|
|||
So với kế hoạch ban đầu là khởi công vào cuối năm 2014, khoảng thời gian lùi lại có thể mất từ 3 đến 5 năm hoặc lâu hơn nữa, phụ thuộc không nhỏ vào việc khắc phục những bất cập về nguồn nhân lực và việc đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân. Cần thêm thời gian chuẩn bị Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, việc lùi thời điểm khởi công Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là một việc làm hoàn toàn cần thiết để có thêm thời gian chuẩn bị cho hai vấn đề trọng tâm là nguồn nhân lực và hệ thống văn bản pháp quy bảo đảm hạt nhân, bao gồm cả việc lựa chọn công nghệ bảo đảm những giải pháp an toàn ở mức cao nhất đối với việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Điều đó cũng có nghĩa là tổ máy đầu tiên của Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ không phát điện vào năm 2020 như kế hoạch đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt. Nhiều chuyên gia về năng lượng nguyên tử cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này bởi hiện nay, Việt Nam chưa đủ điều kiện cần thiết để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Hệ thống pháp lý ở thời điểm này của nước ta chưa đủ chặt chẽ để thực hiện việc giám sát an toàn. Một số văn bản quan trọng còn đang trong quá trình xây dựng hoặc chưa hoàn thiện để ban hành, như Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, một số nghị định, thông tư, các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật an toàn. Bộ KH&CN cho biết đang khẩn trương sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành với nhiều thay đổi lớn để có thể trình Quốc hội và ban hành vào năm 2015. Dự kiến, luật sẽ được sửa theo hướng thống nhất về thẩm quyền cấp phép và trách nhiệm thẩm định, giám sát nhà máy điện hạt nhân. Như vậy, có thể khắc phục được bất cập lớn hiện nay: Bộ KH&CN là nơi thẩm định, giám sát nhưng Bộ Công thương lại là cơ quan cấp phép. Về nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, Bộ KH&CN cũng cho biết, Việt Nam còn thiếu chuyên gia đầu ngành về công nghệ và an toàn hạt nhân. Để bảo đảm vận hành một nhà máy an toàn, một chương trình đào tạo nhân lực bài bản, lâu dài là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo ở nước ta còn mang tính dàn trải và thiếu tính chiến lược. Nhân lực - lỗ hổng lớn Theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử, Việt Nam có 7 cơ sở đào tạo về điện hạt nhân, gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện Vật lý, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường ĐH Điện lực. Ngoài ra, một số đơn vị khác như Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Bộ KH&CN cũng có chương trình đào tạo riêng. Tuy nhiên, cách thức tổ chức đào tạo ngành này hiện nay đang là vấn đề gây nhiều băn khoăn. GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia cho rằng: Điện hạt nhân là một công nghệ đa ngành và phức tạp, còn các trường ĐH vẫn thiên về đào tạo chuyên ngành hẹp. Chính đội ngũ giảng viên cũng ít người đủ điều kiện được đào tạo bài bản về hạt nhân. Theo GS Hiển, chúng ta cần sớm xây dựng các trung tâm đào tạo đa ngành để có thể cung cấp nguồn nhân lực ở ba đối tượng. Thứ nhất là các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư lành nghề. Thứ hai là các chuyên gia cao cấp có khả năng xét duyệt đề án điện hạt nhân và thanh sát việc xây dựng và xử lý khi có trục trặc. Cùng với đó là đội ngũ quản lý có kiến thức quản lý công nghệ hiện đại. Bên cạnh sự hạn chế về số lượng giảng viên, đội ngũ cán bộ của các trường cũng hầu hết không thuộc chuyên ngành công nghệ điện hạt nhân. Đó là chưa kể đến những yếu kém về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và điều kiện thực tập cho sinh viên. Đại diện nhiều trường ĐH cho biết, hiện các chương trình đào tạo và sinh viên vẫn chưa được thụ hưởng những ưu đãi rất lớn từ chính sách dành cho đào tạo nhân lực điện hạt nhân. Các học bổng hầu hết được lấy từ kinh phí của các trường để khuyến khích sinh viên nhằm thu hút đầu vào chất lượng cao. Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được triển khai từ năm 2010, với tổng kinh phí thực hiện là 3.000 tỷ đồng (trong đó sử dụng từ ngân sách nhà nước là 2.000 tỷ đồng). Một đề án riêng nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Tới thời điểm này mới chỉ có hơn 10 tỷ đồng được giải ngân. Sự chậm trễ này là do kinh phí phải "đi vòng": Đề xuất qua Bộ GD-ĐT rồi mới được đưa tới Bộ Tài chính để phê duyệt. Để tránh tình trạng này, Bộ KH&CN đã phải nhiều lần kiến nghị được chủ động đề xuất kinh phí sang Bộ Tài chính. Trong khi đó, các chuyên gia đều khẳng định, để có được nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, việc đưa các chuyên gia ra nước ngoài học tập và tham gia các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế là tất yếu. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành, việc này vướng phải một rào cản lớn: Đội ngũ chuyên gia còn yếu, thiếu kiến thức cơ bản về điện hạt nhân nên không đủ trình độ tiếp thu những vấn đề khó từ chuyên gia nước ngoài. Đó là bất cập lớn trong nguồn nhân lực điện hạt nhân hiện nay, khiến nhân lực trở thành yếu tố phải cân nhắc khi quyết định thời điểm xây dựng một nhà máy.
|