|
|||||||
Dự Bàn tròn trực tuyến sáng 8/9/2008, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong thay mặt Bộ KH&CN đã cảm ơn Báo VietNamNet tạo điều kiện để mạn đàm với độc giả quan tâm về phát triển KHCN trong toàn quốc. - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bộ trưởng hãy cho biết chiến lược KHCN quốc gia để Việt Nam có thể đuổi kịp các nước phát triển KHCN, cũng như có những sản phẩm công nghệ có chỗ đứng trên thế giới?
- Bộ trưởng Hoàng văn Phong: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2001 - 2010. Chiến lược có nhiều nội dung, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Riêng với khía cạnh theo kịp các nước có nền KHCN phát triển thì một mặt, chúng ta phải nhanh chóng nâng cao trình độ và chất lượng nghiên cứu để có ngày càng nhiều công trình được công bố trên các tạp chí KH&CN có uy tín trên thế giới; mặt khác, phải đẩy mạnh quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, nơi sử dụng chủ yếu các sáng chế của nhân loại và cũng là nơi sản sinh ra các sáng chế mới, công nghệ mới.
Giới khoa học có "nợ" nông dân? - TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Trần Đức Trung, nam, 27 tuổi ở 277 Giảng Võ hỏi: Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ gì khi tiến sĩ của ta rất nhiều nhưng vẫn nợ nông dân. Chiếc máy tuốt lúa, tách hạt ngô trên đồng ruộng vẫn do anh Hai lúa phát minh ra. Phải chăng các nhà KH chỉ nghiên cứu trong vấn đề lớn, vĩ mô còn đứng ngoài yêu cầu khác của cuộc sống và xa rời thực tế cuộc sống? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Đúng là KH-CN nợ nông dân nhiều, nhưng cũng làm được nhiều để giảm nợ hoặc không nợ bà con nông dân. Nên nhìn cả hai khía cạnh. Hiện nay nhiều ứng dụng không quá phức tạp, mà nhiều bà con dù học không nhiều, nhưng do mưu sinh, lại có thực tiễn sản xuất và mong muốn giúp bà con hàng xóm nên đã tạo nên máy tuốt lúa, bóc ngô. Nhà KH nợ bà con ở chỗ đáng ra giới KH và DN phải đưa những máy đó đến bà con. Nhưng họ không nợ ở chỗ, hiện tượng này có ở nhiều quốc gia. Không thể nói có hiện tượng này nghĩ là nhà KH không làm gì hết. Ngay Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khuyến khích những sáng tạo như vậy. Có chương trình hỗ trợ cho người quan tâm: nông dân... yêu thích khoa học cải tiến sản phẩm máy móc, tạo điều kiện về cơ chế, tài chính để sau đó họ thành lập DN. Có chương trình phát hiện và hỗ trợ kịp thời cho nông dân. Những sáng kiến mà Bộ đã biết và phát hiện từ nhiều nguồn, đều mời tham gia, giới thiệu, để đăng kí, thành lập DN, hỗ trợ tài chính vay vốn để có điều kiện phát triển. Hiện không ít DN từ người yêu thích khoa học: máy tuốt lúa, bóc ngô, dời nhà... Những DN đó đang phát triển. và cũng tuân thủ theo quy luật cạnh tranh, phát triển hoặc thụt lùi... Cũng phải nói thêm, đã có kinh phí đáng kể phục vụ thực hiện sáng chế, xây những công trình hữu ích. Ví dụ, ở Lai Châu, từ 10 năm trước, từ chương trình hỗ trợ nông thôn miền núi giúp cho bà con ở Điện Biên tiếp thu giống lúa mới, với quy trình canh tác, đã đảm bảo cho Lai Châu cũ đủ lương thực, không trông chờ vào trợ cấp của nhà nước. Nay đang đặt vấn đề cải tiến giống lúa đó. Từ một tỉnh thiếu lương thực, cần Nhà nước tiếp tế thường xuyên, nay nhờ công nghệ, tỉnh đã có thể xuất khẩu tương đương số lương thực nuôi bà con nông dân trên địa bàn. Ví dụ thứ hai, như vừa trao đổi, là thành công của giải pháp công nghệ để trị bệnh cho tôm hùm. Hay DN vừa và nhỏ với nhà KH, nông dân giải quyết thiệt hại do xoắn lá ở ĐBSCL, giảm thiệt hại cho hàng ngàn ha lúa. Khó nói sáng kiến, hay công việc đó là của bà con nông dân hay nhà KH, mà là sự kết hợp của nhiều bên. Một vấn đề nữa là chính sách sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, cách ứng xử của nhà nước đối với đội ngũ này. Làm KH không chỉ có đội ngũ các nhà khoa họch ở các bộ, ngành, hiệp hội... mà còn ở trong DN. Kinh phí đầu tư cho KH-CN còn dàn trải
- TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều bạn đọc quan tâm và gửi câu hỏi cho Bộ trưởng, với nhiều câu hỏi tập trung vào việc ta đã đầu tư theo chiều sâu cho KH-CN chưa hay còn dàn trải, theo diện rộng mà chưa sâu (Hoàng Đại Dương - Vũng Tàu, Nguyễn Minh Tuấn, Hải Dương, một bạn đọc ở Áo). Làm thế nào để VN đầu tư và có dòng sản phẩm đi vào chiều sâu, tham gia vào chuỗi giá trị, làm bật lên một dòng sản phẩm CN , dịch vụ nào đó mà khi thế giới nhắc đến nó người ta nghĩ đến Việt Nam? - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy tại sao Bộ không có quyền điều tiết trực tiếp đến các kế hoạch KH-CN của các tỉnh để bảo đảm tập trung vào những sản phẩm, định hướng trọng tâm, tránh manh mún , chồng chéo lên nhau ? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Xử lý nội dung, vấn đề gì là do các địa phương, bộ ngành quyết định. Tuy nhiên, cũng không thể nói Bộ KHCN không có trách nhiệm. Đáng lý ra, nếu kịp thời Bộ KHCN phải có hướng dẫn cụ thể nên tập trung vào ngành nào nhưng không thể ngăn ĐBSCL nghiên cứu bệnh này và ĐBSH không nghiên cứu nữa. Bộ KH&CN đã không kịp thời, biết trước tình hình để tư vấn cho các khu vực tập trung nghiên cứu vào mảng khác nhau và sử dụng kết quả nghiên cứu của đơn vị kia. Nếu sau này chúng ta sử dụng CNTT, các tỉnh có trao đổi để sử dụng kết quả. Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng không tập trung giải quyết dứt điểm được vấn đề họ quan tâm, nghĩa là họ cũng còn đầu tư dàn trải. Quản lý theo kế hoạch đang "bó tay" các nhà KH - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cá nhân ông, với tư cách nhà khoa học, ông thấy có nên thay đổi Luật ngân sách để tập trung lại, từ đó Bộ KHCN chịu trách nhiệm trước Chính phủ chỉ đạo tập trung nguồn lực cho những sản phẩm , định hướng chiến lược ? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Đó cũng là một câu hỏi hay, tôi sẽ trả lời ở nhiều góc cạnh: hoạt động KH-CN và quản lý tài chính. Trước hết, trong khoa học, có 1 đặc thù là thống kê số đông và hoạt động sáng tạo lãng mạn, ngẫu hứng. Có thể một vấn đề ấy, nhiều người nghiên cứu không thành công, nhưng cũng lĩnh vực ấy, có người thành công. Đó là thời khắc thăng hoa, tập trung hưng phấn tạo thành công. Kết quả đó có thể là của 5 năm, có thể 1 năm, hoặc trí tuệ, điều kiện khoa học, thông tin tích tụ lại sau thời gian, hoặc do một thiên tài của người đủ năng lực giải quyết vấn đề. Vấn đề đó thuộc về số đông ở chỗ, trên cơ sở phải để các nhà khoa học, người yêu thích khoa học tự do nghiên cứu. Mỗi quốc gia phải có khoản kinh phí để lo cho những người này. Đương nhiên xã hội có thể là nhà nước, tổ chức, DN đóng góp vào, để tạo điều kiện làm việc, nghiên cứu trên số đông. Từ số đông sẽ ra chất lượng. Đó là một đặc thù không thể phản bác. Đặc thù thứ hai, mang tính định hướng, quản lý nhiều hơn, của nhà đầu tư nhiều hơn, theo nghĩa với chừng này tiền, thì tập trung vào nghiên cứu một vài thứ. Tiền của nhà nước, DN, tổ chức cùng tập trung vào vấn đề phải làm. Đến nay, chúng ta đã áp dụng với một số cơ quan, tổ chức. Nhưng đến nơi đến chốn chưa thì tôi cho là vẫn có một số vướng mắc. Một là, theo Luật ngân sách, dù là người làm hành pháp và đương nhiên phải tuân thủ luật, tôi cũng phát hiện ra có những cái không phù hợp với làm khoa học. Ví dụ việc phân bổ ngân sách, tăng cho tỉnh này nhiều vốn hơn đảm bảo đặc thù cũng không dễ dàng, phải giải trình đến nơi đến chốn. Nhiều khi có những nhu cầu mà không phải ai cũng đánh giá hết được, nên để cho một ai đó, bộ phận nào đó am hiểu vấn đề đưa lên.
