Bản in
Hợp tác quốc tế, tạo nguồn lực phát triển lĩnh vực NLNT
Nói về Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (NLNT) Lê Doãn Phác cho biết, nhiệm vụ của công tác hợp tác quốc tế (HTQT) trong lĩnh vực NLNT trước hết là làm cho cộng đồng quốc tế hiểu được quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam về ứng dụng và phát triển NLNT vì mục đích hoà bình, tạo điều kiện cho việc chuyển giao tri thức, công nghệ và đầu tư vào Việt Nam.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế

Ông Phác cho biết, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ các Công ước và Điều ước quốc tế đã ký kết, tích cực nghiên cứu tham gia các Công ước và Điều ước quốc tế khác có liên quan đến NLNT. Hợp tác chặt chẽ và toàn diện với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đẩy mạnh các hợp tác đa phương và song phương với các nước và các tổ chức quốc tế, tạo môi trường thuận lợi nhất để khai thác tối đa kinh nghiệm và sự trợ giúp của các nước tiên tiến.

Theo đó, HTQT là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển ngành NLNT của Việt Nam. HTQT phải góp phần giữ vững môi trường hoà bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho phát triển ngành NLNT ở Việt Nam, góp phần vào việc sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia…Ngoài việc mở rộng và tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ (KH&CN), cần có kế hoạch hợp tác với các tổ chức tài chính, công nghiệp và thương mại của các nước và quốc tế có khả năng hỗ trợ cho chương trình phát triển, ứng dụng NLNT của Việt Nam.

"Quy mô hợp tác cần đi từ thấp đến cao, trước mắt tập trung xây dựng các dự án HTQT có quy mô nhỏ và vừa phù hợp với năng lực KH&CN, khả năng tài chính của Việt Nam, có khả năng ứng dụng thương mại và mang lại lợi ích cho các bên tham gia", ông Phác nói.

Được biết, trong những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia đã tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực NLNT với mục đích: Kiểm soát và bảo đảm được rằng: các hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng NLNT của Việt Nam là vì mục đích hòa bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân; Bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân trong khu vực và trên thế giới; Tăng cường sự hợp tác tin cậy lẫn nhau trong các quan hệ hợp tác đa phương, song phương trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế; Thu được lợi ích kinh tế to lớn và lâu dài, phát triển KH&CN, công nghiệp của quốc gia đối tác.

Đa dạng các hình thức hợp tác

HTQT phục vụ cho phát triển ĐHN ở Việt Nam. HTQT không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà còn mang lại các lợi ích cho các đối tác. Về hợp tác đa phương, hiện Việt Nam là quốc gia thành viên của IAEA, Tổ chức Hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân (RCA), Diễn đàn Hợp tác hạt nhân Châu Á (FNCA). 

 Bộ KH&CN phối hợp với IAEA tổ chức hội thảo phát triển CSHT điện hạt nhân (8/2012)

Về hợp tác song phương, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ về Hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử với Ấn Độ (1986), Hàn Quốc (1996), Trung Quốc (2000), Achentina (2001), Nga (2002), Pháp (2009), Nhật Bản (2011) và Hoa Kỳ (ký tháng 10/2013). 

Đối với Dự án điện hạt nhânNinh Thuận, Việt Nam ký với Nga Hiệp định Hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào tháng 10/2010 và ký với Nhật Bản Thỏa thuận Hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vào tháng 10/2011.

Đồng thời, Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế như: Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (1982); Hiệp định Thanh sát hạt nhân (1989); Công ước Thông báo nhanh sự cố hạt nhân (1987); Công ước Trợ giúp khi có sự cố hạt nhân (1987); Hiệp ước phi vũ khí hạt nhân khu vực Đông Nam Á (1995); Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện ký 1996, phê chuẩn 2006; Nghị định thư bổ sung (AP) (ký 8/2007, phê chuẩn 9/2012); Công ước An toàn hạt nhân (4/2010); Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (4/2010); Công ước bảo vệ thực thể hạt nhân và Phần sửa đổi (9/2012); Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ (10/2013).

“Việc phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (AP) và tuyên bố tham gia Công ước bảo vệ thực thể hạt nhân và phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước này trong tháng 9/2012, ký Hiệp định hợp tác sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình (gọi tắt là Hiệp định 123) với Hoa Kỳ là những bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể nhận được công nghệ, vật liệu hạt nhân từ một số đối tác quốc tế”, ông Lê Doãn Phác cho hay. 

Hợp tác quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu phát triển ĐHN ở Việt Nam, trong đó có Dự án Nghiên cứu tổng quan phát triển ĐHN ở Việt Nam (1997-1999), Lập Báo cáo Đầu tư (2002-2009) và hiện nay là lập báo cáo Dự án Đầu tư xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Về kết quả hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Lê Doãn Phác cho biết: ngày 22/2/2011 Việt Nam và IAEA đã ký Chương trình khung quốc gia (CPF) giai đoạn 2011-2015 với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, trong đó có phát triển ĐHN.

Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam thực hiện 7 dự án hợp tác kỹ thuật, tham gia 41 dự án vùng, liên vùng. Giai đoạn 2012-2013 Việt Nam thực hiện 7 dự án hợp tác kỹ thuật, tham gia 43 dự án vùng, liên vùng do IAEA tài trợ, trong đó có nhiều dự án liên quan đến ĐHN. 

IAEA hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) và Kế hoạch tổng thể tích hợp (IMP) để xây dựng cơ sở hạ tầng ĐHN quốc gia. Đồng thời, IAEA đã thiết lập quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, công ty liên quan của Việt Nam với của các nước Nga, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Ấn Độ, Bungary, Trung Quốc, Hungary… Một số nước đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về NLNT và ĐHN. Nhiều đoàn cấp cao, đại diện chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã thăm quan nhà máy ĐHN ở một số nước.

Từ năm 2010 đến 2013, Việt Nam đã cử 259 sinh viên đào tạo đại học theo các chuyên ngành liên quan đến nhà máy ĐHN tại Nga và sẽ tiếp tục cử sinh viên sang Nga đào tạo. Trong năm 2012 đã cử 116 cán bộ của các cơ sở đào tạo sang thực tập tại Hungary. Hàng trăm lượt cán bộ quản lý, cán bộ khoa học đã được cử đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài. Hiện nay chúng ta đang đàm phán với Nhật Bản về việc cử 100 sinh viên sang đào tạo đại học tại Nhật Bản. Nga đã giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân.

Ông Lê Doãn Phác khẳng định, sự kiện Việt Nam kết thúc Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt một lần nữa khẳng định Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình và có trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn, an  ninh hạt nhân. Đồng thời, củng cố lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Việt Nam. Qua sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam hoàn thành thực hiện cam kết trong các Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất và lần thứ hai. 

Cùng với việc Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư bổ sung và tuyên bố tham gia Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi (tháng 9/2012) việc hoàn thành Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt đã góp phần thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ đi đến ký tắt Hiệp định 123 (tháng 10/2013).

Bài, ảnh: Phương Nga