|
|||
Thay đổi chiến thuật điều trị Hiện nay, bên cạnh các kỹ thuật thường quy như chụp xạ hình tuyến giáp, xạ hình đánh giá chức năng thận, xạ hình xương…. Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trong khu vực và quốc tế như xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, chụp xạ hình hạch gác và sử dụng đầu dò gamma trong phẫu thuật ung thư vú, chụp xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan… cũng đã được triển khai thành công và phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Bên cạnh các kỹ thuật chẩn đoán, các khoa Y học hạt nhân ở Việt Nam cũng đã ứng dụng một số dược chất phóng xạ trong điều trị như sử dụng I-131 ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp biệt hóa sau phẫu thuật, điều trị bệnh Basedow, sử dụng P-32 điều trị giảm đau do di căn xương… Đặc biệt, từ năm 2009, việc ứng dụng công nghệ PET/CT và hệ thống cyclotron cung cấp dược chất phóng xạ đã đánh dấu sự phát triển của y học hạt nhân ngang tầm với các nước trong khu vực. Hiện nay, kỹ thuật 18F-FDG PET/CT đã trở thành kỹ thuật thường qui, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư. Các ứng dụng khác của PET/CT cùng với việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các dược chất phóng xạ mới từ cyclotron hứa hẹn sẽ là những bước phát triển của y học hạt nhân trong thời gian tới. Hiện nay, cả nước có gần 30 Gamma Camera SPECT, 8 hệ thống PET/CT. Trong đó có 3 trung tâm Y học hạt nhân và PET/CT được bố trí Cyclotron tại chỗ là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Chợ Rẫy. PGS.TS. Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm khoa Y học hạt nhân – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, với ứng dụng y học hạt nhân trong tim mạch, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175, kỹ thuật chụp xạ hình tưới máu cơ tim để chẩn đoán bệnh động mạch vành với độ nhạy từ 80-90%, độ đặc hiệu 70-80%. Khoa Y học hạt nhân, từ 2011, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai kỹ thuật chụp xạ hình F-18 FDG PET đánh giá khả năng sống còn cơ tim cho phép phân biệt vùng cơ tim đông miên còn khả năng phục hồi sau tái tưới máu động mạch vành với tổn thương hoại tử, sẹo nhồi máu cơ tim không phục hồi. Đây là kỹ thuật có ý nghĩa trong lựa chọn chiến thuật điều trị ở bệnh nhân động mạch vành có giảm chức năng thất trái do bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính, sau nhồi máu cơ tim. Kỹ thuật chụp buồng tim bằng đồng vị phóng xạ RNA được ứng dụng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện U bướu Hà Nội… để đánh giá kích thước buồng tim, chức năng tâm thu và tâm trương. RNA được coi là phương pháp chẩn đoán không chảy máu đánh giá chính xác chức năng tim ở bệnh nhân động mạch vành, suy tim, nhiễm độc cơ tim do điều trị hóa chất… Cùng với đó, các ứng dụng điều trị ung thư bằng các chất đồng vị phóng xạ cũng đem lại hiệu quả cao ở một số bệnh lý như điều trị I-131 trong ung thư tuyến giáp biệt hóa, giảm đau do ung thư di căn xương, điều trị miễn dịch phóng xạ điều trị bệnh hạch ác tính, điều trị ung thư gan qua đường động mạch bằng Y-90… Đặc biệt là các ứng dụng của phương pháp chụp cắt lớp positron là một công cụ chẩn đoán rất có giá trị trong ung thư. Từ năm 2009, Việt Nam đã bắt đầu trang bị máy móc PET/CT tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, các bệnh viện lớn đã được trang bị PET/CT và được ứng dụng chủ yếu trong ung thư. Các kết quả nghiên cứu với PET/CT đã khẳng định, PET/CT đã giúp chẩn đoán với độ nhạy và độ chính xác cao các ung thư nguyên phát và chẩn đoán phân biệt u lành và u ác tính, di