|
|||
Ngày 01/12, tại TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ năm 2011.
Có hơn 60 loại quy trình, công nghệ, kết quả và sản phẩm của hơn 40 đơn vị đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học khối kỹ thuật công nghệ, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp và nhóm nghiên cứu mạnh tham gia trình diễn công nghệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Bùi Văn Quyền, Trưởng cơ quan đại diện Bộ KH&CN tại TP. Hồ Chí Minh mong muốn sự kiện này sẽ được tổ chức nhiều lần trong năm và tiến tới trở thành sàn giao dịch công nghệ, thị trường cung cầu công nghệ sôi động. Qua đó góp phần đẩy mạnh sự phát triển KH&CN trong mọi lĩnh vực và nâng cao năng lực của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan nhấn mạnh, thông qua hoạt động này sẽ tạo cầu nối cho các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp quốc tế, các viện nghiên cứu các trường đại học, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN các tỉnh, thành phố tìm kiếm hợp tác, giới thiệu và thương mại hóa sản phẩm công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu ứng dụng, góp phần đưa nhanh các ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh Phan Đình Tuấn chia sẻ niềm vinh dự khi Bộ KH&CN lựa chọn Trường là đơn vị chủ nhà tổ chức buổi trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ. Trường Đại học Bách Khoa là một trong những đơn vị chủ lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN của TP. Hồ Chí Minh và của cả nước. Hàng năm nhà trường đã cung cấp một lực lượng kỹ sư hùng hậu gần 3.000 người, hàng trăm Thạc sỹ, Tiến sỹ có trình độ chuyên môn cao đáp ứng tốt cho nhu cầu xã hội.
Giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh Phan Minh Tân bày tỏ tâm đắc với sáng kiến của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ về việc tổ chức Hoạt động trình diễn kết nối cung-cầu công nghệ. Ông Tân cho rằng hoạt động này có ý nghĩa thực tiễn và góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa bên cung ứng và tiếp nhận. Cắt băng khai mạc hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ
Ngay tại lễ khai mạc tổng giá trị hợp đồng từ ký kết chuyển giao công nghệ đạt 250 tỷ đồng. (Trong ảnh: Công ty cổ phần công nghệ sinh thái Ánh Dương ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao dây chuyền thiết bị và công nghệ nano cung cấp nước sạch; máy lọc nước công nghệ nano công suất từ 500 lít/giờ đến 4m3/giờ; hệ thống chiết rửa, đóng bình nước 5 galon cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bạc Liêu).
Sản phẩm tàu đệm khí mang “thương hiệu” BAKVEE của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Gian trưng bày của Công ty chế tạo máy và chi tiết máy Uông Sung. Lĩnh vực hoạt động chính của Công ty bao gồm: chế tạo toàn bộ, lắp đặt, vận hành và chuyển giao nhà máy sản xuất bột cá; công nghệ phun phủ kim loại; chế tạo thiết bị chuyên dùng trong thi công đường ống công trình như hệ thống dẫn nước, hệ thống ống phòng cháy chữa cháy, trong các nhà máy, tòa nhà cao tầng.
Các gian hàng cũng có sức hấp dẫn riêng đối với những bạn sinh viên có đam mê, tìm hiểu về công nghệ
Công ty GINO giới thiệu ứng dụng kết quả nghiên cứu đất trồng hệ multi vào các lĩnh vực sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị cao, trong canh tác ứng dụng kỹ thuật tiên tiến (nhà màn, tưới và bón phân tự động, canh tác hữu cơ, vườn ươm tập trung…); sản xuất hoa và cây cảnh hàng hóa; phục vụ nông nghiệp đô thị; phát triển vườn nhà ở mọi nơi…
Sản phẩm cây có dầu do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, Bộ Công Thương giới thiệu tại hoạt động trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ. Đây là Viện nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế biến dầu và cây có dầu phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế đất nước.
|