|
|||
Ngày 11/11/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tình hình triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0” mã số KC-4.0/19-25 (Chương trình), giai đoạn 2019-2023. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban Chủ nhiệm cần làm rõ các nội dung trọng tâm của Chương trình, bám sát nhu cầu thực tiễn, các định hướng của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính kế thừa, phát huy điểm mạnh của Chương trình ở giai đoạn vừa qua.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Chương trình Vũ Hải Quân, Chương trình đã có hơn 500 đề xuất đăng ký tham gia, trong đó đã lựa chọn, triển khai 74 nhiệm vụ hỗ trợ các ngành, lĩnh vực chủ lực, quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy việc tiếp cận với các thành quả của CMCN 4.0.
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thông qua Chương trình đã hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ của công nghiệp 4.0. Một số giải pháp công nghệ được hình thành từ các công nghệ chủ chốt của của công nghiệp 4.0 như AI, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, robot...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân trao đổi một số nội dung liên quan thủ tục hành chính, cơ chế… trong hoạt động nghiên cứu tại Hội thảo.
Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Chủ nhiệm Chương trình và các nhà khoa học tham dự Hội thảo.
PGS.TS Doãn Ngọc San, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu “Hệ thống AI tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí, đánh giá triển vọng dầu khí”.
PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Trường Đại học y Hà Nội báo cáo về “Ứng dụng AI trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền hay gặp”.
PGS.TS Phạm Trần Vũ, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trình bày “Hệ thống giám sát và dự báo, cảnh báo chất lượng không khí trên cơ sở thu nhập, tích hợp dữ liệu đa nguồn, thí điểm cho một đô thị lớn”.
Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học liên ngành để có thêm nhân lực và nguồn lực, giúp thực hiện được những đề tài xứng tầm. GS.TS Doãn Ngọc Sơn gợi mở cơ chế đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu…
GS.TS Phan Thị Tươi đã chia sẻ quan điểm và đưa ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình trong thời gian tới.
Nhóm PV
|