Bản in
Tăng cường quản lý an toàn bức xạ hạt nhân: Cần sự phối hợp liên ngành
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết thanh tra về (ATBXHN) năm 2010 cho thấy, gần 30% trong tổng số 1.577 cơ sở được thanh tra trên toàn quốc vi phạm quy định báo cáo định kỳ hàng năm về thực trạng an toàn bức xạ với cơ quan quản lý. Đặc biệt, nhiều địa phương như Bắc Cạn, Lai Châu, Trà Vinh, Hà Nội vi phạm này là xấp xỉ 100%.

Xử phạt vi phạm hành chính 195 cơ sở gần  1,3 tỷ đồng

Ông Trần Minh Dũng (Chánh thanh tra bộ KH&CN) cho biết, tổng số cơ sở được thanh tra về ATBX trên toàn quốc là 1.577 cơ sở, trong đó có 1.370 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang trong chẩn đoán, khám chữa bệnh (86,8%), 207 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trong sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, đào tạo (chiếm 13,2%).

 

Đoàn thanh tra đã xử phạt 195 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 1.3 tỷ đồng. Cụ thể, có 11,7% cơ sở vi phạm quy định về khai báo, xin cấp giấy phép; 8,3% cơ sở vi phạm quy định về kiểm soát liều chiếu xạ; 13,3% cơ sở vi phạm quy định về liều kế cá nhân; 10,2% vi phạm về kiểm định, hiệu chuẩn. Đặc biệt, 19,6% cơ sở vi phạm về chứng chỉ viên bức xạ và 27,6% không báo cáo định kỳ hàng năm về thực trạng ATBX với cơ quan quản lý nhà nước.

 

Ông Dũng cũng cho biết, một số cơ sở tiến hành công việc bức xạ nhận thiết bị bức xạ nhưng không khai báo, không làm thủ tục xin cấp giấy phép nhưng vẫn đưa vào sử dụng trong khi cơ quan quản lý không biết. Nguyên nhân do sự phối hợp thông tin về việc nhập khẩu, cấp thiết bị giữa ngành Y tế, Hải quan và KH&CN chưa được cập nhật kịp thời, cơ quan quản lý ATBXHN không nắm được thông tin để chủ động thông báo nhắc nhở cơ sở làm thủ tục khai báo, xin cấp giấy phép.

 

Tuy nhiên,cũng có nhiều trường hợp nhân viên bức xạ (vận hành máy X-quang) cùng lúc làm việc cho nhiều cơ sở nhưng chưa có quy định cho đối tượng này trong việc trang bị liều kế, đọc liều và đánh giá liều xạ. Cũng chưa có văn bản nào quy định xử lý cụ thể nhận viên bức xạ không đeo liều kế cá nhân khi làm việc.

 

Đặc biệt, có những cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế trong nhiều năm không có giấy phép tiến hành công việc bức xạ do có khó khăn về kiểm tra chất lượng máy để làm thủ tục cấp (giá kiểm tra máy cao, đơn vị dịch vụ kiểm tra chất lượng máy khất lần do vùng sâu, xa đi lại khó khăn).

 

Giải pháp tăng cường quản lý ATBX

 

Ông Đặng Thanh Lương- Phó Cục trưởng Cục ATBXHN cho biết, hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATBX đã được phân cấp để đảm bảo công tác quản lý ATBXHN. Các sở KH&CN chịu trách nhiệm quản lý và cấp phép cho các cơ sở X – quang y tế hoạt động trên địa bàn địa phương. Theo thống kê của các sở KH&CN, số cơ sở X-quang y tế hiện nay chiếm hơn 85% các cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ trong cả nước.

 

Vì vậy, dể tăng cường công tác thanh tra về KH&CN, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân chỉ đạo,trong thời gian tới cần tập trung nghiên cứu và thực hiện những vấn như:

 

Trước hết, cần xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực ATBX. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn khá mới nên việc xây dựng các văn bản này gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan đại chúng của Trung ương và địa phương có những chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của xã hội đối với vấn đề này.

 

Vấn đề thứ 2 là đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý về ATBX. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ, hiện nay có nhiều cán bộ trong các bệnh viện, cơ sở công nghiệp, phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu chưa được đào tạo bài bản và chưa được cấp chứng chỉ,… Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý ATBXHN, cần có sự phối hợp liên ngành giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan,… và các cơ quan khác.

 

Một vấn đề cũng rất quan trọng được Thứ trưởng đưa ra là tiềm lực trong lĩnh vực ATBXHN. Nguồn lực này tại các địa phương đang rất ít và chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, cơ sở vật còn nghèo nàn, thiếu thốn. Thứ trưởng nhấn mạnh “không thể làm tốt công tác quản lý nếu chúng ta không có một hệ thống dịch vụ kỹ thuật thích hợp”.

 

Hiện nay, các địa phương chưa có hệ thống dịch vụ kỹ thuật có thể đáp ứng việc kiểm tra, kiểm định các trang thiết bị này. Đây chắc chắn là khó khăn lớn đối với công tác thanh tra, khó xác định mức độ vi phạm về mức độ an toàn, kiều kế cá nhân,… Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đầu tư tiềm lực, điều kiện trang thiết bị cho các bộ phận có liên quan. Thứ trưởng cũng đồng ý với ý kiến nên thành lập các trung tâm dịch vụ kỹ thuật Vùng của đại biểu một số địa phương và cho biết thời gian tới có thể sẽ có thêm một số trung tâm kỹ thuật, ngoài các trung tâm đã có hiện nay.

 

Một trọng tâm nữa theo Thứ trưởng là phải có sự quan tâm cao hơn của lãnh đạo Trung ương và địa phương, không chỉ các lãnh đạo sở KH&CN mà cả các sở, ban ngành khác. Qua Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các đồng chí lãnh đạo sở KH&CN được cơ cấu vào Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ hoặc Thành ủy các thành phố đã tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước. Theo Thứ trưởng, đây là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương và địa phương với lĩnh vực KH&CN, tạo điều kiện để phát triển KH&CN địa phương và góp phần phát triển ngành KH&CN nói chung.

                                                                   Nguyễn Hạnh