nay là chưa có được môi trường làm việc và điều kiện sống tốt nhất để nghiên cứu khoa học. Một trở ngại khác nữa là sự công nhận của xã hội đối với công việc nghiên cứu và giảng dạy của các nhà khoa học không được như trước đây.

Đây cũng là một trong những lý do khó thu hút những bạn trẻ theo con đường nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Cá nhân tôi cảm thấy may mắn hơn một số bạn khác vì đã có người thầy hướng dẫn tốt, thầy không chỉ chỉ đạo về mặt khoa học mà còn truyền cho tôi niềm đam mê khoa học. Hơn nữa chúng tôi làm việc theo nhóm, nên không phải đơn độc đối mặt với những trở ngại.

Thựa ra tôi mới chuyển về VAST công tác từ đầu năm 2015 đến nay, tôi nhận thấy rằng không khí nghiên cứu ở VAST rất sôi nổi. Nhiều viện, trung tâm, ví dụ như Trung tâm Vệ tinh quốc gia nơi tôi làm việc tỉ lệ các nhà khoa học trẻ chiếm số đông. Điều này tạo ra môi trường làm việc năng động, có sự cạnh tranh tích cực để cùng nhau phát triển. 

* Xin hỏi TS Lê Phước Cường, được biết năm nay TS 30 tuổi và chưa lập gia đình, vậy xin hỏi TS có quan điểm như thế nào về giữa sự nghiệp công danh và xây dựng gia đình riêng cho mình?(lê văn giảng, 25 tuổi, giangle3790@)

- TS Lê Phước Cường: Do tính chất công việc, nên thời gian dành cho công việc chiếm phần lớn quỹ thời gian của tôi.

Tôi luôn mong muốn có được một tình yêu giản dị, chân thành, tìm được một người phụ nữ có thể yêu thương,  hiểu và chia sẻ được với công việc, đam mê khoa học của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng biết, nếu gắn bó với tôi, người đó có thể sẽ phải chịu những thiệt thòi hơn so với những người con gái khác. Tôi đang cố gắng cân bằng thời gian giữa công việc và cuộc sống riêng để sớm ổn định.

* Qua giới thiệu, em hiểu rằng các anh chị đều đã và đang tham gia nhiều đề tài nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực và quy mô khác nhau. Các anh chị suy nghĩ thế nào về sự trao đổi, giao lưu học thuật ở môi trường các anh chị đang công tác, đặc biệt giữa các thế hệ các nhà nghiên cứu. Các anh chị có thường xuyên tham gia các hội nghị/hội thảo chuyên ngành không, bao gồm trong nước và quốc tế?(Hà Trịnh, 27 tuổi, ha.trinhthai@)

- Hoàng Long: Môi trường doanh nghiệp của tôi có những đặc thù riêng. Sự trao đổi, giao lưu và phối hợp thì ở tầm mức ngàng hàng, cùng thế hệ nhiều hơn, ít mang tình quan hệ thầy trò. Trao đổi vừa mang tính học hỏi vừa mang tính cạnh tranh.

Chúng tôi thường xuyên tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên ngành trong và ngoài nước. Điều này có tác động rất tích cực đến công việc nghiên cứu của chúng tôi vì có môi trường để chia sẻ nhân rộng tri thức và kết quả nghiên cứu của mình. Đồng thời giúp tôi luôn theo kịp dòng phát triển của khoa học công nghệ, không để mình tụt hậu.

* Đâu là cơ hội và thách thức mà các anh chị gặp phải khi tiếp cận với các nguồn kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà nước? Ngoài kinh phí được cấp để làm nghiên cứu từ nhà nước và từ cơ quan chủ quản, các anh chị có tiếp cận các nguồn khác không? Ví dụ các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế. Các anh chị suy nghĩ như thế nào về môi trường đầu tư dành cho công trình KHCN có tính dứng dụng cao. (Hà Trịnh, 27 tuổi, ha.trinhthai@)

- TS Dương Trọng Hải: Hiện nay có khá nhiều dự án từ ngân sách nhà nước (hoàn toàn hoặc một phần từ ngân sách nhà nước) mà nhà khoa học nói chung và nhà khoa học trẻ nói riêng có thể tiếp cận như NAFOSTED (về nghiên cứu cơ bản), FIRST, IPP (Đổi mới sáng tạo- cho lĩnh vực dụng), VIIP (Đổi mới sáng tạo hướng đến người thu nhập thấp)... 

