Bản in
Phát triển nhân lực cho chương trình hạt nhân ở Việt Nam
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT, Bộ KH&CN khẳng định, nguồn nhân lực hiện đang là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên tại nước ta. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để hoàn thiện Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở điện hạt nhân.

Chính sách ưu đãi

Ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nhận thức tầm quan trọng của công tác phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 ban hành Đề án phát triển nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Mục tiêu chính của Đề án là đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân, yêu cầu phát triển, ứng dụng an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Đề án xác định rất rõ nhu cầu nhân lực cho các tổ chức, các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân như chủ đầu tư, cụ thể là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN); các cơ quan quản lý như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương; các cơ quan nghiên cứu phát triển và các cơ sở đào tạo. Đề án cũng đã giao nhiệm vụ cho 7 cơ sở có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân cho đất nước là Đại học Điện lực, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt, Đại học Đà Nẵng và Trung tâm Đào tạo hạt nhân của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là 3.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ chi 2.000 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng còn lại do chủ đầu tư là EVN chi.

Trên cơ sở Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bộ, ngành cũng như chủ đầu tư đều đã xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực theo nhiệm vụ được giao trong chương trình phát triển điện hạt nhân. Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng đã có kế hoạch đào tạo nhân lực như gửi cán bộ, nghiên cứu sinh ra nước ngoài tham quan, học tập mô hình đào tạo của quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã gửi cán bộ sang các nước đối tác phát triển điện hạt nhân là Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác để học tập về chuyên ngành, chuyên môn quản lý, pháp quy, nghiên cứu phát triển, thẩm định an toàn, thanh tra an toàn…

Theo Đề án, giải pháp thực hiện tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích người dạy, người học, người làm việc trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất giáo dục đào tạo; đột phá về nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia, đội ngũ giảng viên; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, quản lý, ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Tháng 10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2013/NĐ-CP quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí; được cấp sinh hoạt phí hàng tháng theo mức đào tạo và xếp loại học lực;..

Đây là một trong những chính sách ưu đãi của Chính phủ mới được ban hành để góp phần hỗ trợ cho người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển nguồn nhân lực: phải đi trước một bước

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), có ba bước chính để đạt được năng lực bền vững về nguồn nhân lực cho bất kỳ chương trình nào đó là: phát triển cơ sở hạ tầng nhân lực cần thiết, xây dựng năng lực, phát triển và duy trì năng lực.

Đã có hàng trăm lượt người đến phòng Thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân của Ban QLDA ĐHN Ninh Thuận tìm hiểu về sự cần thiết của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

 Quan điểm của Đề án phát triển nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là phát triển nguồn nhân lực phải đi trước một bước, nhà nước có chương trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực. Đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển điện hạt nhân và yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến tháng 3/2013, Bộ KH&CN đã hoàn thành tổng hợp thống kê hiện trạng và xác định nhu cầu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến năm 2020 (có trình độ đại học trở lên). Số lượng nhân lực điện hạt nhân hiện nay là 300 người, trong đó Bộ KH&CN (195 người) và EVN là 105 người. Trong khi đó nhu cầu nhân lực điện hạt nhân đến năm 2020 là trên 3350 người.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, dự kiến đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ sản xuất 15.000MW điện hạt nhân, chiếm 10% tổng sản lượng điện trong cả nước. Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để phục vụ cho 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận (sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020) là khoảng 2.200 người.

Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai đồng thời ba chương trình lớn cho phát triển điện hạt nhân đó là xây dựng các văn bản pháp quy về điện hạt nhân; xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình đào tạo phát triển nhân lực; chuẩn bị đầu tư, xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận...

Tại Hội thảo “Phát triển nhân lực cho chương trình hạt nhân ở Việt Nam được tổ chức mới đây, PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết, công tác đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân của các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu phòng thí nghiệm, thực nghiệm và thiếu cả giáo viên, bởi lâu nay chủ yếu là đào tạo ngành vật lý hạt nhân, vì vậy cần phải đào tạo thêm công nghệ hạt nhân cho giáo viên. Có hàng trăm sinh viên được EVN, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đi đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân.

Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ.

Chia sẻ về vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho biết: Ngoài việc ưu đãi về lương cần phải tạo dựng một môi trường làm việc tốt để cán bộ làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có thể phát huy được năng lực của mình. Cùng với đó là công tác truyền thông về năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân cũng cần phải được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận sâu rộng trong cộng đồng xã hội về chủ trương phát triển điện hạt nhân và việc tuyên truyền về các chính sách ưu đãi cho cán bộ học và làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử cần đẩy mạnh hơn nữa.

Bài, ảnh: Mai Chi