|
|||
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến về những cơ chế, chính sách phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam cũng như những giải pháp của Bộ để đảm bảo triển khai thành công dự án điện hạt nhân trong thời gian tới. Phóng viên: Chính sách nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đã được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Chính sách của Việt Nam rất nhất quán là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Về phương diện quốc tế, Việt Nam đã tham gia hầu hết điều ước và công ước quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh và không phổ biến. Đây là những nội dung chúng ta cam kết với thế giới trong việc sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình.
Về luật pháp và chính sách trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Tiếp đó là Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội thông qua năm 2008, trong đó có các chương, điều thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc sử dụng NLNT vì mục đích hòa bình.
- Khi xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân, điều mà mọi người quan tâm nhất là tính an toàn. Vậy giải pháp của Bộ KH&CN đối với vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Vấn đề an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân được quốc tế hết sức quan tâm. Với Việt Nam, đây cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu khi phát triển điện hạt nhân, nhất là sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản.
Hiện nay theo Luật Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN là cơ quan sẽ thẩm định về an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân. Vì thế, Bộ KH&CN đã tập trung vào xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo an toàn, an ninh cho phát triển điện hạt nhân. Đồng thời xây dựng năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân là Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Chúng tôi đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều nước trên thế giới trong việc gửi đào tạo nguồn nhân lực. IAEA cũng đã khuyến cáo là phải đảm bảo xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân mang tính độc lập, có đủ thẩm quyền để phục vụ cho quá trình phát triển điện hạt nhân đảm bảo an toàn, an ninh. Đây là những vấn đề rất quan trọng đối với một quốc gia khi phát triển điện hạt nhân.
Việc xây dựng một cơ quan pháp quy độc lập chắc chắn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là việc thanh tra, giám sát. Ở Việt Nam, liệu với một cơ quan như Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thì so với cơ quan pháp quy độc lập của Nhật Bản đã ngang tầm chưa và khả năng độc lập đến đâu, thưa ông?
Việc xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập đủ thẩm quyền là cả một quá trình. Tại các quốc gia, kể cả những nước phát triển điện hạt nhân như Nhật Bản, thời gian qua đã rút kinh nghiệm từ sự cố Fukushima và đã có quyết định coi cơ quan này là cơ quan pháp quy độc lập. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đợi như Nhật Bản mà phải rút kinh nghiệm từ phía Nhật Bản để sớm tăng cường năng lực và giao độc lập cho cơ quan pháp quy hạt nhân. Đây là cả lộ trình, trước hết là phải xây dựng cho cơ quan đó cả về nâng cao năng lực nguồn nhân lực, cũng như hạ tầng kỹ thuật để có thể thực sự đảm đương được nhiệm vụ độc lập, chức năng độc lập của cơ quan pháp quy theo khuyến cáo của IAEA.
Đến thời điểm này, thông tin mới nhất về đào tạo nguồn nhân lực là gì, thưa ông?
Để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực NLNT nói chung trong đó có lĩnh vực điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng về Đề án này, chúng ta đã gửi học sinh sang Nga để đào tạo, gửi gần 200 học sinh, sinh viên đào tạo về ngành NLNT. Chúng ta cũng phải đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhất là an toàn và an ninh.
Hiện Bộ KH&CN cũng gửi cán bộ thuộc cơ quan pháp quy của Việt Nam đi đào tạo. EVN – cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân đã và sẽ tiếp tục gửi đi đào tạo đối với những người làm công tác vận hành trực tiếp trong nhà máy điện hạt nhân. Đào tạo không có nghĩa là đạo tạo mới. Ví dụ, đào tạo cho những người làm việc trong nhà máy điện hạt nhân hoặc trong quá trình xây dựng, chúng ta đã có đội ngũ làm việc trong lĩnh vực điện không phải điện hạt nhân như nhiệt điện, thủy điện, khí,... Đội ngũ này có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện nhưng sẽ được đào tạo thêm kiến thức về NLNT, an toàn hạt nhân. Họ sẽ là đội ngũ tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Thưa ông, EVN cho biết vấn đề thách thức của họ là đào tạo nguồn nhân lực cũng như xử lý nhiên liệu đã cháy. Vậy, vấn đề này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào vì đây cũng là thách thức của nhiều nước?
Chất thải và nhiên liệu đã cháy là vấn đề tất cả những nước phát triển điện hạt nhân đều phải quan tâm. Chúng ta đã ký hiệp định hợp tác với Nga, Nhật, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác, trong đó có điều khoản về vấn đề nhiên liệu đã cháy sẽ được xử lý như thế nào, xử lý chất thải phóng xạ như thế nào. Ví dụ, với Nga chúng ta đã có Hiệp định Liên chính phủ, trong đó có đề cập đến nhiên liệu đã cháy sẽ đưa trả lại về Nga. Tương tự, khi ký với các nước khác về phát triển điện hạt nhân, chúng ta cũng phải đưa những điều khoản tương tự vào để xử lý.
Nếu công chúng không đồng thuận, chúng ta sẽ không làm được điện hạt nhân và bài toán cần giải quyết ở đây là truyền thông tới công chúng. Vậy giải pháp trong vấn đề truyền thông thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Vấn đề truyền thông rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực điện hạt nhân. Công chúng cần hiểu về lợi ích khi phát triển điện hạt nhân, đồng thời hiểu về an toàn, an ninh, đảm bảo khi có sự cố xảy ra người dân sẽ biết cách ứng phó và phải xây dựng được văn hóa an toàn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về công tác truyền thông cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Hiện Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai đề án này, tập trung vào 3 nội dung lớn: Có chương trình tuyên truyền về điện hạt nhân (tuyên truyền về cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, vấn đề chất thải, chu trình nhiên liệu để đảm bảo phát triển điện hạt nhân có hiệu quả an toàn, an ninh); tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho công tác tuyên truyền; lồng ghép vào công tác giáo dục cho học sinh ngay từ bậc phổ thông và các bậc học tiếp theo.
Bài, ảnh: Phương Nga – Hạnh Nguyên
|