Việc tiếp cận các dự án này hiện đã rất thuận lợi khi các cơ chế, chính sách của các dự án, quy trình xét duyệt và nghiệm thu rất công khai và minh bạch. Hướng nghiên cứu cơ bản đòi hỏi nhà khoa học phải có những thành công nhất định, những kinh nghiệm nghiên cứu trước đó.

Còn các hướng nghiên cứu ứng dụng thì đòi hỏi các nhà khoa học cần phải hiện thực hóa những nghiên cứu để có thể áp dụng vào thực tiễn Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, nhà khoa học cần phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để có thể thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

Bản thân tôi cũng đã thực hiện một số công trình nghiên cứu có tính ứng dựng cao và nhận thấy rằng môi trường đầu tư cho lĩnh vực này trong nước dường như mới ở giai đoạn bước đầu ví dụ Dự án IPP hay VIIP, cũng như Đề án về thung lũng Silicon...

Tuy nhiên, cần phải khẳng định đây là hướng nghiên cứu đầy tiềm năng. Lý do là nghiên cứu ứng dụng có thể tiếp thu thành quả nghiên cứu thế giới đưa vào ứng dụng VN để thay đổi công nghệ cũ, bỏ qua công nghệ trung gian và tiến tới công nghệ hiện đại. 

* Em đang học vật lý lý thuyết, hiện giờ đang làm khóa luận về quantum transport (nanodivice), xin hỏi ở việt nam có ai nghiên cứu lĩnh vực này ko, hay cụ thể là có nhóm nghiên cứu này không, em muốn hỏi thêm về học bổng theo hướng này. (Hung Pham, 22 tuổi, anhvankhtn@)

- TS Phạm Thị Tuyết Nhung: Theo tôi được biết ở Hà Nội, nghiên cứu trong lĩnh vực này có nhóm ở Viện Vật lý (Viện hàn lâm khoa học VN). Bạn có thể liên hệ trực tiếp với họ để hỏi thêm các thông tin về hướng nghiên cứu, học bổng mà bạn đang quan tâm.


     Nhà khoa học TS. Lê Phước Cường- Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhà khoa học TS. Lê Phước Cường- Ảnh: Nguyễn Khánh


     Nhà khoa học TS. Dương Trọng Hải- Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhà khoa học TS. Dương Trọng Hải- Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhà khoa học Hoàng Long - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhà khoa học Hoàng Long - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhà khoa học TS. Phạm Thị Tuyết Nhung - Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhà khoa học TS. Phạm Thị Tuyết Nhung - Ảnh: Nguyễn Khánh

     Nhà khoa học TS Nguyễn Thế Hân - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhà khoa học TS Nguyễn Thế Hân - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Người nghiên cứu khoa học có cần giỏi ngoại ngữ không hay chỉ cần giỏi chuyên môn? Ngoại ngữ có vai trò như thế nào trong công việc của anh? (Một bạn đọc)

- TS Lê Phước Cường: Ngoại ngữ theo tôi là chìa khóa quan trọng để tiếp xúc với nền văn minh thế giới. Nhất là đối với người làm khoa học, ngoại ngữ là phương tiện sử dụng hàng ngày để đọc báo, tài liệu, tham gia các hoạt động khoa học như hội thảo, hội nghị quốc tế.

* Được biết, TS Lê Phước Cường còn độc thân,  em tò mò muốn được biết mẫu người yêu lý tưởng của anh như thế nào? (Thanh Hà, Hà Nội)

- TS Lê Phước Cường: Thực ra tôi cũng không đặt ra tiêu chí nào về mẫu người yêu của mình. Nhưng tôi mong muốn sớm tìm được một người phụ nữ hiền lành, giản dị. Nếu cô ấy làm trong ngành giáo dục thì càng tốt. Bởi như vậy thì cô ấy có thể đồng cảm, chia sẻ được nhiều hơn với công việc của tôi.

* Chào các anh chị, tôi có một câu hỏi dành cho các anh/chị. Các anh có nhận xét như thế nào về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay nói chung và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học nói riêng?(Phan Nhật Trường, 21 tuổi, nhattruong.wbf@...)