Như anh nói, nên tập trung quyền lực lớn hơn, trao nhiều điều kiện hơn cho Bộ KH&CN trong phân bổ nguồn lực. Đấy cũng là ý kiến được một số ĐBQH, lãnh đạo ban ngành, địa phương đề xuất với chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng nếu được như thế thì tốt nhưng trách nhiệm sẽ nặng hơn, làm tốt hơn và kịp thời hơn. Hai là, đặc thù khoa học là rất khó quản lý theo kế hoạch. Hiện nay chúng ta quản lý nhà nước theo hành chính, và một trong những biện pháp là theo kế hoạch ngân sách hàng năm. Nhiều khi nó “bó tay” các nhà khoa học. Một trong những mục tiêu của nghiên cứu là nghiên cứu những cái mới, cái chưa biết. Đã nghiên cứu cái chưa biết thì bao giờ cũng chứa đựng rủi ro: nghiên cứu có thể thành công hoặc không thành công, thành công trong một hoặc nhiều năm. Kế hoạch nghiên cứu trong một năm nhưng thực chất chưa ra kết quả, mà nhiều khi vì áp lực kế hoạch, nhà khoa học đưa ra một kết quả trí trá nào đó dưới sự bức bách của thời hạn kế hoạch. Kết quả công bố nhiều khi chưa phải là kết quả cuối cùng, trung thực và khách quan. Do đó, trong cơ chế tài chính cũng như cơ chế điều hành cần thay đổi theo đặc thù khoa học. Ví dụ, Edison để làm bóng đèn dây tóc phải làm đến 40 nghìn thí nghiệm, nếu thiếu một thí nghiệm cũng chưa thành công, hoặc còn khiếm khuyết gì đó. Nhà khoa học muốn làm nốt những nghiên cứu của mình để ra kết quả cuối cùng, nhưng nếu nói thời gian đó là đủ rồi, chi phí bỏ ra đã đủ rồi, thì sản phẩm đó không có. Như vậy, nghiên cứu gắn với đặc thù của nó, do đó, cơ chế, chính sách và kế hoạch tài chính phải tính đến điều đó. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, không ít người tận dụng những đặc thù ấy để chưa thật tâm huyết, hết mình. Nếu nhà khoa học nào đam mê thì dù chậm cũng có thể nhận ra họ làm hết mình, bởi họ gắn với phòng thí nghiệm, gắn với hiện trường và những thử nghiệm, không đi làm những việc khác vì đồng tiền. Có thể có những nhà khoa học tận dụng thời gian nhiều, ít ở phòng thí nghiệm, ở thực địa mà chỉ chăm chăm làm việc khác. Luôn có cách để phân biệt người làm thực sự. Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành lập mô hình, cơ chế để thu hẹp, nhận diện các nhà khoa học. Vị trí của KHCN Việt chưa vượt qua được ngưỡng nước nghèo - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vị trí của KHCN Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ KHCN thế giới ngày hôm nay? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Hiện nay, Bộ đang tiến hành nghiên cứu, chưa ra kết quả cuối cùng, chưa ra kết quả khách quan, tiêu chí, cách thức đánh giá... Thời gian qua báo chí cũng đăng những đánh giá của tổ chức này, tổ chức khác hoặc của cá nhân các nhà khoa học về việc xếp loại này, nhưng hiện không có số liệu chính thức để đánh giá. Nhìn tổng thể, vị trí của KHCN Việt Nam trên bản đồ KHCN thế giới do các tổ chức xếp hạng cũng không khác lắm trong vị trí được phân loại, trình độ phát triển kinh tế của VN của các tổ chức quốc tế. KHCN dù đi trước sản xuất thì cũng phản ánh trình độ sản xuất, trình độ phát triển của một quốc gia. Việt Nam là nước nghèo, đang vượt qua ngưỡng nước thu nhập thấp, KHCN không vượt qua được ngưỡng đó. Điều đó cũng không đồng nghĩa với việc không có những lĩnh vực VN đi trước, cần phải dựa vào thống kê chính xác. Không có nền kinh tế nào đạt được sự phát triển của VN như vừa rồi mà thiếu sự đóng góp của KHCN. Ví dụ, để xuất khẩu gạo, cafe, chất lượng, giá thành VN dù có vấn đề, nhưng thị trường quốc tế để chấp nhận phải đạt những tiêu chí khoa học của họ. Sản phẩm ấy phải nghiên cứu kỹ ở mức nào mới đạt tiêu chí đó. Nghiên cứu đấy ai làm? Các DN làm, nhà khoa học làm, bà con nông dân cùng làm, và