Bản in
Chủ động nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đưa ra 7 vấn đề trọng tâm trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn tới, một trong 7 vấn đề đó là phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể áp dụng công nghệ tiên tiến nhất nhưng để xây dựng đội ngũ vận hành đảm bảo an toàn là điều không đơn giản.

Chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Năm 2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, khẳng định cam kết phát triển hạt nhân của Việt Nam vì mục đích hòa bình góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. 

Ông Lê Doãn Phác, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, kế hoạch khởi công Nhà máy điện hạt nhân có chút thay đổi do công tác chuẩn bị chưa đáp ứng được nhu cầu về hiệu quả kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân phát triển. Thứ hai là trong quy hoạch năng lượng có điều chỉnh.

Hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương điều chỉnh Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Trong quy hoạch đã chỉ rõ đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất). Nhưng điều chỉnh thế nào thì còn phải đợi Chính phủ nhưng điều đó cho chúng ta thấy rằng, Việt Nam vẫn thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. 

Mới đây, tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia báo cáo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Việt Nam về địa điểm nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1 và 2. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và các đại biểu trong nước là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Tổng Cục năng lượng của Bộ Công thương, nhiều tổng cục, cục và hội, các viện khoa học chuyên ngành liên quan…

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, hiện nay cả 2 tư vấn Nga và Nhật đã hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu địa điểm đối với 2 địa điểm dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và 2, đã nộp Báo cáo Phân tích an toàn và Hồ sơ Phê duyệt địa điểm lên Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. 

Được sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, các nhà khoa học Việt Nam đã triển khai các đề tài độc lập cấp nhà nước về địa điểm dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và 2. Các đề tài này nhằm đưa ra những nghiên cứu độc lập của các chuyên gia Việt Nam về các vấn đề đang đặt ra đối với các địa điểm dự kiến xây dựng 2 NMĐHN đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến động đất, đứt gãy hoạt động và sóng thần... 

Phát triển nguồn nhân lực

Theo tính toán, nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thời điểm cần từ 6.000 -10.000 người làm việc trên công trường (tùy theo quy mô nhà máy). Tổ chức Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, nhân lực cần cho nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW là khoảng 1.000 người có trình độ đại học, cao đẳng. 

Ông Phác cho hay, với một dự án lớn như dự án điện hạt nhân nên thách thức cũng nhiều. Thách thức nhiều nhất là nguồn nhân lực, nguồn nhân lực sẽ quyết định mọi thứ. Khi nào có nguồn nhân lực tốt thì dự án mới thực sự hiệu quả. Nguồn nhân lực không phải chỉ trực tiếp ở nhà máy điện mà còn ở các cơ quan quản lý, pháp quy và giáo dục đào tạo. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động được nguồn nhân lực.

Theo đó, nhu cầu nhân lực cho chương trình điện hạt nhân ở giai đoạn đầu từ nay đến 2020 của Việt Nam khá lớn, bao gồm: nguồn nhân lực cho quản lý, giám sát và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật; nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo hạt nhân; nguồn nhân lực cho vận hành và bảo trì nhà máy điện hạt nhân…

Theo ông Brian Molloy, chuyên gia IAEA kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam phải dựa vào thực tế nhu cầu và định hướng của ngành hạt nhân và cần được xây dựng cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân một cách kỹ lưỡng và chi tiết. Nếu thực hiện tốt điều này, sau 7-10 năm, Việt Nam sẽ có tương đối đầy đủ nguồn cán bộ về quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Để khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo thông qua các đề án, dự án để nâng cao nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân cho các bộ ngành, các đầu mối liên quan. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ dự án điện hạt nhân.

Ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT tại Quyết định số 1558/QĐ-TTg. Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bộ, ngành cũng như chủ đầu tư đều đã xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực theo nhiệm vụ được giao trong chương trình phát triển điện hạt nhân. 

Năm 2011, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT. Ngày 14/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực NLNT. Một đề án riêng nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng đã được Chính phủ phê duyệt (Quyết định 584/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 phê duyệt Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án NMĐHN tại Ninh Thuận). Năm 2014 Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng một kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên gia cho các cơ quan quản lý nhà nước và pháp quy. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. 

Đến nay, Việt Nam đã cử 300 sinh viên sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến nhà máy điện hạt nhân. Nga vẫn cam kết mỗi năm giúp Việt Nam đào tạo khoảng 70 cán bộ tại Nga, Nhật thì cam kết đào tạo giúp Việt Nam 100 sinh viên phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân trong vòng 5 năm. Việt Nam cũng đã cử nhiều lượt cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm, đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài... đáp ứng bước đầu cho việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. 

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tiếp tục chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học; chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực dưới đại học và đào tạo sau tuyển dụng cho dự án điện hạt nhân. Bộ Khoa học và Công nghệ bồi dưỡng chuyên gia, nhân lực quản lý nhà nước và pháp quy hạt nhân cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Việc đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân là rất quan trọng để chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: Phương Nga