- TS Dương Trọng Hải: Theo quan sát của tôi, giáo dục đại học hiện vẫn mang nặng tính hàn lâm, thiếu tính định hướng cho sinh viên sau khi ra trường. Ngoài ra, sự phối hợp, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp cho mục đích đào tạo vẫn còn mang nặng tính hình thức.

Ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin - một lĩnh vực ứng dụng - tốt nhất nên lồng ghép ứng dụng trong các bài giảng, chứ không chỉ thuần túy giảng dạy về công nghệ hay thuật toán cụ thể nào đó. Thậm chí, trong toán học cũng vậy, khi dạy về tích phân thì cần chỉ ra rõ sẽ áp dụng được gì trong thực tiễn. Điều này tôi rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình. Trong quá trình học nhiều khi cũng khá mù mờ về việc ứng dụng những kiến thức được học trên nhà trường. Và phải đến khi bước chân vào nghiên cứu, tôi mới dần nhận ra những kiến thức đã học trước đây bổ ích thế nào. Tôi cảm thấy hơi tiếc nếu mình được chỉ rõ những kiến thức ngay lúc đang học sẽ ứng dụng vào đâu, lĩnh vực nào thì quá trình học sẽ thuận lợi hơn, quá trình ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn cũng sẽ rút ngắn hơn rất nhiều.

Tôi cho rằng mình khá may mắn khi hoạt động nghiên cứu của mình gắn liền với môi trường đại học, từ khi còn là sinh viên, làm nghiên cứu sinh, cho đến khi đi làm cũng là vai trò giảng viên trong trường đại học. Thực tế, nhìn chung, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hiện vẫn còn khá nhiều hạn chế so với kỳ vọng về môi trường học thuật, nghiên cứu dường như rất thuận lợi trong môi trường đại học vốn có hàm lượng chất xám cao.

Tuy nhiên, môi trường nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM là môi trường tương đối lý tưởng, nhất là với những nhà khoa học trẻ như chúng tôi.

Về đãi ngộ, ngoài mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước, các cán bộ, giảng viên đều được nhà trường hỗ trợ một cơ chế lương, thưởng ưu đãi. Ví dụ đối với giảng viên, cán bộ có bài báo khoa học công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI thì được hỗ trợ thấp nhất 1.500 USD/ bài. Với những trường hợp thuộc diện thu hút nhân tài đặc biệt, nhà trường có chính sách đãi ngộ rất đặc thù. Riêng với sinh viên, nhà trường luôn dành một quỹ lớn hàng năm tổ chức giao lưu giữa sinh viên và doanh nghiệp nhiều lần trong năm, khuyến khích hình thành các nhóm nghiên cứu trong sinh viên, để sinh viên trải nghiệm các dự án nghiên cứu...

Với cơ chế này, những người làm nghiên cứu như chúng tôi hoàn toàn yên tâm chuyên chú vào chuyên môn của mình.

* Cho em hỏi sao các anh giỏi vậy ạ? Em cảm ơn các anh, chúc các anh sức khỏe và thành công trong lĩnh vực mình nghiên cứu. (Bưởi, 26 tuổi, duckhamqng@...)

- TS Phạm Thị Tuyết Nhung: Mỗi người đều có khả năng nhất định, "giỏi" trong một lĩnh vực nào đó. Theo tôi dù bạn đang làm bất cứ công việc gì cũng nên cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình để đạt được hiệu quả công việc.

Nếu bạn là học sinh, sinh viên hãy cố gắng học tốt, nếu là công nhân hãy cố gắng làm việc tốt nhất, nếu bạn là doanh nhân bạn hãy làm việc thật nhiều để tạo nhiều của cải, công ăn việc làm cho xã hội. Là nhà nghiên cứu khoa học chúng tôi cũng chỉ cố gắng làm việc tốt nhất trong lĩnh vực của mình. 

* Tôi rất muốn nghiên cứu khoa học và viết bài báo cáo tại hội nghị khoa học và nước ngoài. Nhưng lương cơ bản quá ít không đủ chi phí cho hội nghị, cho bài báo. Tôi đã từng gởi tới hội nghị khoa học được chấp thuận nhưng chi phí đi lại cao? Tôi có xin cấp trên nhưng bị cấp trên thờ ơ. Tôi không còn động lực cho việc NCKH. Anh chị cho tôi lời khuyên! (Nguyễn Xuân Nam, 33 tuổi, nasanhutngoc@...)

