Bản in
Tăng cường cơ sở hạ tầng pháp quy quốc gia về an toàn
Việc xây dựng, nâng cấp và tăng cường cơ sở hạ tầng pháp quy về an toàn là một nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo an toàn cho các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Cấn Văn Minh cho biết như trên tại cuộc họp khu vực về hiện trạng cơ sở hạ tầng pháp quy quốc gia về an toàn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20-24/4.

Cuộc họp này do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức, nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật TC/RAS/9062 về “Thúc đẩy và duy trì cơ sở hạ tầng pháp quy để kiểm soát nguồn phóng xạ”.

Tham dự cuộc họp có các chuyên gia IAEA và đại diện của 13 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Bangladesh, Cămpuchia, Indonesia, I-rắc, Myanmar, Nepal, Pakistan, Palestine, Philippines, Srilanka, Syria, Thái Lan và Việt Nam.

Cuộc họp là diễn đàn để các nước trong khu vực trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá hiện trạng Dự án, tác động của Dự án đối với cải tiến cơ sở hạ tầng quốc gia, thống nhất các hoạt động còn lại của Dự án nhằm giải quyết những thách thức chung và hỗ trợ các quốc gia thành viên trong tăng cường và nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia về an toàn.

Ông Cấn Văn Minh cho biết, hiện nay ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, y tế, nông nghiệp,… được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên với 2 Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Do đó việc xây dựng, nâng cấp và tăng cường cơ sở hạ tầng pháp quy về an toàn là một nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo an toàn cho các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Trong khuôn khổ cuộc họp, đại diện các nước tham dự giới thiệu về hiện trạng, thách thức hiện nay trong tăng cường cơ sở hạ tầng pháp quy quốc gia về an toàn. Các đại biểu cũng thảo luận theo nhóm nhằm trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ cần thiết trong khu vực, xác định các nhu cầu ưu tiên và khuyến cáo cho các hoạt động sắp tới.

Mạng kiểm soát nguồn phóng xạ (CSN): chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các cơ quan pháp quy đối với kiểm soát nguồn phóng xạ; Hệ thống quản lý thông tin an toàn bức xạ (RASIMS): mô hình online, hạ tầng và các chức năng mới, vai trò và trách nhiệm của điều phối viên và các nước đối tác, thực hành; và các môdun học trên mạng (eLearning modules) về RASIMS và SARIS đã được giới thiệu cho các đại biểu tại cuộc họp.

Tin, ảnh: Lan Anh