Bản in
Chọn tạo giống lúa đột biến năng suất, chất lượng bằng công nghệ hạt nhân
Theo báo cáo của IAEA/FAO năm 2014, đến nay ở Việt Nam đã tạo ra được 78 giống cây trồng đột biến và đứng thứ 8 trên thế giới về thành tựu chọn giống đột biến. Ở Việt Nam, hơn 90% các giống đột biến được tạo ra nhờ nhờ việc sử dụng tia X và tia Gamma. Trong đó đã có rất nhiều các thành tựu chọn tạo giống lúa bằng phương pháp đột biến để tạo ra các giống lúa có năng suất, chất lượng như các giống lúa như DT10, DT11, A20,DT16, ĐV2, ĐB250, MT4, ĐCM1, DT39, DT37, BQ, NPT3, TQ14...

GS.TSKH. Trần Duy Quý – Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á Thái Bình Dương (IAP), nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam - cho biết như vậy khi nói về hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống lúa.

Đảm bảo an ninh lương thực

TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, một trong những phương pháp chọn tạo giống cây trồng có hiệu quả nhất là ứng dụng kĩ thuật hạt nhân để tạo ra nguồn biến dị di truyền phong phú cho công tác chọn lọc. Có rất nhiều loại giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu sâu bệnh khá và thích ứng hơn với biến đổi khí hậu hiện nay được tạo ra bằng kĩ thuật hạt nhân, nhất là đột biến tạo ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao để trồng trên diện rộng, góp phần nâng cao sản lượng nông sản xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực.

Việc chọn tạo giống lúa tập trung chủ yếu tại các Viện như Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Cây lương thực và Thực phẩm,Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện IAP. 

GS.TSKH. Trần Duy Quý cho biết, trong những năm gần đây việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã đòi hỏi các nhà khoa học cần tìm ra các giống lúa ngắn ngày như Khang Dân và Q5, có năng suất cao tương đương nhưng phải ngon cơm hơn và khả năng kháng bạc lá cao hơn Q5 và Khang Dân 18 nhất là ở vụ mùa. Vì hai giống này vẫn chiếm tỷ lệ gần 45% diện tích canh tác ở các tỉnh phía Bắc. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng gạo của nước ta trên thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Để khắc phục những nhược điểm này, các nhà chọn giống ở các Viện, Trung tâm, Trường đại học nước ta đã tích cực áp dụng kết hợp nhiều phương pháp chọn tạo giống truyền thống như lai tạo, đột biến kết hợp với hiện đại như Marker phân tử, nuôi cấy bao phấn và đã tạo ra được một số giống có năng suất tương đương Khang Dân 18 và Q5 như HTD8, HT1, T10, BC15,VS1, Sơn Lâm1, P6ĐB, TBJ2… Tuy nhiên, những giống này tuy phẩm chất có khá hơn Q5 và Khang Dân 18 nhưng khả năng thích ứng không rộng và nhất là mức kháng sâu bệnh hại như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu không được cải thiện, nên năng suất thường không ổn định khi tình hình sâu bệnh và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Do đó cần phải tạo ra các giống mới khắc phục được những nhược điểm nêu trên và thích ứng rộng, năng suất ổn định như Khang Dân, Q5, nhưng phẩm chất phải hơn Khang Dân, Q5 tức là phẩm chất phải đạt điểm 3 trở lên và khả năng kháng sâu bệnh hơn Q5. Ba giống lúa NPT4, NPT5 và QP-5 là 3 giống đột biến mới do GS.TSKH. Trần Duy Quý cùng cộng sự chọn tạo ra từ giống ĐH18 và giống ST19 nhờ xử lí tia Gamma nguồn nguồn C060 trên hạt khô, có thời gian sinh trưởng ngắn vụ mùa 105-110 ngày, vụ xuân 120-135 ngày, năng suất trung bình đạt 7-10 tấn/ha, chống chịu đạo ôn, bạc lá, rầy nâu khá thích ứng rộng, cơm dẻo, ngon có mùi thơm nhẹ.  Các giống lúa này hoàn toàn có  khả năng thay thế một phần lúa lai và các giống lúa thuần như Khang Dân 18 và Q5 có nguồn gốc nhập nội từ Trung Quốc, góp phần đảm bảo tình hình an ninh lương thực và phát triển bền vững lúa gạo của Việt Nam.

