|
|||
Tăng cường gắn kết các cán bộ truyền thông địa phương với cộng đồng; Trang bị những kỹ năng cơ bản truyền thông về đổi mới sáng tạo;… là những mục tiêu của Khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN cho các đối tượng là cán bộ đầu mối truyền thông các sở KH&CN trong toàn quốc và đại diện các cơ quan báo chí khu vực phía Nam được tổ chức trong 2 ngày 26-27/6, tại TP. Vũng Tàu.
Khóa tập huấn tập trung vào 4 chuyên đề, bao gồm: Vai trò của người lãnh đạo và cán bộ truyền thông với truyền thông khoa học công nghệ địa phương; Kỹ năng cơ bản truyền thông về đổi mới sáng tạo; Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và các phương pháp truyền thông hiện đại; Các phương pháp truyền thông hiện đại và khả năng áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, khóa tập huấn là cơ hội tốt để các cán bộ chuyên trách công tác truyền thông KH&CN có thể nâng cao và tích hợp thêm kiến thức chuyên sâu về kỹ năng truyền thông, đảm bảo sự thành công của các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về KH&CN trong toàn xã hội.
GS Matthew Hibberd (phải) trình bày những kinh nghiệm truyền thông sáng tạo của một số quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là việc áp dụng các giải pháp mới theo xu hướng toàn cầu hóa hiện nay trong đó có các kỹ năng tăng cường, mở rộng khuyến khích mọi người có động lực để đổi mới sáng tạo, ý tưởng cải tạo xã hội, biến cái không thể thành có thể cho tất cả cộng đồng…
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Thương Khánh Thương có 4 nhóm hình thức truyền thông cơ bản như: Tự độc thoại (cá nhân); Truyền thông nhóm (liên cá nhân); Truyền thông đại chúng (truyền thông truyền thống); Truyền thông hiện đại (qua các trang điện tử hiện nay).
Làm thế nào để tạo sự hứng khởi cho mỗi doanh nghiệp trong việc trích 10% lợi nhuận trước thuế cho đầu tư, phát triển KH&CN cho chính doanh nghiệp mình là trăn trở của Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao, theo ông Rao, mặc dù đã có cơ chế chính sách cho vấn đề này, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa chuyên tâm, mặn mà với KH&CN. Đây là một trong những nhiệm vụ của truyền thông KH&CN cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để có thể đưa ra các giải pháp tốt nhất về công tác truyền thông.
Đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN các tỉnh, thành phố và đông đảo phóng viên thuộc các cơ quan báo chí khu vực phía Nam đề xuất những giải pháp về cơ chế phối hợp, liên kết các đầu mối truyền thông KH&CN, để công tác truyền thông về lĩnh vực này đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới; đồng thời thảo luận và đóng góp ý kiến về quy chế cung cấp thông tin KH&CN địa phương.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã đi thực tế, tìm hiểu hiệu quả về truyền thông đối với hoạt động đổi mới sáng tạo KH&CN tại Tổng công ty TNHH một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (BUSADCO). Các đại biểu đã được tiếp cận với thực tế những sản phẩm xuất phát từ việc đầu tư KH&CN tại BUSADCO như: Công nghệ sinh học xử lý nước thải với hệ thống xử lý phân tán nước thải sinh hoạt…
Dây truyền công nghệ chế tạo các loại sản phẩm bê tông cốt thép đúc sẵn thành mỏng dùng trong kết cấu hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Kết thúc khóa tập huấn, đại diện Bộ KH&CN, Chương trình IPP đã trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo trong KH&CN cho các học viên tham dự.
Cũng trong ngày 28/6 tại Vũng Tàu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo tăng cường nghiệp vụ cho cán bộ đầu mối truyền thông KH&CN toàn quốc nhằm tăng cường kỹ năng của đội ngũ cán bộ phụ trách truyền thông KH&CN trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN đối với sản xuất và đời sống; trong công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để hình thành mạng lưới tuyên truyền KH&CN. Ngũ Hiệp – Phương Hoàn
|