|
|||
Thay đổi nhận thức Con số thống kê gần đây của ngành giáo dục cho thấy phần lớn sinh viên theo học chuyên ngành điện hạt nhân tại các cơ sở đào tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều xét tuyển qua nguyện vọng 2. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của xã hội đối với ngành điện hạt nhân là chưa tương xứng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị vào công tác tuyên truyền nghề. Làm tốt công tác tuyên truyền để xã hội có sự nhìn nhận đúng đắn về vị trí thang bậc xã hội, từ đó có thái độ đúng đắn hơn về vị trí nghề trong xã hội; tuyên truyền về năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo và các cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp để thanh niên yên tâm chọn nghề. Chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực Nhiều chuyên gia về năng lượng nguyên tử cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này bởi hiện nay, Việt Nam chưa đủ điều kiện cần thiết để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hệ thống pháp lý ở thời điểm này của nước ta chưa đủ chặt chẽ để thực hiện việc giám sát an toàn. Một số văn bản quan trọng còn đang trong quá trình xây dựng hoặc chưa hoàn thiện để ban hành, như Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, một số nghị định, thông tư, các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật an toàn. Bộ KH&CN cho biết đang khẩn trương sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành với nhiều thay đổi lớn để có thể trình Quốc hội và ban hành vào năm 2015. Dự kiến, luật sẽ được sửa theo hướng thống nhất về thẩm quyền cấp phép và trách nhiệm thẩm định, giám sát nhà máy điện hạt nhân. Như vậy, có thể khắc phục được bất cập lớn hiện nay: Bộ KH&CN là nơi thẩm định, giám sát nhưng Bộ Công thương lại là cơ quan cấp phép. Về nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, Bộ KH&CN cũng cho biết, Việt Nam còn thiếu chuyên gia đầu ngành về công nghệ và an toàn hạt nhân. Để bảo đảm vận hành một nhà máy an toàn, một chương trình đào tạo nhân lực bài bản, lâu dài là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo ở nước ta còn mang tính dàn trải và thiếu tính chiến lược. Bổ sung để lấp lỗ hổng Theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử, Việt Nam có 7 cơ sở đào tạo về điện hạt nhân, gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện Vật lý, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường ĐH Điện lực. Ngoài ra, một số đơn vị khác như Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Bộ KH&CN cũng có chương trình đào tạo riêng. Tuy nhiên, cách thức tổ chức đào tạo ngành này hiện nay đang là vấn đề gây nhiều băn khoăn. GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia cho rằng: Điện hạt nhân là một công nghệ đa ngành và phức tạp, còn các trường đại học vẫn thiên về đào tạo chuyên ngành hẹp. Chính đội ngũ giảng viên cũng ít người đủ điều kiện được đào tạo bài bản về hạt nhân. Theo GS Hiển, chúng ta cần sớm xây dựng các trung tâm đào tạo đa ngành để có thể cung cấp nguồn nhân lực ở ba đối tượng. Thứ nhất là các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư lành nghề. Thứ hai là các chuyên gia cao cấp có khả năng xét duyệt đề án điện hạt nhân và thanh sát việc xây dựng và xử lý khi có trục trặc. Cùng với đó là đội ngũ quản lý có kiến thức quản lý công nghệ hiện đại. Các cơ sở đào tạo sẽ được đầu tư đúng mức để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho điện hạt nhân. Bên cạnh sự hạn chế về số lượng giảng viên, đội ngũ cán bộ của các trường cũng hầu hết không thuộc chuyên ngành công nghệ điện hạt nhân. Đó là chưa kể đến những yếu kém về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và điều kiện thực tập cho sinh viên. Đại diện nhiều trường ĐH cho biết, hiện các chương trình đào tạo và sinh viên vẫn chưa được thụ hưởng những ưu đãi rất lớn từ chính sách dành cho đào tạo nhân lực điện hạt nhân. Các học bổng hầu hết được lấy từ kinh phí của các trường để khuyến khích sinh viên nhằm thu hút đầu vào chất lượng cao. Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được triển khai từ năm 2010, với tổng kinh phí thực hiện là 3.000 tỷ đồng (trong đó sử dụng từ ngân sách nhà nước là 2.000 tỷ đồng). Một đề án riêng nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Tới thời điểm này mới chỉ có hơn 10 tỷ đồng được giải ngân. Sự chậm trễ này là do kinh phí phải "đi vòng": Đề xuất qua Bộ GD-ĐT rồi mới được đưa tới Bộ Tài chính để phê duyệt. Để tránh tình trạng này, Bộ KH&CN đã phải nhiều lần kiến nghị được chủ động đề xuất kinh phí sang Bộ Tài chính. Trong khi đó, các chuyên gia đều khẳng định, để có được nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, việc đưa các chuyên gia ra nước ngoài học tập và tham gia các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế là tất yếu. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành, việc này vướng phải một rào cản lớn: Đội ngũ chuyên gia còn yếu, thiếu kiến thức cơ bản về điện hạt nhân nên không đủ trình độ tiếp thu những vấn đề khó từ chuyên gia nước ngoài. Đó là bất cập lớn trong nguồn nhân lực điện hạt nhân hiện nay, khiến nhân lực trở thành yếu tố phải cân nhắc khi quyết định thời điểm xây dựng một nhà máy. Tăng cường hợp tác quốc tế Ở Việt Nam, ngành điện hạt nhân là một ngành mới, vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm chất lượng và an toàn trong xây dựng, sản xuất điện hạt nhân. Cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, người lao động theo từng công việc: nguồn nhân lực để xây dựng nhà máy, nguồn chuyên gia nghiên cứu triển khai và xử lý kỹ thuật, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, nhân lực cho giáo dục và đào tạo lĩnh vực điện hạt nhân. Điện hạt nhân thuộc lĩnh vực an toàn, an ninh quốc gia, vì vậy, cần coi trọng giáo dục phẩm chất, thái độ, kỷ luật, ý thức, bản lĩnh chính trị cho người lao động. Hơn nữa, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tác phong công nghiệp, tinh thần hợp tác, khả năng thích nghi của mỗi cá nhân ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động của đơn vị và của quốc gia nên bên cạnh việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc thợ đáp ứng cơ bản yêu cầu của người lao động và người sử dụng lao động, cần đặt tiêu chí cụ thể về mặt phẩm chất cho người lao động lĩnh vực này nói riêng, các lĩnh vực liên quan đến an toàn, an ninh quốc gia nói chung. |