Bản in
Ảnh tin tức khoa học đẹp nhất 2010
Tạp chí National Geographic vừa công bố những bức ảnh tin tức khoa học đẹp nhất năm 2010 do độc giả bình chọn, trong đó có các hình chụp hố tử thần trên khắp thế giới, cá sấu tấn công voi, ...

"Hố tử thần" xuyên thủng Guatemala

 

Sự xuất hiện của một lỗ thủng lớn tại Guatemala City, Guatemala đầu tháng 6 vừa qua được cho là bắt nguồn từ cơn bão nhiệt đới Agatha - một cơn bão mạnh đã tấn công Trung Mỹ cuối tháng 5. Bức ảnh cho thấy "hố tử thần" Guatemala rộng khoảng 18 mét và sâu gần 100 mét. Theo ông James Currens, một chuyên gia địa chất thủy văn tại Đại học Kentucky (Mỹ), kích thước khổng lồ này giải thích tại sao "hố tử thần" có thể nuốt trọn một tòa nhà cao 30 tầng.

Ông Currens cho biết, các "hố tử thần" có thể hình thành khi đất bị ngập nước và các hạt khác trở nên quá nặng và khiến lớp che phủ những khoảng trống đang tồn tại trong đất sụp đổ. Các hố tử thần cũng có thể hình thành theo một cách khác nếu nước làm rộng một vết nứt tự nhiên trong một lớp đá vôi. Khi vết nứt lớn hơn, tầng đất mặt dần dần sụt lún và tạo ra một lỗ hổng. Trong cả hai trường hợp, sự sụp đổ cuối cùng có thể diễn ra đột ngột.

 

"Hố tử thần" xâm lấn toàn thế giới

 

Thời gian gầy đây, rất nhiều hố tử thần đã xuất hiện trên thế giới và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, từ nhà sụp, đường sụp, xe cộ bị rơi xuống hố cho đến người chết. Nhiều năm khai khoáng mỏ kẽm và chì đã để lại nhiều lỗ thủng lớn ở Picher, bang Oklahoma (Mỹ), kể cả "hố tử thần" này năm 2008. Một số mỏ đã được đào bới quá gần bề mặt, khiến các lớp che phủ những khoảng trống đang tồn tại không thể chống chịu được sức nặng của đất trên bề mặt, dẫn đến hàng loạt sự cố sụp đổ.

Cá có "tay"

 

Các nhà khoa học đã phát hiện chín loài cá mới có vây như những cánh tay với chức năng sử dụng để đi bộ dưới đáy đại dương, hơn là bơi lội ở Australia hồi tháng 5 vừa qua. Cho tới hiện tại, cả 14 loài cá "có tay" được biết đến trên thế giới đều chỉ được tìm thấy ở những vùng nước nông, ven biển đông nam Australia.

 

Sét làm lóe sáng tro bụi núi lửa

 

Các cơn bão sấm sét dữ dội hòa cùng những đám mây bụi thắp sáng bầu trời đêm trên núi lửa Eyjafjallajökull của Iceland vào tháng 4.

 

Phát hiện nhiều loại sinh vật biển mới


 

Dự án 10 năm nghiên cứu các sinh vật sống của đại dương đã kết thúc vào tháng 10 vừa qua với hàng trăm loại sinh vật mới được phát hiện. Hình trên nằm trong số những bức ảnh mà các nhà khoa học tham gia dự án đánh giá là đẹp và độc đáo nhất. Thiên thần biển này thực chất là một loại ốc biển, có tên khoa học là Clione limacine, được phát hiện ở độ sâu 350m dưới mặt nước biển Bắc Băng Dương. Chú ốc này không có vỏ, chỉ có một lớp thịt trong suốt. Thiên thần biển cũng như các loại ốc khác, đều là “thức ăn nhanh” cho các sinh vật ăn thịt khác dưới biển.

 

Cá sấu tấn công voi

 

Một du khách người Thụy Sỹ đã tình cờ ghi lại được cảnh tượng hiếm hoi trong chuyến tham quan Công viên quốc Nam Luangwa của Zambia hồi cuối tháng 9: một cuộc chiến sống còn đối với một cặp mẹ - con voi châu Phi khi đụng độ một con cá sấu sông Nile háu đói ở rìa hồ nước. “Chúng tôi nhìn thấy một con voi mẹ và một con voi con đang tiến về hồ nước và chúng tôi dừng lại để chụp ảnh chúng. Nhưng bất ngờ, một con cá sấu lao tới cắn chiếc vòi của con voi và chỉ chịu nhả ra sau 15 giây giằng co”, anh Martin Nyfeler kể lại. Sau khi bị tấn công, voi mẹ đã nhanh chóng lui lên bờ và lắc mạnh chiếc vòi khiến con cá sấu phải nhả ra và hai mẹ con nhà voi đã may mắn thoát nạn.

 

Thêm nhiều loài cá lạ ngoài khơi Greenland

 

Lần đầu tiên, các nhà khoa học thuộc Viện bảo tàng tự nhiên Đan Mạch đã phát hiện thấy 38 loài cá kỳ lạ ở ngoài khơi đảo Greenland hồi tháng 4. Trong số này có loài cá mang tên khoa học Chaenophry Longiceps với bộ răng sắc nhọn và hình thù kỳ dị như những sinh vật trong các bộ phim về người ngoài hành tinh, dù chỉ dài 17cm.

 

Thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico

 

Các tính toán mới nhất của Chính phủ Mỹ xác nhận, vụ nổ và chìm giàn khoan dầu Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico ngày 20/4 là thảm họa rò rỉ dầu lớn nhất từ trước tới nay. Khoảng 4,9 triệu thùng dầu, tương đương 780 triệu lít dầu thô từ giếng khoan bị vỡ, đã tràn ra biển. Sự cố tiếp tục gây thiệt hại lớn đến quần thể sinh vật biển cũng như ngành ngư nghiệp và du lịch ở vùng Vịnh Mexico. Cho tới nay, các nhà chức trách vẫn chưa tính toàn được tổng thiệt hại của vụ việc. Tuy nhiên, hãng BP - chủ điều hành giàn khoan Deepwater Horizon đã tự nguyện lập một quỹ trị giá 20 tỉ USD để khắc phục hậu quả thảm họa cũng như chi trả cho những khoản phí phát sinh khác.