Bản in
Hải Phòng triển khai kế hoạch thanh tra quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ
Sở KH&CN Hải Phòng chủ trì với phối hợp với nhiều đơn vị tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ

 Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thanh tra liên ngành chuyên đề chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đây là đợt thanh tra do Sở KH&CN chủ trì với sự phối hợp của đại diện Sở Y tế, Công an thành phố, Cục Hải quan Hải Phòng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, các địa phương có liên quan.

Dự kiến, hoạt động thanh tra kéo dài gần 2 tháng (ngày 12/7/2017- ngày 30/8/2017) đối với 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu giữ, nghiên cứu, đào tạo có sử dụng nguồn phóng xạ; cơ sở xuất, nhập khẩu nguồn phóng xạ; cơ sở dùng nguồn phóng xạ trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp di động; cơ sở đo độ chặt, độ ẩm di động dùng nguồn phóng xạ; cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trong hệ các thiết bị đo, điều khiển tự động quá trình sản xuất; cơ sở lưu giữ nguồn phóng xạ; cơ sở lưu giữ hoặc xử lý chất thải phóng xạ trên địa bàn thành phố.

Cuộc thanh tra nhằm thống kê thực trạng, đánh giá tình trạng bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ trong quản lý, sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ trên địa bàn; Nhanh chóng phát hiện, phòng ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử trong quản lý nguồn phóng xạ đối với tổ chức, cá nhân sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ, bảo vệ sức khỏe con người; Thực hiện vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân đối với các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội.

 Bộ KH&CN cho rằng, song song với lợi ích không thể phủ nhận của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử thì hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cần phải được kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ ở mức độ cao nhất, ổn định và lâu dài.

Thống kê mới nhất, tính đến cuối năm 2016, trên toàn quốc có 1121 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng số 3932 nguồn. Trong các năm 2015, 2016, trung bình mỗi năm, cơ quan thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) thanh tra được 120 cơ sở, chiếm tỷ lệ 10,7 % tổng số cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trong cả nước.

Như vậy, nếu thanh tra với tiến độ như hiện nay thì phải sau 10 năm, một cơ sở có nguồn phóng xạ mới phải thanh tra lại. Con số này là vấn đề đáng lo ngại đối với công tác quản lý ATBXHN hiện nay.

Theo báo cáo của Thanh tra Cục ATBXHN, trong 2 năm 2015 và 2016, qua thanh tra phát hiện được 22 cơ sở có vi phạm (trên tổng số 99 cơ sở được thanh tra, chiếm xấp xỉ 22,2%), xử phạt 352 triệu đồng. Như vậy, cứ 4 cơ sở được thanh tra thì có 1 cơ sở vi phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Vi phạm về giấy phép tiến hành công việc bức xạ; vi phạm về kiểm xạ; vi phạm quy định về chuyển giao nguồn phóng xạ ra khỏi đơn vị; vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ; vi phạm các quy định về an ninh nguồn phóng xạ dẫn đến làm mất nguồn phóng xạ.