|
|||
PGS.TS. Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã chia sẻ thông tin về sự cố này và công tác ứng phó của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). PV: Thưa ông, hiện nay công tác tìm kiếm nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất tại Bắc Kạn được triển khai như thế nào? -PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Ngày 16/12/2015, Cục ATBXHN nhận được thông báo của Sở KH&CN Bắc Kạn về việc mất nguồn phóng xạ ở Công ty DATC. Ở thời điểm bị mất, Công ty này đã bị phát mãi tài sản, ngừng hoạt động. Thực tế, DATC sử dụng phóng xạ để đo mức nhằm điều khiển tự động xả Clinker trong nhà máy xi măng và được Cục cấp phép từ năm 2010, sử dụng đến 2013 thì hết hạn. Cho dù đã dừng sử dụng, nhưng lúc chưa phát mãi (trước tháng 3/2015) thì nguồn phóng xạ này thuộc quyền quản lý của DATC song họ cũng không xin giấy phép lưu giữ, dù đã có nhắc nhở. Như vậy, bản thân DATC vi phạm là hết thời gian giấy phép không xin phép để sử dụng tiếp, và không sử dụng cũng không xin giấy phép lưu giữ. Sau khi bị phát mãi và Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp quản thì ngân hàng sẽ phải quản lý, chịu trách nhiệm toàn bộ, kể cả nguồn phóng xạ trong kho. Khi cơ quan chức năng nhận được thông báo nguồn phóng xạ bị mất và xuống làm việc, bảo vệ của BIDV xác nhận phát hiện mất nguồn phóng xạ này cách ngày 15/12/2015 khoảng hai tháng song họ cũng không hề báo cho ngân hàng hay đơn vị nào. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ KH&CN đã cử đoàn công tác lên Bắc Kạn phối hợp làm việc. Bản thân tôi đã làm việc trực tiếp với Sở KH&CN, Công an tỉnh và có chuyên gia cùng thiết bị hỗ trợ công tác tìm kiếm. Qua trao đổi với công an thấy rằng thời điểm mất nguồn phóng xạ không biết khi nào nên việc tìm lại là khó. Sau đó, Bộ KH&CN có công điện gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đề nghị phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ đoàn công tác của Bộ nhằm hỗ trợ địa phương; khẩn trương thành lập ngay tổ công tác để ứng phó sự cố đồng thời yêu cầu tìm kiếm thu hồi. Bộ KH&CN cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng như việc yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Ngoài ra, hiện nay có các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, nhưng nếu để ở các cơ sở lưu giữ thì tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh. Thông tư của Bộ KH&CN yêu cầu cơ sở chỉ được lưu giữ nguồn phóng xạ trong ba năm, sau đó phải chuyển về nơi lưu giữ tập trung. Vừa qua Bộ KH&CN đã làm việc với Bộ Quốc phòng, thống nhất sử dụng các cơ sở của Bộ Tư lệnh hóa học giúp lưu giữ nguồn phóng xạ này. Trong kiến nghị có nêu năm 2016 là phải khẩn trương thu hồi tất cả các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, đặc biệt là những nguồn ở các cơ sở mà không có điều kiện lưu giữ an toàn để tránh việc mất cắp xảy ra. PV: Theo ông, khả năng thu hồi các nguồn phóng xạ bị mất có cao không? - PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Khả năng thu hồi nguồn phóng xạ bị mất là không cao. Không chỉ Việt Nam, trên quốc tế, năm 2013 có 137 nguồn phóng xạ bị mất thì chỉ thu hồi lại được 17 nguồn. PV: Mặc dù cơ quan chức năng cho rằng nguồn phóng xạ Cs-137 không gây nguy hiểm nhưng vẫn còn có ý kiến lo ngại về sự nguy hại của nguồn phóng xạ này. Dưới góc độ chuyên môn, việc này nên hiểu như thế nào, thưa ông? - PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Nguồn phóng xạ Cs-137 có hoạt độ 4,5mCi, xếp theo phân loại nguồn phóng xạ thì thuộc nhóm số V (nhóm có nguồn phóng xạ có tỷ số hoạt độ tổng cộng trên hoạt độ riêng nhỏ hơn 0,01). Đối với nguồn này thì tỷ số là 0,0016 và như vậy là nhỏ hơn rất nhiều. Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA TECDOC 1344) thì nguồn loại này không nguy hiểm cho con người, thậm chí khi tiếp xúc gần. PV: Thưa ông, trong những năm gần đây chúng ta thấy có nhiều vụ mất nguồn phóng xạ. Vậy, vai trò, trách nhiệm của Bộ KH&CN trong vấn đề này như thế nào? -PGS.TS. Vương Hữu Tấn: Sau sự cố năm 2014, ngày 04/11/2014, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ra ngay Chỉ thị số 4050/CT-BKHCN về việc tăng cường công tác quản lý an toàn, an ninh nguồn phóng xạ yêu cầu các địa phương điều tra, thông kê các nguồn phóng xạ được sử dụng, lưu trữ tại địa phương để có biện pháp quản lý. Về quản lý của Bộ KH&CN, chúng tôi phải xây dựng các văn bản quản lý, cấp phép, thanh kiểm tra… Có thể nói đến nay tất cả các văn bản quản lý nguồn phóng xạ đều có. Bản thân Bộ cũng không thể đi hết các cơ sở để thanh kiểm tra liên tục mà phải giao cho các Sở KH&CN địa phương. Với Công ty DATC, ngày 15/5/2015, Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn tiến hành kiểm tra, đề nghị BIDV tăng cường công tác quản lý, không được di chuyển trước khi có ý kiến của các cơ quan quản lý, nhưng nhiều khi người ta vẫn chưa nâng cao trách nhiệm, nhận thức được. Bởi thế, tôi cho rằng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa, phải tổ chức những hội nghị cho các chủ cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ… để nâng cao nhận thức, để người ta thấy rằng trách nhiệm của mình rất lớn và để mất là rất nguy hiểm. Bởi, có những nguồn phóng xạ lớn có khả năng gây thương vong cho người khác. Theo quy định của pháp luật, quản lý nhà nước về an toàn bức xạ là Bộ KH&CN, Ủy ban Nhân dân các tỉnh.Trên Bộ, Cục ATBXHN giúp việc cho Bộ quản lý về lĩnh vực này, dưới địa phương là các Sở KH&CN. Các sở được cấp phép về X-quang nhưng có toàn quyền thanh kiểm tra các hoạt động sử dụng bức xạ trên địa bàn nên hàng năm phải tổ chức kế hoạch thực hiện việc này. Cục ATBXHN cũng làm như vậy và hai bên phải phối hợp với nhau. PV: Trân trọng cảm ơn ông! Bài, ảnh: Lê Hà
|