Bản in
Đặt truyền thông về điện hạt nhân ở tầm quan trọng
Nhiều quốc gia đã lựa chọn điện hạt nhân nằm trong quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, nếu sử dụng điện hạt nhân không vì mục đích hòa bình, không bảo đảm an toàn hạt nhân, sẽ gây tác hại rất lớn đối với con người. Vì vậy, cùng với việc phát triển điện hạt nhân, công tác tuyên truyền đối với điện hạt nhân là rất quan trọng.

Quan tâm thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân

Trước những ưu điểm của điện hạt nhân như đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính… nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã quyết định lựa chọn phát triển điện hạt nhân. Việt Nam bắt đầu phát triển điện hạt nhân với những điều kiện thuận lợi ban đầu là đa số các tầng lớp nhân dân, kể cả ở Ninh Thuận, nơi có dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, ủng hộ.

Tuy nhiên, Việt Nam là một nước mới bắt đầu xây dựng điện hạt nhân, nên hiểu biết về điện hạt nhân còn chưa đầy đủ, đồng đều trong các bộ phận xã hội. Vì vậy, công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân đã được quan tâm thực hiện từ nhiều năm trước đây. Đặc biệt từ sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 01/2009/QH12 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (ngày 25/11/2009), các hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực này càng được mở rộng.

Ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 370/QĐ-TTg và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện Đề án này một cách tích cực, hiệu quả.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việt Nam đã ký với Nga và Nhật Bản các hiệp định hợp tác, trong đó Nga là đối tác dự án Ninh Thuận 1 và Nhật Bản là đối tác dự án Ninh Thuận 2. Đây là dự án lớn về quy mô và đầu tư, đặc biệt về bảo đảm an toàn, an ninh, thời gian chuẩn bị (10-15 năm) và xây dựng (5-6 năm).

Vấn đề quan trọng nhất của việc phát triển điện hạt nhân là phải đảm bảo an toàn, an ninh..., đặc biệt là sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản. Sau khi có chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, người dân không khỏi băn khoăn, lo lắng. Bởi vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển điện hạt nhân để họ yên tâm và tiếp tục ủng hộ quá trình phát triển điện hạt nhân.

Truyền thông về điện hạt nhân cần khoa học và hệ thống

Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Hoàng Anh Tuấn cho biết công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân là một trong 19 nội dung của công tác phát  triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Việt Nam cam kết phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử là vì mục đích hòa bình, bao gồm phát triển điện hạt nhân, đảm bảo an toàn, an ninh; phát triển điện hạt nhân trong cơ cấu điện quốc gia nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội; triển khai các dự án cần đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng; sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là của chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Thuận và sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế, nhất là IAEA có vai trò quan trọng đối với sự thành công của Dự án phát triển điện hạt nhân.

Theo các chuyên gia Nga, một quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân thành công, điều đầu tiên và cốt yếu nhất là cần có sự đồng thuận cao từ đông đảo người dân, giới khoa học và chính quyền các cấp... Do vậy, công tác truyền thông, vận động cộng đồng cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, khoa học và có hệ thống.

Theo tài liệu tại các trung tâm thông tin của ROSATOM cho thấy, để nhận được sự đồng thuận từ người dân trong việc phát triển điện hạt nhân là phải tiếp xúc với những người dân sống gần các nhà máy điện hạt nhân theo nhiều hướng khác nhau. Ví dụ, tất cả các công dân trên cả nước nếu quan tâm, có thể đến tham quan các nhà máy điện hạt nhân, xem cách thức sản suất điện hạt nhân và được các chuyên gia lý giải về vấn đề an toàn, cũng như lợi ích kinh tế - xã hội mà chúng mang lại.Tại các trung tâm thông tin, truyền thông của ROSATOM ngoài việc in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền cho mọi lứa tuổi, trình độ văn hóa khác nhau, ở đây còn tổng hợp công khai tất cả những hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, từ công suất phát điện, đại tu, sữa chữa, đến các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền của Nga và quốc tế...

Chia sẻ về vai trò của truyền thông đối với phát triển điện hạt nhân, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, thông tin phải đến được với người dân, phải xây dựng văn hóa an toàn an ninh ở các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân. IAEA khuyến cáo và coi công tác thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển điện hạt nhân một cách an toàn, hiệu quả, an ninh. Cùng với kế hoạch chuẩn bị xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam, công tác thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân cũng được các cơ quan trung ương và địa phương đặt ra ở tầm quan trọng.

 

Phòng thông tin về điện hạt nhân tại trụ sở EVNNPB đã đón hàng trăm lượt khách từ Trung ương tới địa phương đến tham quan

Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến chương trình điện hạt nhân là sự cam kết của chính phủ (ủng hộ chính trị) và sự chấp thuận của dân chúng. Gần đây, IAEA dùng khái niệm chung là “Public Acceptance and Political Support” (Sự chấp nhận của công chúng và sự ủng hộ chính trị). Đối với các nước bắt đầu chương trình điện hạt nhân, trong đó có Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách và công chúng thường theo dõi tình hình và xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới, coi đó là một trong những nguồn thông tin tham khảo cần thiết cho việc hoạch định và ủng hộ chính sách phát triển điện hạt nhân của nước mình. Điều này cho thấy rất rõ qua việc số nước có kế hoạch phát triển điện hạt nhân đã giảm sau khi xảy ra tai nạn hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. 

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Lê Doãn Phác, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử thì cần phải chú trọng công tác thông tin tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam để cho công chúng (kể cả các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, quản lý) hiểu rõ tại sao Việt Nam cần phải phát triển điện hạt nhân. Đồng thời cung cấp thông tin xác thực về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Trong đó dẫn ra một số nước, đặc biệt là các nước đang phát triển được dự báo là nhu cầu năng lượng, nhu cầu điện năng tăng cao trong thế kỷ 21, vẫn tiếp tục duy trì tốc độ phát triển điện hạt nhân.

Cùng với việc phát triển điện hạt nhân, công tác tuyên truyền đối với điện hạt nhân là rất quan trọng. Do vậy, cần tuyên truyền, tạo sự nhận thức và hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thành công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như phát triển điện hạt nhân một cách bền vững ở Việt Nam.

Bài, ảnh: Bảo Chi