- TS Phạm Thị Tuyết Nhung: Theo tôi bạn có thể xin hỗ trợ kinh phí đi tham dự hội nghị, đăng bài báo quốc tế từ Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia. Cơ chế hoạt động của quỹ này khá cởi mở, và hướng đến việc khuyến khích các nhà khoa học trẻ, nên họ chỉ đưa ra một số yêu cầu cơ bản, nếu bạn đáp ứng được bạn sẽ được hỗ trợ.

* Theo các nhà khoa học trẻ, mức lương tối thiểu là bao nhiêu để các bạn trẻ có thể chuyên tâm làm khoa học? (lấy tại Hà nội là nơi có giá sinh hoạt đắt nhất VN hiện nay). (Thu Nguyen, 65 tuổi, thunguyen@...)

- TS Nguyễn Thế Hân (Đại học Nha Trang): Đúng như cô/ chú nói, thực tế, hiện lương của các nhà khoa học ở Việt Nam còn rất thấp. Điều này làm cho một số nhà khoa học chưa thực sự chuyên tâm với công việc nghiên cứu của mình. 

Nói về mức lương để các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ có thể yên tâm nghiên cứu được thì mức lương đó phải đủ cho họ trang trải những nhu cầu sống hàng ngày của bản thân và gia đình. 

Cháu cũng xin chia sẻ thật rằng khi nhiều năm học ở nước ngoài, được làm công việc giảng dạy, được thực hiện ước mơ của mình là truyền đạt kiến thức cho các bạn trẻ. Cháu rất hài lòng về điều này. Tuy nhiên, nói về lương, đôi lúc cháu cũng cảm thấy tủi thân vì "có danh mà chưa có thực".

Nhận thức được rằng đây là thực trạng chung của người làm khoa học nên ngoài thu nhập từ lương, cháu cũng phải cố gắng trong việc tìm kiếm các đề tài, dự án từ nhà nước và doanh nghiệp, tham gia viết báo, sách.

Theo suy nghĩ của bản thân, cháu cho rằng mình cũng cần phải làm việc nhiều hơn nữa để góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của đất nước. Cháu tin tưởng rằng trong tương lai không xa, đất nước sẽ phát triển hơn khi mọi người trong đó có các nhà khoa học sẽ yên tâm hơn nghiên cứu khoa học với mức lương của mình.    

* Anh có thể chia sẻ một số nghiên cứu của anh được không? Trong nghiên cứu của anh thì nghiên cứu nào có thể ứng dụng rộng rãi vào đời sống hiện nay?

- TS Lê Phước Cường: Hiện nay tôi và nhóm nghiên cứu đang thực hiện một số các đề tài ứng dụng vào thực tiễn. Một trong số đó là đề tài nghiên cứu sự tích lũy các độc chất  môi trường tại các khu công nghiệp của Đà Nẵng. Đề tài đã nghiên cứu tình trạng sức khỏe của người dân cũng như sức khỏe môi trường xung quanh khu vực của các khu công nghiệp. Tôi và nhóm nghiên cứu của một số tiến sĩ trẻ của trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã thử nghiệm thành công mô hình lọc nước thân thiện với môi trường bằng hạt  từ tính. Bên cạnh đó, nhóm còn có một số nghiên cứu về sinh thái môi trường và đa dạng sinh học.

* Ngoài thời gian dành cho công việc giảng dạy, nghiên cứu, anh có thời gian dành cho những việc khác không? Thường anh làm gì khi rảnh rỗi? (Trúc Anh, TP.HCM, anhtrucle@)

- TS Lê Phước Cường: Tôi có rất ít thời gian rảnh. Nhưng những lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ tận dụng để thực hiện những việc tôi mong muốn như đi nghe nhạc, xem phim với bạn bè. Có  dịp nghỉ lễ, tôi dành để đi chơi cùng mẹ.  Cũng có những khi công việc bận rộn phải tập trung cao độ, tôi gặp stress. Những lúc như vậy, tôi phải tạm ngừng làm việc, chọn nghe những bản nhạc mình thích, làm những công việc khác nhẹ nhàng hơn để tự cân bằng lại.

