|
|||
“nhốt phóng xạ” Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, với dự án ĐHN Ninh Thuận 1, Việt Nam chọn công nghệ AES 2006 phiên bản 491 của Nga. Đây là phiên bản được kiểm chứng xây dựng trên 3 dự án tại 2 quốc gia là Belarus, Nga. Công nghệ này hoạt động theo nguyên tắc an toàn chủ động và kết hợp thụ động. Bảo vệ theo nguyên tắc 5 lớp chiều sâu, giải pháp “nhốt chặt phóng xạ” trong trường hợp có sự cố thông qua bộ phận hấp thụ phóng xạ, không cho phóng xạ chảy ra ngoài như hiện tượng ở Fukushima. Đó là nguyên lý và định hướng để bảo đảm an toàn gần như là tuyệt đối cho nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam. “Công nghệ “nhốt phóng xạ”, khi thanh nhiên liệu tan chảy do không được làm mát kịp thời thì nhiệt độ lên rất cao, tới 3000 độ C. Khi thanh nhiên liệu chảy, sẽ đi xuống một cái hố, là nơi giam giữ phóng xạ. Trong hố đó có chất dung môi làm giảm nhiệt độ và giữ lại toàn bộ trong nhà lò. Ở Fukishima không có công nghệ này do được xây dựng từ năm 1970, còn đây là công nghệ mới. Công nghệ này đã được kiểm chứng bằng các thí nghiệm, nó sẽ không bao giờ có thể chảy ra ngoài”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. An toàn là trên hết Theo kết quả khảo sát địa chất thì địa điểm nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 không có hang, phễu karst, không có đứt gãy hoạt động. Động đất thiết kế cực đại tính toán tại lớp bề mặt địa điểm chu kỳ 10.000 năm có cường độ cấp 8, gia tốc nền cực đại nhỏ hơn giới hạn gia tốc nền cho phép. Đây là địa điểm không bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, kết quả tính toán mực nước biển tại địa điểm tương ứng với các kịch bản độc đất tại đới hút chìm Malina đảm bảo an toàn, mặt bằng cho phép đặt vị trí của tất cả 4 tòa nhà lò phản ứng trên nền đá gốc là 12m. “Dọc bờ biển Việt Nam có 7 địa điểm theo quy hoạch thì Ninh Thuận đáp ứng nhiều yêu cầu nhất như có địa chất tốt, đá cứng, gần biển để có thể làm mát, là vùng có nền kinh tế chưa phát triển thì điện hạt nhân được coi là một giải pháp vực dậy nền kinh tế. Việc nghiên cứu địa chất, địa hình, khí tượng thủy văn để xây dựng nhà máy được EVN thuê tư vấn độc lập từ Nga và Nhật Bản để điều tra khảo sát và đánh giá. Vì trong nước chưa có kinh nghiệm nên phải nhờ đến những chuyên gia nhiều kinh nghiệm ở các nước đã phát triển ĐHN”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay. Sau sự cố Chernobyl, Fukushima, bài học rút ra là vai trò của con người. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa an toàn khi xây dựng. Nó phải đi từ nhận thức, hành động chứ không chỉ trông chờ vào công nghệ hiện đại, tự động hóa cao. Vì thế công tác đào tạo rất quan trọng, vừa có trình độ, vừa có óc phân tích, vừa có văn hóa về độ an toàn để vận hành tốt nhất. Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ KH&CN cũng cho rằng, sự cố Fukushima tác động sâu sắc đến toàn bộ ngành ĐHN trên thế giới, sau đó thì người ta thực hiện gia cố và tăng cường nhiều các giải pháp để đảm bảo an toàn cho các nhà máy ĐHN đang hoạt động và các dự án ĐHN đang triển khai. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng nghiên cứu bài học này, làm sao để có một nguồn nhân lực vừa giỏi về chuyên môn, vừa có văn hóa an toàn, đồng thời có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, phát triển cơ quan pháp quy hạt nhân có đủ năng lực để giải quyết việc cấp phép xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN trong tương lai, đảm bảo an toàn an ninh phạm vi quốc tế. Hà Chi
|