Bản in
Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?
Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng khá đa dạng nhưng không dồi dào. Trong các giải pháp phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu điện năng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì giải pháp tổng hòa gồm tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp giữa nhập khẩu điện, than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ là giải pháp tối ưu.

Đa dạng hóa nguồn năng lượng

Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên năng lượng khá đa dạng như: nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện, điện mặt trời, phong điện. Mỗi nguồn năng lượng có ưu điểm và hạn chế riêng. 

Khi nói về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, đối với nguồn nhiệt điện than suất đầu tư thấp, thời gian thi công ngắn, phát triển ổn định nhưng chi phí vận hành cao và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch. Phát triển nhiệt điện ảnh hưởng lớn đến môi trường do khí thải và đây là nguyên nhân trực tiếp tạo nên hiệu ứng nhà kính, làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Theo Tổng sơ đồ Điện VII, đến năm 2020 Việt Nam sẽ cần 58,4 triệu tấn than đá/năm và con số này có thể đạt mức 146 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi khả năng tự cung cấp chỉ ở mức 45,5 triệu tấn/năm thì việc Việt Nam phải nhập 100 triệu tấn than đá năm 2030 là điều khó tránh khỏi. Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành điện trong nước. 

Nước ta có hệ thống sông ngòi khá dày đặc với hơn 3.450 hệ thống. Và với điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy nên tiềm năng thuỷ điện của nước ta tương đối lớn. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án thủy điện lớn có công suất trên hầu như đã được khai thác. Các dự án có vị trí thuận lợi, có chi phí đầu tư thấp cũng đã được triển khai thi công. Còn lại trong tương lai gần, các dự án thủy điện công suất nhỏ sẽ được đầu tư khai thác.

Việt Nam có tiềm năng quang năng lớn nhưng việc khai thác còn hạn chế do suất đầu tư cao, số giờ sử dụng công suất thấp (xấp xỉ 1.500 giờ/1 năm), trong khi đó diện tích chiếm đất lớn. Theo Tổng sơ đồ Điện VII hiệu chỉnh thì điện năng sản xuất từ mặt trời chỉ đóng góp gần 1,6% vào 2015 và 3,3% vào 2030.

Đối với phong điện, hiện nay Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng việc khai thác còn hạn chế do suất đầu tư cao, số giờ sử dụng công suất thấp (gần 2.100 giờ/1 năm), trong khi đó diện tích chiếm đất lớn. Theo Tổng sơ đồ Điện VII hiệu chỉnh, điện năng sản xuất từ phong điện chỉ đóng góp gần 1% vào 2015 và 2,1% vào 2030.

Phát biểu về sự cần thiết của điện hạt nhân trong hệ thống điện Việt Nam, ông Phan Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết: “Phát triển điện hạt nhân giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng sạch sơ cấp, tăng cường an ninh cung cấp năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm nhập khẩu nhiên liệu, tránh những cơn khủng hoảng về giá nhiên liệu hóa thạch”. 

Minh chứng cho vấn đề này, ông Phan Minh Tuấn cho biết thêm: “Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 chủ yếu là nguồn nhiệt điện than và khí (chiếm từ 60-70%), trong khi đó nguồn cung cấp than và khí trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Việc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng cũng còn nhiều khó khăn do chính sách sử dụng năng lượng khác nhau của mỗi quốc gia.

Từ năm 2009, Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến nay, những chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục được khẳng định trong nhiều Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ. Trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đều đã khẳng định việc thúc đẩy xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…

Đa lợi ích từ điện hạt nhân

Trước tình hình đó, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là lựa chọn tất yếu trong chiến lược dài hạn của quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho phát điện, giảm phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày một cạn dần, giảm nhập khẩu than và khí sử dụng cho phát điện.