* Anh chị có bao giờ mất niềm tin vào lĩnh vực và hướng mình nghiên cứu không! Anh chị có thế chia sẻ thêm những lý do trở ngại nhất mà gặp phải và động lực giúp anh chị hoàn thành và đạt được thành công sớm như vậy (Đỗ Trung Hiếu, 25 tuổi, hieu.chemistry2701@...)

- TS Nguyễn Thế Hân: Có thể khẳng định với bạn Hiếu là mình chưa bao giờ mất niềm tin vào bản thân trong nghiên cứu khoa học. Mặc dù, trong quá trình làm nghiên cứu khoa học có lúc gặp rất nhiều trở ngại vào khó khăn.  

* Là một người trẻ, chắc bạn cũng có những sở thích của người trẻ, vậy, sở thích của bạn là gì?

- TS Lê Phước Cường:  Nơi tôi sống là thành phố biển nên đương nhiên tôi thích bơi lội. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi hay ra biển với bạn bè. Đơn giản chỉ để trò chuyện, hít thở không khí trong lành của gió biển để tiếp năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo. Ngoài bơi lội, tôi cũng thích chơi cầu lông hoặc thinh thoảng tôi đi tập gym, xông hơi...

* Ngoài các tài liệu liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu, anh có đọc các loại sách khác, như sách văn học hoặc quan tâm đến các vấn đề thời sự khác không? Anh nghĩ như thế nào khi hiện nay nhiều bạn trẻ không thích đọc mà chỉ thích "nghe, nhìn"?

- TS Lê Phước Cường: Tôi rất tâm đắc với câu nói " Một cuốn sách hay có thể làm thay đổi số phận một con người". Và tôi có được may mắn là từ nhỏ đã được tiếp xúc với các tác phẩm văn học do bố tôi làm trong ngành văn hóa. Cứ mỗi dịp hè năm cấp 1, cấp 2, ngày nào tôi cũng đến thư viện khoa học tổng hợp TP.Đà Nẵng, nơi bố tôi công tác để nghiền ngẫm các tác phẩm văn học của Thạch Lam, Đoàn Giỏi, Hồ Biểu Chánh... Và thói quen đọc sách đó được duy trì cho tới bây giờ. Tôi cũng rất quan tâm tới các vấn đề thời sự của đất nước, quốc tế để lồng ghép vào các kiến thức, bài giảng thực tế cho sinh viên.

Do cuộc sống số hóa hiện nay, nhiều bạn trẻ không thích đọc sách. Nhưng đọc sách là một thói quen tốt, không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà nó còn rèn cho chúng ta tính kiên nhẫn, óc phán đoán, khả năng phân tích sự việc... Nếu các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì càng cần rèn cho mình thói quen đọc sách.

* Năm nay tôi mới bắt đầu học Cao học, hiện tôi chưa biết gì về nghiên cứu khoa học. Vậy tôi cần phải chuẩn bị những gì và cần tập trung vào những môn học nào để sau này có thể trở thành một nhà nghiên cứu khoa học giỏi như anh? Xin cảm ơn. (Lê Văn Giảng, 25 tuổi, giangle3790@...)

- TS Lê Phước Cường: Đầu tiên bạn cần định hướng lĩnh vực bạn sẽ theo đuổi sau khi hoàn thành luận văn cao học là gì. Từ đó, bạn tự đặt cho mình kế hoạch để thực hiện các nghiên cứu trong đề cương luận văn. Bạn cần trao đổi tích cực hơn với giáo viên hướng dẫn để giáo viên có thể định hướng cho bạn. Bên cạnh đó bạn cần tập trung vào các môn học chuyên ngành và môn phương pháp nghiên cứu khoa học.

* Xin tiến sỹ Hân cho biết giải pháp cơ bản nào đảm bảo chất lượng đầu ra sau chế biến của ngành thủy sản khu vực miền Trung đáp ứng yêu cầu xuất khẩu bền vững? (Trần Gia Hy, 41 tuổi, lanth_vnn@...)

- TS Nguyễn Thế Hân: Trước hết, có phải ý của anh là giải pháp cơ bản để đảm bảo chất lượng nguyên liệu thủy sản sau thu hoạch nhằm phát triển bền vững ngành chế biến thủy sản? Theo tôi, đây là một vấn đề vĩ mô nhưng với hiểu biết của mình, tôi xin chia sẻ như sau.