Tăng năng suất, chất lượng

Qua thí nghiệm nhiều vụ, GS.TSKH. Trần Duy Quý cho biết, đặc điểm nổi bật của giống siêu lúa NPT4, NPT5 và giống QP-5 được chọn tạo băng phương pháp gây đột biến là thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất trung bình cao hơn. Cụ thể, Giống siêu lúa NPT4, NPT5 có năng suất trung bình cao hơn so với các giống lúa lai. Trung bình là 92,54 tạ/ha (NPT4), 89,72 tạ/ha (NPT5) trong khi đó các giống lúa lai của Trung Quốc như Nhi ưu 838, Thiên nguyên ưu 9 có năng suất trung bình từ 77,5-80,74 tạ/ha. Giống QP-5 có năng suất cao hơn hẳn so với giống lúa đối chứng là Bắc Thơm số 7 cụ thể là giống QP-5 có năng suất trung bình là 69,4 tạ/ha trong khi giống lúa BT7 chỉ là 59,2 tạ/ha. Ngoài ra, các giống siêu lúa này chống chịu khá với bệnh đạo ôn và rầy nâu, nhiễm nhẹ với bạc lá, bệnh khô vằn. Đặc biệt là khả năng chống đổ rất tốt, chịu rét tốt.

 

Giống siêu lúa NPT4, NPT5 và giống QP-5 được chọn tạo băng phương pháp gây đột biến

Chia sẻ về việc ứng dụng bức xạ trong chọn tạo giống lúa, GS.TSKH. Trần Duy Quý cho biết, có thể sử dụng tia garma nguồn C060 để xử lý hạt khô các giống lúa để tạo nguồn vật liệu khởi đầu phong phú cho công tác chọn tạo giống lúa. Liều lượng thích hợp nhất để tạo ra các giống lúa có năng suất cao, thích ứng dụng khi xử lý hạt khô, độ ẩm hạt 13% là 250-300 Gy. Qua chọn lọc theo phả hệ đã chọn tạo được 3 giống lúa là các giống NPT4, NPT5 và giống lúa QP-5 . 

Giống lúa NPT4, NPT5 là hai giống lúa có năng suất rất cao, trung trình từ 89,72-92,54 tạ /ha, có thời gian sinh trưởng ngắn (105-110 ngày vụ mùa; 130- 135 ngày trong vụ xuân), rất cứng cây, lá lòng mo đứng, mầu sắc lá xanh đậm, phù hợp với khả năng thâm canh, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, đặc biệt các yếu tố cấu thành năng suất đều vượt trội so với giống đối chứng và các giống đang sản xuất đại trà kể cả lúa lai như Nhị ưu 868, Thiên nguyên ưu 9, HYT100.  Đây là hai giống có độ thuần cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, năng suất lý thuyết 11-13 tấn/ha, năng suất thực thu đạt 9-10 tấn, có chất lượng gạo ngon, có mùi thơm nhẹ, hàm lượng amyloza từ 15-16 % nhưng có nhiệt độ hoá hồ cao nên cơm không dính. 

Hai giống NPT4, NPT5 thích hợp gieo trồng: trên chân đất vàn, chịu thâm canh và những chân đất có cơ cấu trồng lúa + màu, cấy hai vụ Xuân muộn, Mùa sớm ở các tỉnh phía Bắc trên các chân đất vàn và vàn trũng 

Giống lúa QP-5 có chất lượng cao, năng suất trung bình đạt 65-70 tạ/ha, thời gian sinh trưởng ngắn (105-110 ngày vụ mùa; 125- 135 ngày vụ Xuân), chất lượng gạo ngon, có mùi thơm điểm 2, hàm lượng amylose 10-12%, cơm ngon đậm tương đương với giống lúa Bắc thơm số 7. Giống Qp-5 thích ứng với vụ Xuân muộn  Mùa sớm trên chân đất vàn và vàn cao chủ động tưới tiêu và chịu thâm canh cao. 

Theo GS.TSKH. Trần Duy Quý, trong thời gian tới cần tiếp tục khảo nghiệm DUS và khảo nghiệm sản xuất ở nhiều vùng sinh thái đặc biệt là hoàn thiện quy trình công nghệ thâm canh tăng năng suất đối với các giống lúa NPT4, NPT5 để tiến tới công nhận giống trong thời gian tới.                           

Lê Chi