|
|||
Hiệu quả kinh tế hàng nghìn tỷ/năm TS. Lê Huy Hàm, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, tính đến cuối năm 2015, ở Việt Nam đã công nhận và đưa ra sản xuất 61 giống cây trồng đột biến, trong đó Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo được 40 giống (27 giống lúa, 9 giống đậu tương, 2 giống hoa, 2 giống ngô). Với các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống đột biến đã có đóng góp đáng kể đến sự phát triển nông nghiệp thời gian qua, đặc biệt đối với lúa và đậu tương, hoa cây cảnh. Các giống cây trồng này đã mang lại hiệu quả kinh tế hàng nghìn tỷ/năm. Về chọn tạo giống lúa, ở phía Bắc Viện Di truyền Nông nghiệp là đơn vị tạo được nhiều giống đột biến nhất. Trong đó phải kể đến một số giống lúa nổi bật như DT10, DT11, DT13, DT22, DT33, A20, Khang dân đột biến,… đã đóng góp đáng kể cho sản xuất. Điển hình là giống lúa DT10 được tạo ra từ xử lý hạt khô giống C46-3 của IRRI bằng tia gamma nguồn Co60 liều lượng 20 Krad từ những năm 1980 đến năm 1990 giống lúa DT10 được công nhận chính thức là giống Quốc gia và đến nay giống vẫn còn được sử dụng ở một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh,. Với ưu điểm là cứng cây, chịu lạnh tốt nên thời gian tồn tại của giống là trên 20 năm. TS. Lê Huy Hàm cho hay, năm 1990, thời điểm Việt Nam là một quốc gia thiếu lương thực, năng suất lúa bình quân chỉ 3,3 tấn/ha. Giống DT10 đột biến được công nhận và đưa vào sản xuất với năng suất bình quân đạt từ 5,5 tấn/ha đến 6 tấn/ha so với lúa IR8 chỉ đạt 5,0 – 5,5 tấn/ha, đã trở thành một trong các giống lúa chính trong nhiều năm tại Việt Nam. Theo ước tính đến nay, giống DT10 đã được trồng trên tổng diện tích khoảng 2 triệu ha, năng suất bình quân tăng 10% so với giống đối chứng giúp làm tăng thu nhập 16,2% cho trung bình gần 3 triệu lượt nông dân/năm. Giống lúa Khang dân đột biến là giống được cải tạo từ giống lúa Khang dân 18 sau khi xử lí hạt nẩy mầm bằng tia gamma nguồn Co60 với liều 10 Krad, có khả năng thích ứng rộng, được sản xuất và thị trường chấp nhận nhờ một số đặc điểm được cải tiển như cơm mềm hơn, chống đổ tốt hơn. Năm 2007, giống lúa Khang dân đột biến đã được công nhận là Giống quốc gia và chuyển nhượng bản quyền thương mại hóa cho Công ty giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) từ năm 2008. Vinaseed cho biết, một năm công ty bán ra thị trường trên 3.500 tấn giống với diện tích bao phủ trên 200.000 hecta. Tính đến năm 2014, tổng diện tích trồng trọt giống Khang dân đột biến ước khoảng 1,2 triệu ha, giúp tăng thu nhập 11,4% cho 1,5 triệu lượt nông dân/năm. Viện Di truyền Nông nghiệp cũng đã chọn tạo và đưa vào sản xuất 10 giống đậu tương đột biến như DT84, DT9, DT96, DT55 (AK06), M103, DT83, DT94, DT95, DT99, DT2001. Các giống này đã được công nhận giống quốc gia hoặc sản xuất thử. Trong số đó có 4 giống chủ lực năng suất cao 18-36 tạ/ha, thích ứng rộng, chất lượng tốt là DT84, DT90, DT99 và DT2008. Riêng các giống đậu tương này hiện chiếm trên 50% diện tích đậu tương cả nước (khoảng 80 nghìn ha/năm). Thành công này đã góp phần đưa năng suất đậu tương của Việt Nam từ mức 6,8 tạ/ha, diện tích 36 nghìn ha (1980) lên 15,7 tạ/ha, diện tích gần 150 nghìn ha (2012), giúp năng suất đậu tương của Việt Nam đứng đầu các nước Asean . Riêng 4 giống chủ lực trên đã tạo ra 3,7 triệu tấn đậu tương, tăng thu nhập 30-40% cho gần 3,5 triệu nông dân/năm… Cần đầu tư phát triển một cách hệ thống Mặc dù Viện Di truyền Nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong chọn tạo giống cây trồng nhưng TS. Lê Huy Hàm cho rằng ở Việt Nam lĩnh vực nghiên cứu này chưa thực sự được nhà nước quan tâm, các đơn vị quản lý khoa học chưa đánh giá hết tiềm năng ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp nói chung và trong chọn tạo giống nói riêng. Nhà nước chưa có sự đầu tư thích đáng cho hướng nghiên cứu này, do đó việc triển khai nghiên cứu chọn tạo giống đột biến phục vụ sản xuất còn hạn chế. TS. Lê Huy Hàm chỉ ra rằng, việc nghiên cứu chọn tạo giống đột biến còn mang tính tự phát, chưa có sự định hướng, quan tâm, đặc biệt là về nhân lực và hệ thống trang thiết bị. Hiện nay, cả nước chưa có Trung tâm chiếu xạ phục vụ chiếu xạ, gây đột biến cho ngành nông nghiệp cũng như chọn tạo giống cây trồng. Bên cạnh đó, các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học phải đưa vật liệu nghiên cứu đi nhờ xử lý chiếu xạ tại các bệnh viện, các trung tâm chiếu xạ công nghiệp nên thiếu tính chủ động và thiếu cơ sở khoa học chính xác. Hiện nay, trên thế giới kỹ thuật sàng lọc đột biến với sự hỗ trợ của công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng đột biến rất phát triển, với các trang thiết bị máy móc chuyên dụng, hiện đại. Tuy nhiên, tại Việt Nam các nhà khoa học vẫn phải chọn lọc thủ công, bằng mắt thường và kinh nghiệm như những năm 80 của thế kỷ trước. Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn tạo giống đột biến còn rất hạn chế, vì thế hiệu quả còn thấp, mất nhiều thời gian trong công tác chọn tạo. TS. Lê Huy Hàm cho rằng cần đầu tư phòng thí nghiệm kết hợp chiếu xạ và công nghệ sinh học thực sự là nhu cầu cấp thiết của các nhà chọn tạo giống cây trồng đột biến. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cần đưa một số nhiệm vụ nghiên cứu về lĩnh vực này thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học để từng bước phát triển một cách hệ thống nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chọn tạo giống cây trồng nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Bảo Chi
|