- Thứ nhất: muốn phát triển bền vững ngành chế biến thủy sản trước tiên ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản phải phát triển bền vững. Muốn như vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông - cái mà người ta vẫn thường hay gọi là liên kết bốn nhà.

Về phía nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho người nuôi trồng và khai thác thủy sản cũng như doanh nghiệp chế biến thủy sản. Cụ thể về vốn, nhà nước có cơ chế cho vay ưu đãi hơn nữa về lãi suất vay, thủ tục vay,...   

Về phía người nuôi trồng và khai thác thủy sản cần ý thức được rằng phát triển bền vững là sự sống còn của ngành thủy sản. Muốn phát triển bền vững thì phải kết hợp được việc nuôi trồng và khai thác với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái...

Về phía doanh nghiệp chế biến thủy sản cần có sự bắt tay với người nuôi trồng, khai thác. Việc này sẽ tránh được thực trạng chung trong ngành nông nghiệp hiện nay là "được mùa, rớt giá". Mối quan hệ này trong thời gian qua khá lỏng lẻo dẫn đến việc của ai người đó lo. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng gốc rễ của vấn đề này là niềm tin lẫn nhau giữa người khai thác và người chế biến. Hai bên cần hỗ trợ, chia sẻ với nhau để cùng phát triển có lợi.

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần thay đổi tư duy phát triển dựa trên chiều rộng. Thay vào đó, các DN cần phát triển theo chiều sâu, có sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học. Các nhà khoa học cần chủ động bắt tay với DN để phát triển các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Một ví dụ điển hình hiện nay là chúng ta phải nhập khẩu nhiều sản phẩm từ nguyên liệu thủy sản có giá thành rất cao từ nước ngoài trong khi đó chúng ta lại phải bán nguyên liệu thô cho nước ngoài. Đây là một nghịch lý cần phải khắc phục.

Xuất phát từ thực trạng này, trường Đại học Nha Trang đã có nhiều nỗ lực trong việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao như chitosan, collagen... từ nguồn phế liệu thủy sản và đã thành công trong việc chuyển giao cho DN. Tuy nhiên, tiềm năng để phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu thủy sản ở nước ta trong đó có khu vực miền Trung còn rất lớn và cần sự bắt tay thực sự giữa DN và nhà khoa học trong thời gian tới.

Nói tóm lại, muốn phát triển ngành thủy sản nói chung một cách bền vững chúng ta cần phải thay đổi tư duy, thay vì phát triển chiều rộng thì phải cần phát triển về chiều sâu. Ở đó, sản phẩm có hàm lượng khoa học cao.

Trên đây là một số chia sẻ của tôi. Nếu có thể mong anh liên hệ trực tiếp để có trao đổi kỹ hơn.

* Anh có thể chia sẻ gì về hợp tác giữa nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ với doanh nghiệp? (Một bạn đọc)

- TS Nguyễn Thế Hân: Có thể nói rằng sự hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) hiện nay còn tương đối lỏng lẻo. Nguyên nhân của việc này là chưa có niềm tin giữa DN và nhà khoa học. Bên cạnh đó, một bộ phận rất lớn DN chưa có nhu cầu thực sự về hàm lượng khoa học trong sản phẩm của mình. DN chưa thực sự tin vào năng lực của nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Điều này không chỉ đến từ phía DN mà thực sự nhiều nhà khoa học chưa đáp ứng được mong mỏi của DN.

Thực tế bản thân tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các DN áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học. Muốn DN tin, tôi đã phải cùng với họ bàn bạc lên ý tưởng cho các sản phẩm mới, cùng thực hiện với họ ý tưởng đó để DN thấy được lợi ích thực sự từ kết quả nghiên cứu khoa học. Nói tóm lại, một số nhà khoa học cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận thay vì muốn DN bỏ tiền để thực hiện nghiên cứu thì hãy tiếp cận, chia sẻ và cùng họ thực hiện những ý tưởng nghiên cứu mới. Khi đó, niềm tin giữa hai bên sẽ lớn dần lên và lợi ích sẽ mang lại cho cả nhà khoa học, DN và xã hội.

