|
|||
Khi lứa sinh viên khóa 1972 – 1976 Trường đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi (trước đây) tốt nghiệp ra trường thì thầy Nguyễn Đình Tứ với cương vị Hiệu phó kiêm Bí thư Đảng ủy nhà trường lúc đó cũng được Trung ương điều động lên làm Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Sau mười năm làm Bộ trưởng, bằng tài năng và đức độ, GS Nguyễn Đình Tứ được giao trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật của Quốc hội, rồi Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng thật không may, GS đột ngột qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bè bạn, nhất là giới khoa học trong nước và nước ngoài khi đó. Trong ký ức, tâm tưởng của nhiều nhà khoa học, như các GS Vũ Đình Cự, Phạm Minh Hạc, Nguyễn Duy Quý, Trần Hữu Phát, Cao Chi… thì GS Nguyễn Đình Tứ không chỉ là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, mà trước hết, ông là nhà vật lý tài năng, người xây dựng và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Năm 1957, sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành thủy lợi, Đại học Vũ Hán (Trung Quốc), Nguyễn Đình Tứ được Nhà nước chọn cử cùng hai người khác sang học tập và làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na (quen gọi là Viện Đúp-na, thuộc Liên Xô trước đây) và ngày nay là Liên bang Nga. Chuyển sang một lĩnh vực mới nhưng vốn là người có năng khiếu về toán và vật lý nên một thời gian không lâu, Nguyễn Đình Tứ đã hòa nhập vào công việc học tập, nghiên cứu ở Trung tâm khoa học - công nghệ lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Tại Viện Đúp-na, dưới sự dẫn dắt của các GS người Nga, ông được bố trí làm việc trong phòng thì nghiệm năng lượng cao, chuyên nghiên cứu về vật lý hạt cơ bản. Am hiểu vật lý lý thuyết, nắm vững phương pháp tính toán trong quá trình làm thực nghiệm, Nguyễn Đình Tứ là tác giả chính của công trình phát minh ra phản hạt sigma âm vào năm 1961, tại Viện Đúp-na. Có thể nói, đây là sự kiện gây tiếng vang lớn trong cộng đồng khoa học quốc tế vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Chẳng thế mà Viện sĩ Ban-din cũng như ban lãnh đạo Phòng thí nghiệm năng lượng cao thuộc Viện Đúp-na khi đó đã đánh giá: "Từ những năm 1958 – 1962, với sự tham gia tích cực của Nguyễn Đình Tứ, Viện nghiên cứu Đúp-na đã thu được những kết quả vật lý rất quan trọng. Anh đã chứng tỏ khả năng xuất sắc, và là một trong những nhà vật lý hàng đầu". Ghi nhận công lao đóng góp của ông, ngay sau khi công bố kết quả nghiên cứu, Nguyễn Đình Tứ đã nhận giải thưởng của Hội đồng khoa học Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na. Đến năm 1968, chính phủ Liên Xô (cũ), cấp bằng phát minh cho nhóm nghiên cứu quốc tế tại Viện Đúp-na, mà ông là thành viên chủ chốt của công trình. Năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ,ứu nước của nhân dân ta đang ở thời kỳ ác liệt, Nguyễn Đình Tứ, với uy tín chuyên môn của mình, lại được mời sang làm cộng tác viên lần thứ hai tại Viện Đúp-na (1966 – 1971). Hơn mười năm (tính cả hai đợt) sang nghiên cứu, làm việc ở Viện Đúp-na, bên cạnh tập trung cho các đề tài đang theo đuổi, GS Nguyễn Đình Tứ đã quan tâm và nuôi ý tưởng ứng dụng năng lượng hạt nhân vào phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta khi điều kiện cho phép. Chính vì vậy, thời gian làm Hiệu phó kiêm Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp; nhất là mười năm trên cương vị Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1976 – 1986), ông hết sức quan tâm công tác đào tạo và tập hợp đội ngũ cán bộ chuyên ngành hạt nhân năng lượng cao. Sau một thời gian chuẩn bị, Chính phủ đã có quyết định thành lập Viện nghiên cứu hạt nhân do GS Nguyễn Đình Tứ đề xuất. Đến năm 1986, chuyển thành Viện năng lượng nguyên tử quốc gia và năm 1994, đổi tên thành Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Tuy bộn bề công việc trong vai trò là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nhưng ông vẫn được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm làm Viện trưởng, rồi Chủ tịch Hội đồng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho đến khi qua đời. Ngay dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà mấy năm nay chúng ta đang triển khai ở Ninh Thuận cũng là khởi phát từ ý tưởng của GS Nguyễn Đình Tứ. Những người có điều kiện sống và làm việc lâu năm với GS Nguyễn Đình Tứ lúc sinh thời, như GS Trần Thanh Minh, GS Võ Văn Thuận, GS Nguyễn Tiến Nguyên đều cho rằng, ông vừa là một nhà quản lý, một cán bộ lãnh đạo cao cấp mẫu mực, đồng thời là một nhà khoa học chân chính. Bởi vậy, dù phải đảm nhận nhiều cương vị khác nhau, GS Nguyễn Đình Tứ vẫn được giao chủ nhiệm các chương trình khoa học – công nghệ cấp Nhà nước. Chẳng hạn, chương trình 50B, tập trung định hướng nguyên vật liệu hạt nhân (1986 – 1990), chương trình KC-09 về khoa học và công nghệ hạt nhân (1991 – 1995). Từ đây, việc khôi phục và đưa lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đi vào hoạt động được thực hiện; công tác ứng dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe từng bước được phát triển, mở rộng gần 30 năm trở lại đây. Có thể nói, GS Nguyễn Đình Tứ đã đầu tư hết tâm lực, trí tuệ cho ngành điện hạt nhân, từ khâu tổ chức đến hoạt động đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cũng như việc xây dựng các chương trình nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình – một lĩnh vực còn rất mới mẻ ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Để bước vào những năm đầu của thiên niên kỷ mới, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành liên quan nghiên cứu luận chứng tiền khả thi trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở nước ta… Với những đóng góp to lớn của GS Nguyễn Đình Tứ trong quá trình nghiên cứu và phát minh ra phản hạt Hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao (tác giả chính trong nhóm nghiên cứu quốc tế, thời kỳ ở Viện Đúp-na); xây dựng và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, cũng như vai trò ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng GS Nguyễn Đình Tứ Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (năm 2000). Đồng thời, năm 2007, GS cũng được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. GS Nguyễn Đình Tứ thật xứng đáng với những lời nhận xét, đánh giá của các nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị - xã hội đương thời rằng, ông là một tài năng, một cán bộ lãnh đạo cao cấp mẫu mực và là một nhân cách lớn vẫn song hành trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta hôm nay... |