theo phân loại khoa học, cả nhà báo cũng làm, bởi các bạn có khả năng nghiên cứu. Nếu không có giải pháp công nghệ, năng suất không được như vậy. Giống không có thì không tạo nên sản lượng và chất lượng như hiện nay, được các quốc gia khác tiếp nhận theo chuẩn chung. Đây là một lí do quan trọng bởi thế giới có chuẩn đánh giá, rằng với sản phẩm đó, KHCN phải chiếm bao nhiêu % trong tác động chung, khoảng 25-29%. Hiện Việt Nam đang đứng cùng nhóm với Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippine, có những lĩnh vực Việt Nam vượt hơn các nước và có lĩnh vực kém hơn. Chiến lược phát triển KHCN của VN trong 15-20 năm tới là tận dụng trí tuệ nhân loại trong triệu triệu sáng chế, mà hiện thế giới đang sở hữu, mình có thể khai thác (nếu sáng chế đã hết hạn bảo hộ), hoặc mua hoặc chuyển giao công nghệ (trường hợp chưa hết hạn bảo hộ). Việc làm chủ công nghệ, bản địa hóa và đổi mới công nghệ sẽ giúp cho ra các sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng hơn, phù hợp nhu cầu của nhiều quốc gia.
Vì sao người Việt thông minh nhưng lại thiếu nhà KH tầm cỡ? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Thế giới biết đến dân tộc VN là một dân tộc anh hùng. Chúng ta chiến thắng nhiều thế lực, trong nhiều thế hệ. Giả sử ta không bị những tai ương như thế thì thế giới có biết chúng ta là anh hùng, bất khuất không? Thế giới lúc đó sẽ biết đến ta anh hùng theo một góc nhìn khác như phòng chống thiên tai chẳng hạn, hoặc là dân tộc làm nên kỳ tích trong phát triển kinh tế. Ở đây có yếu tố thời thế tạo anh hùng. Có chính sách để nhà khoa học trẻ không đứng ngoài lề - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều bạn đọc quan tâm đến đời tư của Bộ trưởng. Do hạn chế về mặt thời gian, VietNamNet chỉ chuyển tới Bộ trưởng vài câu hỏi trong số rất nhiều câu như vậy. Hoàng Việt Hùng, TP.HCM hỏi: Hình như chỉ các nhà khoa học lớn tuổi mới được trọng dụng trong ngày hôm nay, còn đám trẻ như chúng tôi vẫn bị đứng ngoài lề. Các nhà lãnh đạo chỉ gặp gỡ những người có học hàm, học vị, những nhà khoa học lớn tuổi, còn chúng tôi không được tham gia?
Quyền nhiều thì hạn cũng nhiều - Nguyễn Mạnh Hùng (HN): Tôi biết anh từ những ngày còn làm ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, là người có tâm. Tôi cảm nhận anh không khác mấy khi làm Bộ trưởng. Anh có phương châm sống thế nào để khỏi bị tha hóa vì quyền lực như nhiều người có quyền lực khác? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Câu hỏi này hơi triết lý một chút, nhưng vấn đề nằm ở ngay chữ quyền hạn: Quyền nhiều thì hạn cũng nhiều, không chỉ là quyền có giới hạn. Sử dụng quyền của mình có mức độ, phải trao bớt cho những người khác, phân cấp bớt cho những người trong thẩm quyền của họ có thể giải quyết được, không nên làm thay, ôm đồm nhiều việc. Tôi nghĩ trong xã hội rất nhiều người giỏi, trong lĩnh vực mình biết cũng có nhiều người hơn mình, dù có thể họ không có chức vụ, chức danh gì. Bản thân sinh viên tôi dạy có mặt này mặt khác giỏi hơn tôi nhiều. Nếu xét toàn diện thì nhiều người giỏi hơn tôi nhưng tôi may mắn hơn vì có thời gian làm hiệu trưởng hoặc được giao nhiệm vụ hiện nay là Bộ trưởng. Trong cương vị hoặc trong cuộc sống, cần biết tôn trọng và tạo điều kiện cho những người khác, họ giỏi nhưng không may mắn như mình. Do đó, cần tạo điều kiện hoặc cơ hội cho mọi người phát triển, chính họ sẽ giúp cho xã hội và giúp cuộc sống của tôi vui hơn, tốt hơn khi có thể giúp được ai dù việc rất nhỏ. Làm Bộ trưởng phải biết cầu thị lắng nghe - Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Công việc làm Bộ trưởng chắc rất vất vả, nhiều sức ép, đau đầu lắm. Làm thế nào để Bộ trưởng luôn lắng nghe được điều nói thật và lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của đông đảo nhân viên? