|
|||
Tham dự hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ông Ngô Minh Hiển - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Ông Trần Đức Thành - Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Các diễn giả tham gia hội thảo gồm: Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Đỗ Quý Vũ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông; Ông Nguyễn Đức Tuân - Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn Thông tin; Ông Ngô Quang Huy - Phó giám đốc trung tâm thông tin - Bộ Thông tin Truyền thông; Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục Trưởng Cục Tin học hóa; 2 chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu và Ngô Trí Long.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo. PGS.TS Nguyễn Thế khẳng định: "Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, là sự phát triển đột phá về công nghệ. Trong cuộc cách mạng đó, cụm từ “chuyển đổi số” được nhắc đến nhiều hơn như một xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trên toàn thế giới. Chuyển đổi số được đánh giá là động lực mới của tăng trưởng, là chìa khóa để biến nguy thành cơ, nắm bắt cơ hội tăng trưởng nhanh và bền vững".
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, các ngân hàng và tổ chức tài chính cần chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, luôn đổi mới và thích ứng với chuyển đổi số ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết An toàn thông tin là yếu tố then chốt và xuyên suốt, bảo đảm an toàn thông tin phải theo mô hình quản lý rủi ro. Việc bảo vệ hệ thống thông tin theo quy định đã được nêu rõ tại Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ 01/7/2016; Nghị định số 85/2016/NĐ‐CP có hiệu lực từ 01/7/2016; Thông tư số 03/2017/TT‐BTTTT có hiệu lực từ 01/7/2017 và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11930:2017…
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước: 5 thách thức lớn với chuyển đổi số ngân hàng. Đó là khuôn khổ pháp lý; Cơ sở hạ tầng: Cần xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật. Ngoài ra là sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin... Tội phạm công nghệ cũng là mối nguy lớn, buộc các ngân hàng phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Đỗ Quý Vũ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông - Bộ Thông tin & Truyền thông: Chuyển đổi số đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trên toàn thế giới. Công cuộc chuyển đổi số tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm của người tiêu dùng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, việc chuyển đổi số sẽ giúp cho ngân hàng phát triển các sản phẩm dịch vụ điện tử như các công ty công nghệ tài chính. Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng sẽ làm giảm nhân sự, giảm bớt giấy tờ giao dịch… do đó, sẽ làm giảm chi phí xử lý trên hệ thống số.
Bà Đỗ Tuyết Trinh - Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng HDBank: Công cuộc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là cho người dân vùng sâu vùng xa, đó là những khách hàng không có được sự tiếp cận tới các cơ sở của ngân hàng. Vì vậy, khi phát triển ngân hàng số, họ có thể giao dịch trên điện thoại với nhiều hình thức phong phú: gửi tiền tiết kiệm thanh toán điện nước, đặt thẻ điện thoại, thanh toán qua quy đổi code.
Các khách mời đặt câu hỏi tại phiên thảo luận.
Minh Châu (Thực hiện)
|