Bản in
Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020

Ngày 8/3 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt và triển khai Chiến lược, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, phấn đâu nâng cao năng lực KH&CN phục vụ phát triển đất nước.

Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN trong cả nước.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, từ trước tới nay, chưa bao giờ khoa học nước nhà lại có cơ hội thuận lợi như hiện nay với hàng loạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được ban hành như Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011 – 2020, Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…


Tại Hội nghị, thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải đã giới thiệu về nội dung, kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020,…

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung: nhiệm vụ và giải pháp thực hiện “Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020” của các bộ, ngành, địa phương và tại đơn vị mình; định hướng nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN; phát triển Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành tổ chức hàng đầu quốc gia và ASEAN trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu tại trường đại học, viện nghiên cứu;…


Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển khoa học và công nghệ. Chiến lược cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Viện Trưởng Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam cho rằng, phát triển khoa học nào cũng đều cần thiết, không cứ gì phải là khoa học xã hội hay khoa học nghiên cứu, tuy nhiên phát triển đều phải dựa trên hai yếu tố là chiều rộng và chiều sâu, chiều rộng được hiểu là những cấu thành yếu tồ đầu vào, lao động, tài nguyên, đất đai ,… nhưng hiện nay phải đặc biệt tập trung vào phát triển theo chiều sâu, điều này dựa vào hai thành tố có tính quyết định: KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đánh giá về đầu tư cho phát triển khoa học thời gian qua, ông Phan Thanh Bình – Giám đốc đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ủng hộ đề án xây dựng V – KIST bởi theo ông cần phải tập trung đầu tư tránh giàn trải, chỉ có tập trung chuyên sâu với một chế độ đặc biệt mới có thể tạo ra sản phẩm khoa học  hiệu quả. “Chúng ta muốn khoa học đỉnh cao thì chúng ta cũng phải đầu tư như một vận động viên đỉnh cao, sự khắc nghiệt của một nhà khoa học cũng phải được nhìn nhận, chỉ có như vậy thì chúng ta mới tin là chúng ta làm được”.

Ngoài các ý kiến đóng góp từ phía các cơ quan quản lí TW, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - một tỉnh đã có những đầu tư lớn về hoạt động KH&CN thời gian qua cho biết, ngoài việc tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho phát triển KH&CN, chủ yếu tập trung vào ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Phó Chủ tịch cũng đặc biệt lưu ý tới công tác truyền thông KH&CN. Điều này thể hiện qua hơn 20 đầu báo TW và địa phương, đài phát thanh, truyền hình mà tỉnh đang hợp tác, tỉnh đã chủ động mở cuộc thi sáng tạo trong nông nghiệp nông thôn hàng năm, chỉ tính riêng năm 2012, chương trình đã có trên 80 đề tài tham gia với mức thưởng cho các đề tài lên tới hơn 600 triệu.

Bên cạnh giải pháp tập trung vào truyền thông cho hoạt động KH&CN, ông Phạm Văn Sáng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai – địa phương có hoạt động KH&CN phát triển trong thời gian qua cho rằng, nên có chính sách ưu tiên mang tính đột phá cho KH&CN, theo ông Sáng cần hình thành nên Top 5 các tỉnh về phát triển KH&CN (trừ Hà Nội và TP HCM) thông qua hình thức phối hợp là Bộ KH&CN là 50% và 50% còn lại sẽ do tỉnh đó chịu trách nhiệm.

Một số thành tựu về KH&CN cũng được giới thiệu tại hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020

Cũng trong ngày 9/3 tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2013 nhằm đánh những ưu điểm, hạn chế tồn tại trong công tác quản lí về lĩnh vực KH&CN địa phương và đưa ra những giải pháp khắc phục.

Đánh giá thực trạng KH&CN địa phương và đề xuất những vấn đề cần tập trung để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, Vụ trưởng – Trưởng Ban KH&CN địa phương Hồ Ngọc Luật cho biết, nhiệm vụ chiến lược của hoạt động KH&CN vùng, địa phương trong thời gian tới là tập trung khai thác các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực. Theo đó, cần điều chỉnh, bổ sung các chương trình KH&CN trọng điểm của địa phương cũng như kế hoạch 5 năm, hàng năm trên căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thể hiện quan điểm về tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN tại địa phương, ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hiện tỉnh chưa có những tập đoàn lớn của nhà nước đầu tư, chưa có doanh nghiệp KH&CN cũng như chưa có quỹ phát triển KH&CN, do vậy cần cần có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên đầu tư cho các tỉnh có tiềm lực KH&CN còn thấp hơn bình quân cả nước, ngoài kinh phí TW phân bổ.

Với một tỉnh mà số dừa chiếm đến 30% diện tích cả nước và hơn 70% dân số tại tỉnh phụ thuộc vào giống cây truyền thống này, bà Lệ Thủy – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bến Tre cho biết, ngoài phát triển cây dừa, tỉnh rất cần nguồn vốn đầu tư để phát triển KH&CN tập trung vào một số ngành nghề mà tỉnh có lợi thế như: chế biến, khai thác thủy sản (với 60 km bờ biển), phát triển giống bưởi da xanh mang thương hiệu Bến Tre,... nhằm tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mang tính bền vững trong tương lai.

Có thể nói, Tiếp nối thành công Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, Hội nghị Giám đốc các Sở KH&CN toàn quốc đã thể hiện được  sự thống nhất về quan điểm và hành động của toàn ngành KH&CN từ trung ương đến các địa phương với mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chiến lược phát triển KH&CN trong thời gian tới.

Ngũ Hiệp- Văn Nguyên