 

Phóng viên báo chí nghe giới thiệu về sơ đồ hệ thống công nghệ lò phản ứng Đà Lạt

Ông Phan Minh Tuấn nêu rõ, khi giá nhiên liệu hóa thạch lên cao sẽ khẳng định tính cạnh tranh của nhà máy điện hạt nhân. Cụ thể, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima, giá than nhập khẩu là 100-110 USD/tấn, dự kiến năm 2030 có thể lên tới 120-130 USD/tấn. Với giả thiết về giá nhiên liệu đầu vào cho nhà máy nhiệt điện như trên, nhà máy điện hạt nhân hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nhà máy nhiệt điện. Điện hạt nhân còn có ưu thế hơn hẳn so với các nhà máy nhiệt điện chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng LNG nhập khẩu. Với nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu, nhà máy điện hạt nhân sẽ cạnh tranh được khi vận hành với mức hệ số ≥ /85%.

Thực tế hiện nay, các nước đang phát triển điện hạt nhân đều là những nước có tiềm lực KH&CN mạnh; phát triển nhà máy điện hạt nhân sẽ là động lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành liên quan như vật lý hạt nhân, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin… Sự xuất hiện của điện hạt nhân sẽ tạo ra sự kết nối các ngành công nghiệp nội địa trong việc tham gia vào quá trình cung ứng vật tư, thiết bị, xây dựng và lắp đặt nhà máy điện hạt nhân, trên cơ sở đó nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) đã khẳng định những lợi ích mà điện hạt nhân mang lại. Trước hết, theo ông, phát triển điện hạt nhân sẽ giải quyết nhu cầu điện năng và đảm bảo an ninh năng lượng. Theo Hiệp hội hạt nhân thế giới, vào năm 2050, tiêu thụ năng lượng của thế giới sẽ tăng gấp đôi và nhu cầu điện năng sẽ tăng gấp ba. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự kiến cả nước thiếu khoảng 8 tỷ KWh điện vào năm 2015. Đến năm 2020, con số này có thể sẽ lên đến 36 tỷ KWh. Ngay cả khi Việt Nam khai thác hết các nguồn năng lượng và đẩy mạnh mua điện của nước ngoài cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước.

Do vậy, giải pháp đưa ra là phát triển điện hạt nhân, bởi nhiên liệu hạt nhân có thể được cung cấp liên tục trong vòng 230 năm nữa đối với trường hợp sử dụng nhiên liệu một lần (không qua tái chế). Trong trường hợp Urani và Plutoni được tái chế và sử dụng lại trong các lò phản ứng tái sinh nhanh, lượng nhiên liệu có thể sử dụng trong 30.000 năm nữa. Nếu có thể tách được lượng Urani từ nước biển (khoảng 4,5 tỉ tấn) thì nhiên liệu hạt nhân có thể sử dụng trong 60.000 năm nữa.

“Sử dụng điện hạt nhân góp phần bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng khí nhà kính. Điện hạt nhân an toàn cho con người và môi trường. Khi nhà máy điện hạt nhân được vận hành theo những tiêu chuẩn an toàn hiện hành, sẽ không có mối đe dọa nào đối với con người và môi trường. Nếu chúng ta sống trong vùng bán kính 80km xung quanh nhà máy điện hạt nhân, chúng ta sẽ chỉ phải nhận thêm một liều bức xạ trung bình vào khoảng 0,01 millirem/năm (đơn vị đo liều bức xạ). Trong khi trung bình một năm, chúng ta đã thường phải nhận một liều bức xạ lên tới 30 millirem từ các nguồn phóng xạ khác trong tự nhiên, ví dụ như: bức xạ từ mặt trời, từ các nguyên tố phóng xạ tự nhiên có trong đất, không khí…”, ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Phát triển điện hạt nhân còn đảm bảo tính hiệu quả kinh tế khi cạnh tranh với các loại nhà máy dùng nhiên liệu nhập khẩu. Điện hạt nhân có khả năng cạnh tranh về mặt kinh tế và sẽ cạnh tranh hơn khi tính đến chi phí môi trường liên quan đến những tổn hại do phát thải carbon. Ngoài ra, điện hạt nhân có chi phí nhiên liệu ổn định và chiếm phần nhỏ trong chi phí vận hành. Ngược lại, nhiệt điện khí có chi phí nhiên liệu cao và do đó, giá thành trong tương lai sẽ khá bất định.

Nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng ở nước ta sẽ gia tăng đáng kể trong tương lai. Do vậy, việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân sẽ bảo đảm cung cấp điện một cách ổn định trong tương lai. 

Bài, ảnh: Lê Hà