Bản in
Ninh Bình tập trung nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ
Với mong muốn để khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự trở thành động lực then chốt của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Ninh Bình, mới đây, đoàn công tác của Bộ KH&CN do Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn đầu đã về làm việc tại tỉnh Ninh Bình.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra bàn luận nhiều vấn đề quan trọng để giúp KH&CN có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình thời gian tới.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, 5 năm qua, Ninh Bình đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, tiềm lực KH&CN của tỉnh còn yếu và thiếu. Ninh Bình cần chú trọng tăng cường tiềm lực KH&CN trên 4 nội dung: nhân lực, vật lực, nguồn lực và thông tin lực.

Ông Bùi Văn Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ KH&CN nghiên cứu,xem xét hợp tác,tạo điều kiện hỗ trợ Ninh Bình thực hiện các đề tài, dự án: xây dựng khu nghiên cứu chuyển giao,ươm tạo công nghệ; triển khai các dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2015 và Chương
trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2011 – 2015; ứng dụng công nghệ mới xử  lý rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn;…

Ông Trần Văn Bách – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: KH&CN đã góp phần tạo các giống mới như lúa LT2, Bắc thơm số 7, QR1,… giúp tăng năng suất, sản lượng lương thực tăng gần 2 năm so với giai
đoạn trước. Tuy nhiên, theo ông Bách, việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ sau thu hoạch thực sự cần thiết. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm có chất lượng như mộc
Ninh Phong, đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải, cói Kim Sơn, dê núi Ninh Bình, ngao và rượu Kim Sơn,…

Giám đốc Sở KH&CN Đinh Quốc Luật: Hiện tỉnh sản xuất 12tr tấn xi măng/năm nên cần có các nghiên cứu giải quyết vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Vấn đề xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh cũng cần được đẩy mạnh.

Bà Phạm Thị Hồng – Giám đốc Sở Công thương: Chúng tôi đã có chính sách thu hút các dự án phát triển công nghệ cao, năng lượng sạch xử lý mô trường. Tuy nhiên, theo thông tin từ các cuộc điều tra của Sở Công
thương, các doanh nghiệp mong muốn tỉnh hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị vào xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Vấn đề kiểm toán năng lượng cũng cần được thực hiện sớm.

Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Nguyễn Tăng Cường: KH&CN đã có những tác động không ngờ đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Sức lan tỏa của KH&CN thực sự rất lớn. Cơ khí Quang Trung đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN và đây là động lực lớn để dồn hết nguồn lực đầu tư cho KH&CN, máy móc hiện đại và hiện đã làm chủ được nhiều công nghệ mới, công nghệ cao, tỉ lệ nội địa hóa đạt 85%.

Ông Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng, Trưởng Ban KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN): Vai trò quản lý nhà nước, nhất là về KH&CN nên tăng cường hơn nữa từ khâu đầu tư nguồn lực đến quy hoạch phát triển quản lý. Có nhiều vấn đề lớn cần giải quyết như khai thác 6.000 ha bãi bồi, ô nhiễm môi trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa,… Muốn làm tốt điều này, phải tăng cường nội lực đủ mạnh để có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Văn Liễu - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN): Có rất nhiều vấn đề Ninh Bình phải giải quyết như nghiên cứu triển khai giải quyết tất cả các vấn đề về công nghệ xử lý môi trường; phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, cơ khí, năng lượng,… Bộ KH&CN ghi nhận và về lâu dài sẽ có những phối hợp nghiên cứu giữa các đơn vị của Bộ KH&CN và địa phương góp phần phát triển KH&CN địa phương tốt hơn.

 

Đại diện Bộ KH&CN và UBND tỉnh Ninh Bình đã cùng ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh giai đoạn 2011 – 2015. Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa mục tiêu và mong muốn tăng cường hợp tác trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN với Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, để từng bước đưa KH&CN trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội Ninh Bình, giúp Ninh Bình trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về KH&CN tại Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nguyễn Hạnh