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Bộ trưởng cũng có nhiều người vất vả hơn, bận rộn hơn dù chức năng bộ trưởng như nhau, như Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo… nhưng để làm tốt một việc, dù lĩnh vực nào, Bộ trưởng cũng phải toàn tâm, toàn ý, tận tụy như nhau. Bận bịu như vậy làm sao lắng nghe được? Theo tôi, không phải lúc nào mình cũng đúng. Mình sai thì mình phải sửa, trao đổi với mọi người, với cấp dưới, rằng tôi tiếp cận chưa đúng, chưa hết. Cởi mở như thế đồng nghiệp mới đóng góp với mình. Hai là không phải lúc nào Bộ trưởng cũng không cáu. Có lúc cáu, bực mình, nhưng không được làm mất uy tín của đồng nghiệp, và chấp nhận đồng nghiệp cấp thấp hơn cũng có lúc cáu với mình vì công việc. Quan trọng là mình cầu thị. Mình đúng, người ta sai, chấp nhận để bàn bạc. Mình sai, người ta đúng, mình cũng phải chấp nhận rằng là Bộ trưởng cũng có lúc sai. Hiểu và thừa nhận việc đó với người mình tiếp xúc, làm việc và với tập thể mình làm việc. Cái đó không có gì ghê gớm, nhiều người cấp cao hơn tôi làm được. - Bộ trưởng khát vọng làm điều gì nhất trong nhiệm kỳ của mình? - Bộ trưởng Hoàng Văn Phong: Điều Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan làm được trong thời gian qua là đã hoàn thành và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các đạo luật quan trọng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động KHCN. Tại sao KHCN chậm phát triển, nhất là chuyển giao công nghệ thực hiện chậm là do nhà khoa học chưa có động lực. Động lực ấy phải thể hiện ở việc thành quả lao động của họ phải được công nhận, ghi nhận, bằng vật chất, tinh thần. Được sử dụng, họ thấy thích vì mình làm có ích, và được hưởng lợi ích từ đó, đây chính là động lực cho các nhà khoa học làm việc. Hai là, có những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng khoa học gắn với cộng đồng DN. Các cơ chế, chính sách này đã được Chính phủ ban hành, vấn đề là đưa vào cuộc sống ra sao, cộng đồng KH và cộng đồng DN có thể hiện được mong muốn và ý chí của mình hay không. Thời gian tới, chúng tôi muốn cùng cộng đồng khoa học, DN, các Bộ sản xuất thiết lập, xây dựng được một thị trường công nghệ gắn kết với thị trường khác. Sắp tới, để làm tăng giá trị gia tăng, nền kinh tế có nhiều DN tham gia vào hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu, việc đổi mới công nghệ, năng lực sáng tạo phải có đột phá. Đột phá trong hành lang pháp lý có rồi, bây giờ cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện phải nhanh, mạnh hơn. Phải xác định rõ vai trò, vị trí và quyền lợi - động lực cho từng thành phần tham dự. Làm được như vậy, tôi cho rằng, nhà khoa học, giới DN có thể làm được nhiều việc mà Hàn Quốc, Đài Loan làm được 15-20 năm trước và Trung Quốc đang làm. Làm được, những nội dung bạn đọc đặt câu hỏi, trao đổi sẽ thành hiện thực. Bản thân mình tôi không làm được, cần sự chia sẻ của các bên, qua VietNamNet và các kênh khác, để các suy nghĩ, ý tưởng đến với các nhà khoa học, để cùng trao đổi tiếp. Đây là điều nói thay cho lời kết. Cám ơn VietNamNet và độc giả đã dành cơ hội cho buổi trao đổi hôm nay. Có bất kỳ điều gì cần trao đổi tiếp, trao đổi lại, có thể qua VietNamNet hoặc các kênh thông tin của Bộ. Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đến thời điểm này, có rất nhiều câu hỏi gửi đến Bộ trưởng. Chúng tôi sẽ chuyển các ý kiến của các bạn tới Bộ trưởng, để trả lời qua email hoặc qua cổng thông tin của Bộ KH&CN. Cám ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn và chúc Bộ trưởng đạt được khát vọng đưa ngành KH-CN Việt Nam phát triển của mình.
|