|
|||
Trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Yukiya Amano đã có nhiều chương trình thăm và làm việc với nhiều cơ quan Trung ương và địa phương của Việt Nam. Nhân dịp này ông Amano đã dành thời gian gặp gỡ các cơ quan thông tấn báo chí của Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ đã có nhiều câu hỏi của các PV được đưa ra đối với ông Amano. PV: Thưa Tổng Giám đốc, xin ông cho biết những công việc chính mà ông sẽ thực hiện ở Việt Nam trong chuyến thăm lần này? -Việt Nam là một đối tác quan trọng của IAEA. Vì vậy, mục đích chuyến thăm Việt Nam của tôi lần này là trao đổi những vẫn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân với các cơ quan Trung ương và địa phương của Việt Nam. Trong chuyến thăm và làm việc lần này chúng tôi cũng sẽ đi thăm Bệnh viện Bạch Mai. Hiện nay, Việt Nam đang rất tích cực tham gia ứng dụng NLNT vào trị bệnh ung thư. Tiếp đó, chúng tôi cũng sẽ có chuyến thăm đến địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Trong chuyến đi này, việc hợp tác song phương giữa Việt Nam và IAEA chúng tôi cũng đã thảo luận và xem xét để có những bước tiến mới vì Việt Nam hiện nay có nhiều mảng tiềm năng có thể hợp tác với IAEA như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuân, dặc biệt là những ứng dụng khác như chữa trị bệnh ung thư, sử dụng NLNT để quản lý nước, trừ sâu bọ cho cây thanh long. Như vậy, chúng ta có thể thấy việc ứng dụng NLNT có tiềm năng rất lớn có thể hợp tác giữa IAEA và Việt Nam. Trong thời gian qua, việc hợp tác giữa Việt Nam và IAEA đã rất tốt đẹp và IAEA cam kết sẽ tăng cường hơn nữa việc hợp tác giữa 2 bên tốt đẹp hơn. PV: Xin ông cho biết tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật bản và xu hướng phát triển điện hạt nhân trong những thập kỷ sắp tới? -Như các bạn đã biết, năm 2011, tại nạn đã xẩy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản vì động đất và sóng thần. Tại nạn này làm cho niềm tin của cộng đồng quốc tế về điện hạt nhân suy giảm nghiêm trọng. Với những ví dụ điển hình như ở Đức thì họ đẩy mạnh sớm quyết định chấm dứt việc sử dụng nhà máy điện hạt nhân và rất nhiều đã nghĩ rằng điện hạt nhân sẽ không còn trong tương lai nữa, nhưng mà bây giờ thì bức tranh điện hạt nhân đã khác. Còn nhiều nước vẫn phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo năng lượng quốc gia và họ vẫn tin rằng điện hạt nhân vẫn có những ưu điểm như điện hạt nhân không thải ra những khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giá thành nhiên liệu cho điện hạt nhân thì nó không biến đổi quá nhiều như các nguyên liệu hóa thạch và thứ 3 nữa là bảo đảm nguồn năng lượng ổn định cho phát triển nền kinh tế. Hàng năm IAEA đều đánh giá, ước tính về dự báo xu thế phát triển điện hạt nhân và vừa rồi IAEA dự đoán, theo kịch bản có cơ sở thì từ nay đến năm 2020, điện hạt nhân sẽ tăng khá cao và một kịch bản khác thì điện hạt nhân sẽ tăng trưởng 94%. Vì vậy sự khác biệt trước và sau sự cố Fukushima đó là các nước trên thế giới rất chú trọng đến việc nâng cao tính an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Tôi đã đi thăm Nga, Nam Phi thì tôi thấy rằng tại các nhà máy điện hạt nhân này thì các chi tiết an toàn, kỹ thuật an toàn được chú trọng hơn. Tôi có thể nói rằng hiện nay các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Và tôi có thể nói rằng trung tâm để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới sẽ nằm ở Châu Á.
