Bản in
Việt Nam tích cực chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), phát triển điện hạt nhân góp phần đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng và tăng cường khả năng độc lập về năng lượng. Là một quốc gia bắt đầu chương trình điện hạt hân, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển điện hạt nhân.

Xu hướng phát triển điện hạt nhân

Nhiều quốc gia đã lựa chọn điện hạt nhân nằm trong quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia. Từ giữa thế kỷ 20 điện hạt nhân mới bắt đầu đưa vào ứng dụng, cho đến nay theo thống kê điện hạt nhân chiếm 17% về sản lượng năng lượng điện của thế giới. 

Tính đến năm 2014, trên thế giới có 436 lò phản ứng đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất là 373.504 MW. Các nước có số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động nhiều nhất là Mỹ (100 lò), Pháp (58 lò), Nhật (48 lò), Nga (33 lò), Hàn Quốc (23 lò)… Đặc biệt, hiện có 71 lò phản ứng (tổng công suất đặt là 67.682 MW) đang được xây dựng tại 16 nước, trong đó có 2 nước bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên là Belarus và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới từ nay đến năm 2050 được ước tính trong hai trường hợp thấp và cao với độ phân kỳ khá lớn. Trong ngắn hạn, giá khí tự nhiên thấp và tác động của việc tăng công suất các nguồn năng lượng mới được trợ cấp dự đoán sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng điện hạt nhân tại một số khu vực các nước phát triển. Giá khí tự nhiên thấp một phần do nhu cầu thấp do kết quả của các điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như các tiến bộ công nghệ. Hơn nữa, khủng hoảng tài chính đang tiếp tục diễn ra là thách thức cho các dự án đòi hỏi vốn lớn như điện hạt nhân

Về lâu dài, tăng trưởng dân số và nhu cầu điện năng ở các nước đang phát triển cũng như những lo ngại về biến đổi khí hậu, an ninh cung cấp năng lượng và biến động giá các loại nhiên liệu khác, tiếp tục khẳng định tổng công suất phát điện hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng.

Thách thức trong phát triển điện hạt nhân

Ông Lê Doãn Phác, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, đối với các quốc gia bắt đầu chương trình điện hạt nhân, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp như Việt Nam, việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trung bình mất khoảng 15 năm. Thời gian thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể rút xuống còn 10 năm  đối với các quốc gia có cơ sở hạ tầng kỹ thuật cao. Trên thực tế, có những quốc gia đã có nhà máy điện hạt nhân nhưng vẫn phải mất nhiều năm để đạt được sự đồng thuận trong nước, để từ đó Quốc hội, Chính phủ có thể phê chuẩn dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân (thậm chí là một tổ máy điện hạt nhân) mới.

Phối cảnh Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (ảnh: internet)

Trong quá trình thực hiện, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nhân lực, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp...  Cụ thể, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, lớn về quy mô và đầu tư, đặc biệt về bảo đảm an toàn và an ninh, thời gian chuẩn bị (10-15 năm) và xây dựng (5-6 năm) dài, mang tính rủi ro cao. 

Trong khi đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân. Xét về tổng thể, cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đòi hỏi một thời gian dài. Cùng với đó là hệ thống luật pháp quốc gia chưa hoàn chỉnh, nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiên đang được khẩn trương nghiên cứu, xây dựng.

Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hiện, nguồn nhân lực thiếu cả về số lượng và chất lượng trong nhiều lĩnh vực liên quan như: quản lý dự án, pháp quy hạt nhân, nghiên cứu và triển khai, giáo dục và đào tạo. Năng lực của các tổ chức nghiên cứu và triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, giáo dục và đào tạo, cũng như các ngành công nghiệp liên quan trong nước còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn và chủ yếu dựa vào vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp của các đối tác. Hơn nữa, để thực hiện việc bảo đảm an toàn, an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân đòi hỏi Việt Nam phải ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về hạt nhân. Khó khăn nữa là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được triển khai thực hiện trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn, cũng như tác động của sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản.

Từ những khó khăn trên, ông Lê Doãn Phác cho rằng công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần phải tiến hành trong một thời gian dài, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của công chúng. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt nam cần phải thực hiện chặt chẽ, việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 phải: bảo đảm an toàn, an ninh cao nhất, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng và phù hợp tài liệu hướng dẫn của IAEA và dự án phải có hiệu quả kinh tế.

Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng không thể phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn năng lượng. Các nhà quản lý luôn phải tính đến phương án rủi ro khi một loại năng lượng nào đó ngừng hoạt động, phải có một loại năng lượng khác thay thế.

Để thực hiện được lộ trình đặt ra, ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho rằng, phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân là yếu tố quan trọng và then chốt và đòi hỏi rất cao về các điều kiện an toàn. Để khắc phục khó khăn này, hiện nay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thông qua các đề án, dự án để nâng cao nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân cho các bộ ngành, các đầu mối liên quan. Công tác này đang được tập trung cao độ có thể đào tạo các kỹ sư từ các sinh viên tài năng. Đồng thời đào tạo cập nhật các thông tin điện hạt nhân cho các kỹ sư, cán bộ đang công tác tại Việt Nam. Tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ đang thực thi quản lý nhà nước, cán bộ quản lý kỹ thuật. Đối với việc đào tạo công nhân kỹ thuật liên quan đến điện hạt nhân đã có kế hoạch triển khai rộng rãi ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Việc đào tạo tại các trường đại học ở nước ngoài đang được triển khai đồng loạt.

Điện hạt nhân có nhiều điểm ưu việt so với các dạng năng lượng khác, góp phần đảm bảo ổn định và tăng cường an ninh năng lượng của Việt Nam cho các giai đoạn phát triển trong tương lai. Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ chỉ quyết định khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sau khi cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực được chuẩn bị đầy đủ theo hướng dẫn của IAEA và kinh nghiệm quốc tế. 

Bài, ảnh: Bảo Chi