căn, tái phát, đánh giá kết quả điều trị, theo dõi sau điều trị… PET/CT làm thay đổi chiến thuật điều trị ở 30-40% số bệnh nhân ung thư cũng như giúp dự báo sớm kết quả điều trị và đánh giá đáp ứng điều trị bệnh nhân. Bên cạnh các ứng dụng tương đối phổ biến trong các bệnh tim mạch và ung thư, y học hạt nhân chẩn đoán còn được ứng dụng nhiều trong các chuyên khoa khác nhau như tiết niệu, tiêu hóa, xương khớp, tâm thần kinh, bệnh nhiễm trùng và nhi khoa… Các phương pháp chẩn đoán y học hạt nhân đều sử dụng máy ghi hình, định lượng và tính toán hoạt tính phóng xạ theo thời gian sau khi sử dụng các dược chất phóng xạ thích hợp. Các ứng dụng y học hạt nhân trong các chuyên khoa đã được ứng dụng ở các bệnh viện đa khoa có khoa y học hạt nhân ở nước ta. Triển vọng phát triển y học hạt nhân PGS.TS. Lê Ngọc Hà cho biết, hiện nay, các trung tâm Cyclotron và PET/CT khu vực đang hình thành và phát triển tại Kiên Giang và Huế. Nhiều tỉnh trên cả nước như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Phú Yên, Cần Thơ… đã xây dựng và triển khai các đơn vị hoặc khoa y học hạt nhân. Theo quy hoạch của ngành Y tế, đến năm 2020 mỗi tỉnh sẽ có ít nhất một khoa hoặc một đơn vị y học hạt nhân được trang bị những trang thiết bị chủ yếu và phấn đấu có 1 máy gamma camera SPECT và 1 hệ thống PET/CT trên 1 triệu dân. Chiến lược và các Quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cho ngành năng lượng nguyên tử nói chung và Y học hạt nhân ở Việt Nam nói riêng những cơ hội và thách thức mới. Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Quy hoạch chi tiết, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế đến năm 2020 và quy hoạch ngành y tế, cần có sự chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên của hệ thống quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bệnh viện trong và ngoài quân đội… Theo PGS.TS. Lê Ngọc Hà để định hướng phát triển của lĩnh vực y học hạt nhân nên tập trung vào số vấn đề như: đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ tron glinxh vực y học hạt nhân bao gồm các bác sỹ, kỹ sư vận hành cyclotron và y vật lý, đội ngũ hóa – dược phóng xạ, kỹ thuật viên y học hạt nhân… Tiến hành các nghiên cứu đa trung tâm về công nghệ hạt nhân, chẩn đoán hình ảnh… liên quan đến y học hạt nhân, hóa dược phóng xạ và ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị. Cùng với đó là đẩy mạnh việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trung ương như PET/CT, PET/MRI, SPECT/CT để khai thác sử dụng trong nghiên cứu về y học hạt nhân, phát triển dược phóng xạ và ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị. Nhà nước cần đầu tư cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực các thiết bị chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân thiết yếu, phù hợp với trình độ nguồn nhân lực và hoàn cảnh địa phương như gamma camera SPECT, SPECT/CT, đo độ tập trung tuyến giáp, các thiết bị đo liều, an toàn bức xạ… Nhà nước tiếp tục đầu tư và mở rộng phạm vi nghiên cứu và sản xuất các đồng vị và dược chất phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân và các trung tâm cyclotron đã và đang xây dựng trong cả nước. Đồng thời là mở rộng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị y học hạt nhân vào nhiều chuyên khoa khác nhau và phạm vi rộng (tuyến tỉnh và khu vực) nhằm mang lại thuận lợi cho các chuyên khoa khác nhau. Với những ứng dụng y học hạt nhân trong lâm sàng cùng với việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các dược chất phóng xạ mới từ cyclotron hứa hẹn sẽ là những bước phát triển của y học hạt nhân trong thời gian tới. Bảo Hà
|