Về phía DN, tôi cho rằng cũng nên nhận thức sâu sắc về vai trò của khoa học trong sự tồn tại và phát triển của DN, đặc biệt trong bối cảnh VN hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. DN phải đưa hàm lượng khoa học vào trong sản phẩm của mình, phải thay đổi công nghệ, đổi mới quản trị DN... Muốn đạt được những điều này, không có con đường nào khác là phải đồng hành với các nhà khoa học. DN nên tin tưởng rằng các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ sẽ giúp ích được cho DN.      

* Việc nghiên cứu khoa học rất bận rộn. Được biết anh còn là Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Nha Trang. Vậy anh thu xếp thời gian như thế nào và công tác Đoàn hữu ích cho anh như thế nào trong công tác nghiên cứu khoa học? (Một bạn đọc)

- Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân: Sau khi học ở nước ngoài về, tôi có được tiếp cận với công tác Đoàn với vai trò là phó bí thư Đoàn trường. Quả thực, lúc đầu tôi rất lo lắng vì công việc nghiên cứu khoa học rất bận rộn sẽ khó có thể đảm đương được tốt công tác Đoàn. Nhưng với mong muốn được làm việc với các bạn trẻ, những người luôn giàu nhiệt huyết, tôi đã cố gắng để sắp xếp công việc giảng dạy và nghiên cứu để có thể tham gia công tác Đoàn.

Hiện nay, công tác Đoàn trong trường học ngoài việc làm công tác xã hội thì nhiệm vụ học tập và nghiên cứu khoa học cũng rất quan trọng. Do đó, tôi luôn cố gắng công việc nghiên cứu khoa học với công tác Đoàn. Tổ chức nhiều hội thảo về khoa học cho đoàn viên, sinh viên nhà trường. Tôi cố gắng luôn tạo động lực, đam mê cho học sinh, sinh viên nhà trường.

Làm việc với các bạn trẻ, tôi cũng thấy mình trẻ hơn trong suy nghĩ, trong việc làm. Chính các bạn trẻ đã thôi thúc tôi giữ lửa cho nghiên cứu khoa học để làm tấm gương cho họ. Công tác Đoàn cũng cho tôi nhiều điều, cho tôi hiểu rõ thêm rằng sống không chỉ cho riêng mình mà phải sống vì người khác, vì xã hội. Đó là một động lực rất lớn cho tôi trong công việc. 

* TS Tuyết Nhung có thể chia sẻ về hành trình học tập, nghiên cứu của chị để đạt được thành tích như hôm nay? (Một bạn đọc)

- TS Phạm Thị Tuyết Nhung: Tôi học khoa Vật lý Trường Đại học KHTN - ĐHQG Hà Nội khóa K44. Khi tôi làm khóa luận tốt nghiệp, tôi may mắn gặp được người thầy tốt đã khuyến khích và động viên tôi theo đuổi con đường nghiên cứu.

Từ đó đến nay chúng tôi (gồm các bạn trẻ và thầy hướng dẫn) luôn cố gắng để xây dựng và duy trì một nhóm nghiên cứu hướng tới mục tiêu đạt được trình độ quốc tế trong lĩnh vực vật lý tia vũ trụ, vật lý thiên văn.

Thực ra ở VN với những điều kiện hiện nay việc duy trì, phát triển được nhóm nghiên cứu bền vững thì rất khó khăn từ việc xin kinh phí đề tài, cho đến việc giữ được các thành viên trong nhóm nghiên cứu và phát triển rộng hơn nữa. Nhưng việc nghiên cứu theo nhóm có rất nhiều lợi ích, ở nước ngoài việc làm việc theo nhóm là yếu tố cơ bản, mỗi người đều phát huy được sở trường của mình và được sự hỗ trợ từ các thành viên khác. Nếu như có một người đi học, làm việc ngắn hạn ở nước ngoài thì khi người đó về nước những thành viên khác cũng được lĩnh hội kiến thức mới do những người đi truyền đạt lại.

Những thành tích tôi đang được ghi danh thực ra là kết quả nghiên cứu của cả nhóm. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ những hợp tác quốc tế từ thời điểm nhóm được thành lập.

Buổi giao lưu đã kết thúc lúc 11g ngày 10-9-2015

Nhóm PV