Và trong lĩnh vực Y tế.(ảnh: HH) PV: Hiện Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, mặc dù hiện Việt Nam vẫn chưa có chút kinh nghiệm nào về điện hạt nhân nên người dân, công chúng đang tỏ ra rất lo ngại. Vậy IAEA có lời khuyên nào cho Việt Nam không, thưa ông? -Hiện trên thế giới có khoảng 30 quốc gia sử dụng điện hạt nhân. Ngoài ra không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng đang muốn phát triển điện hạt nhân. Theo tôi, không chỉ các quốc gia đang phát triển mà cả các quốc gia đã phát triển cũng có quyền tiếp cận với khái niệm điện hạt nhân này. Vì vậy, IAEA sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trong phát triển điện hạt nhân. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân. Vì thế, IAEA đã giúp đỡ các quốc gia này phát triển điện hạt nhân một cách an toàn, an ninh và bền vững. Để giúp đỡ các quốc gia, IAEA đã đưa ra 1 bộ hướng dẫn về cột mốc. Theo đó, việc phát triển điện hạt nhân được chia thành 19 hạng mục khác nhau. Bộ hướng dẫn này không phải là bộ hướng dẫn mang tính bắt buộc nhưng nó rất hữu dụng với các quốc gia mới phát triển điện hạt nhân. Họ có thể nghiên cứu tài liệu này và bắt đầu chuẩn bị. Ví dụ như xây dựng Luật về năng lượng nguyên tử, xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân, lựa chọn địa điểm tham gia các công ước quốc tế và đào tạo về nguồn nhân lực. Đồng thời các quốc gia này cũng có thể học tập được rất nhiều bài học tốt từ các quốc gia khác hoặc tham vấn IAEA trong việc này. Ở đây, tôi khẳng định rằng Việt Nam đã tham vấn IAEA ngay từ khi bắt đầu có ý định phát triển điện hạt nhân và IAEA đã cam kết hướng dẫn Việt Nam trong vấn đề này. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong việc này như tham gia các công ước quốc tế, đào tạo nhân lực, xây dựng báo cáo khả thi. Tuy nhiên, tôi khẳng định lại rằng dự án điện hạt nhân là dự án mang tính chất lâu dài, phức tạp nên còn rất nhiều việc cần phải làm. Vì vậy, mục đích của tôi khi đến Việt Nam là làm thế nào để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong việc phát triển điện hạt nhân. Tôi đã có được cam kết rất vững chắc từ lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc này. IAEA cũng khẳng định rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giúp đỡ Việt Nam tiến hành một cách thành công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. PV: Xin ông cho biết, IAEA có kế hoạch gì giúp Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân? -Việc đào tạo nhân lực là việc rất quan trọng. Trong các cuộc gặp với Việt Nam, tôi thấy Việt Nam đã nhấn mạnh đến việc tăng cường xây dựng năng lực của đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân. Đây là hướng đi rất đúng bởi rất nhiều các quốc gia khác cũng đang phát triển điện hạt nhân đồng thời bên cạnh đó cũng có rất nhiều quốc gia đã có điện hạt nhân như Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác cũng sẵn sang giúp đỡ các quốc gia mới phát triển điện hạt nhân. Bản thân IAEA cũng sẵn sàng giúp các quốc gia mới trong việc thúc đẩy các quốc gia đã có điện hạt nhân giúp đỡ các quốc gia mới. Việc quan trọng là làm thế nào để đưa ra được kế hoạch phát triển nguồn nhân lực thật tốt và chỉ có kế hoạch đó chúng ta mới phát triển điện hạt nhân tốt được. PV: Thời gian qua IAEA đã giúp Việt Nam đánh giá hạ tầng để phát triển điện hạt nhân năm 2009 và năm 2012. Xin ông cho biết tầm quan trọng và kết quả của hai đợt đánh giá đó? Hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ ung thư cao, IAEA có sự hỗ trợ quan tâm như thế nào đối với Việt Nam, thưa ông? - Đối với quốc gia mới phát triển điện hạt nhân thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh là điều cần thiết. Cơ sở hạ tầng gồm nhiều công việc khác nhau: như tham gia điều ước, công ước quốc tế; xây dựng luật quốc gia về NLNT; xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân; đào tạo con người; lựa chọn địa điểm. Trong các việc này điểm quan trọng nhất là cần xây dựng cơ quan pháp quy độc lập, vững mạnh chịu trách nhiệm giám sát về an toàn. Dự án điện hạt nhân là dự án lâu dài, lớn, phức tạp có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan khác nhau nên cần lên kế hoạch, điều phối giữa các bên rất quan trọng. Cần có kế hoạch tốt đề ra thứ tự ưu tiên phù hợp. Cái gì làm trước, làm sau. Không chỉ phối hợp với IAEA mà cần phối hợp với các quốc gia cung cấp công nghệ cho Việt Nam, các quốc gia sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề này. Do vậy, cần phải có một kế hoạch tốt, kịp thời. Về chữa trị ung thư tôi rất quan tâm. Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở Việt Nam. Ứng dụng NLNT như y học hạt nhân, xạ trị rất hữu hiệu trong chữa trị ung thư. Việt Nam đã rất quan tâm đến lĩnh vực này. Trong thời gian qua, IAEA giúp đỡ Việt Nam rất nhiều như mua sắm máy móc thiết bị, đào tạo con người. Hiện nay, có thể nói Việt Nam có đội ngũ cán bộ được đào tạo tốt, máy móc hiện đại. Tuy nhiên, bệnh ung thư diễn tiến và phát triển liên tục. Mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 100 nghìn bệnh nhân ung thư. Vì vậy mà có rất nhiều vấn đề đặt ra như: mua sắm thiết bị mới, cải tiến công nghệ, quan trọng nhất là đào tạo bác sĩ chuyên về y học hạt nhân, đội ngũ kỹ thuật, bác sĩ ung thư đó là việc rất cần thiết. Kế hoạch thăm Bệnh viện Bạch Mai cũng là để thảo luận thêm các hướng hợp tác trong chữa trị ung thư. |