|
|||
Ứng dụng năng lượng còn góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từng bước xây dựng và phát triển Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006. Chiến lược đã đề ra các mục tiêu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trên cả hai lĩnh vực: ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam nhằm từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho việc phát triển kinh tế xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước. Bộ KH&CN được giao là cơ quan hướng dẫn thực hiện chiến lược, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chiến lược ứng dụng. Cụ thể hóa các nhiệm vụ chiến lược năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược . Tiếp đó năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 thay thế cho kế hoạch nêu trên. Tại Hội nghị “Đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Trong giai đoạn vừa qua việc ứng dụng NLNT trong lĩnh vực kinh tế xã hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Công thương và các bộ, ngành địa phương liên quan có phối hợp chặt chẽ và tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong chiến lược đã đạt được những kết quả, thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ như chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân. Việc hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách cũng đã được triển khai khá đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời hoạt động hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh. Về nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, các cơ quan đơn vị thuộc các bộ, ngành địa phương đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp,đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua đó thu được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trên một số lĩnh vực ứng dụng đặc biệt là trong lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị, chọn tạo giống cây trồng bằng phương pháp đột biến, và ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân khác trong ngành công nghiệp,tài nguyên môi trường, một số kết quả được đánh giá cao không chỉ trong nước và quốc tế, được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công nhận. Về phát triển điện hạt nhân, năm 2009 Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Bộ KH&CN, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng đã tích cực chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng đảm bảo an toàn an ninh và hiệu quả. Gần đây nhất năm 2014, chúng ta đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đến năm 2020 nhằm phát triển đồng bộ toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia phù hợp với hướng dẫn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu triển khai dự án. Tính đến nay hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận số 1 và số 2 cũng đã cơ bản được hoàn thành và gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ứng dụng NLNT trong thực tiễn Tại Việt Nam, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ thời gian qua đã đạt nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trên một số lĩnh vực ứng dụng nhất là trong y học hạt nhân, xạ trị, chọn tạo giống xây trồng và các ngành công nghiệp, tài nguyên môi trường… Theo đó, trong lĩnh vực y tế hầu hết các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều có máy chụp X-quang thường quy. Các bệnh viện tuyến tỉnh về cơ bản đã có máy CT. Hiện nay, đã trang bị thêm và đưa vào hoạt động một số máy CT đa lát cắt 16, 32, 64, 128, 256, 320 lát, máy X quang tăng sáng truyền hình (C-arm), máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) ở các bệnh viên trung ương và cấp khu vực, tỉnh,thành phố. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương và mọt số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật điện quang can thiệp. Về y học hạt nhân, hiện cả nước có trên 30 cơ sở y học hạt nhân đang hoạt động, với tổng số máy SPECT lên 31 và 4 SPECT/CT, 6 PET/CT với 5 Cyclotron, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tốc độ phát triển chuyên ngành y học hạt nhân nhanh và hiệu quả. Nhiều đồng vị phóng xạ, dược chất xạ đã được triển khai ở nhiều bệnh viện để điều trị bệnh nhân ung thư và một số bệnh lý khác hiệu quả và an toàn. Nhiều đồng vị phóng xạ và hợp chất đánh dấu đã được sản xuất trong nước để chẩn đoán và điều trị an toàn, hiệu quả. Nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân hiện đại đã được ứng dụng thành công ở một số bệnh viện lớn, ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới Về xạ trị, hiện cả nước có 26 máy xạ trị gia tốc tuyến tính (LINAC), một số máy xạ trị gia tốc thế hệ mới đa mức năng lượng ống chuẩn trực đa lá (80-120 lá) đã được lắp đặt tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế, cũng như một số máy điều trị áp sát suất liều cao sử dụng nguồn Ir-192, thiết bị cấy hạt phóng xạ I-125 (BV Bach Mai). Trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến 2013, đã có trên 50 giống cây trồng nông nghiệp được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi,…riêng đậu tương có tới trên 50% diện tích được trồng là các giống được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ, giống lúa đột biến VND-95-20 là giống chủ lực để xuất khẩu đã chiếm 30% trên tổng số 1 triệu ha đất canh tác tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giống lúa đột biến DT10 được tạo ra trong những năm 1990 và từ đó đến nay đã tạo ra tổng giá trị thu nhập lên đến 3 tỷ USD, tăng thêm 537,6 triệu USD so với việc sử dụng các giống cũ, giống Khang Dân đột biến đã được tạo ra và nhanh chóng trở thành một giống quan trong trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TSKH. Trần Duy Quý và 2 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, và cho 2 cá nhân của Sở KH&CN Sóc Trăng (Hồ Công Cua và Trần Tấn Phương) đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống. Trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, thử nghiệm thành công các thiết bị đo trong ngành công nghiệp than, thiết bị phân tích nhanh trong ngành công nghiệp xi măng, máy chụp X quang công nghiệp, thiết bị quan trắc cảnh báo sớm phóng xạ môi trường,…; Công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Việt Nam. Đi đầu là Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú,...với doanh thu từ ứng dụng công nghệ bức xạ lên tới hàng trăm tỷ đồng hàng năm. Ứng dụng công nghệ bức xạ còn được ứng dụng để sản xuất chế phẩm polymer tan trong nước, chịu mặn và chịu nhiệt độ cao phục vụ cho ngành công nghiệp dầu khí. Bên cạnh đó là việc phát triển kỹ thuật đánh dấu trong khảo sát mỏ dầu, nghiên cứu sử dụng thêm các chất đánh dấu hoá học, chất đánh dấu tự nhiên bên cạnh chất đánh dấu phóng xạ, phát triển công nghệ đánh dấu pha khí trong mỏ, xây dựng các phương pháp đánh dấu đa pha cho công nghệ khảo sát chẩn đoán các quá trình công nghiệp. Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thắng thầu quốc tế trong dịch vụ kỹ thuật đánh dấu cho công nghiệp dầu khí của Cô-oét và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập. Đồng thời là việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chiếu xạ thanh trùng thủy hải sản, bảo quản nông sản, hoa quả, thuốc đông nam dược, dụng cụ y tế phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Việt Nam đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ Co-60 và đã cử chuyên gia sang hỗ trợ cho Cuba trong việc triển khai dự án khôi phục thiết bị chiếu xạ. Bài, ảnh: Lê Hà |