|
|||
Tham dự buổi gặp gỡ báo chí có Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano; Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, đại diện các cơ quan liên quan của Việt Nam, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước. Chuyến thăm lần này của Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và Chương trình Điện hạt nhân của Việt Nam nói riêng, cũng như đánh giá kết quả và tác động của các dự án IAEA hỗ trợ cho Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Yukiya Amano đã giới thiệu về vai trò của IAEA trong việc thúc đẩy ứng dụng, đảm bảo an toàn, an ninh và không phổ biến trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân; các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh và xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau sự cố hạt nhân tại Fukushima Nhật Bản tháng 3 năm 2011; khả năng hỗ trợ của IAEA đối với các nước mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt Tổng Giám đốc IAEA đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân cũng như các bước chuẩn bị thận trọng của Việt Nam cho Dự án điện hạt nhân. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến chủ trì buổi gặp gỡ báo chí Tổng Giám đốc Yukiya Amano đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân, cũng như các bước chuẩn bị thận trọng của Việt Nam cho Dự án điện hạt nhân. Trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Yukiya Amano đã tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và làm việc với một số cơ quan có liên quan của Việt Nam: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao; UBND tỉnh Ninh Thuận; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Bệnh viện Bạch Mai; thăm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. Tại buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Đoàn cấp cao IAEA, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu của IAEA đã dành cho Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây và những năm tới, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia (TC-VIE) trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường và đặc biệt trong việc tư vấn chuẩn bị hạ tầng cho Chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân và Tổng giám đốc IAEA đã trao đổi về kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian vừa qua cũng như phương hướng hợp tác trong những năm tới. Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ phía IAEA trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn, an ninh, ứng phó sự cố hạt nhân; xây dựng năng lực cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh cho phát triển điện hạt nhân. Việt Nam tham gia IAEA từ năm 1978 (tính đến tháng 11/2013, IAEA có 160 quốc gia thành viên), quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IAEA có những bước phát triển tích cực. Hiện nay, Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA niên khoá 2013-2014. Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân. Việt Nam coi đây không chỉ là trách nhiệm quốc gia mà còn là nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế. Thực hiện cam kết này, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước, công ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân. Trong 2 năm gần đây Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung về thanh sát; Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; Công ước chung về an toàn quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; hoàn thành chương trình chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân độ giàu cao sang nhiên liệu độ giàu thấp tại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm 2010 tại Hoa Kỳ, năm 2012 tại Hàn Quốc và sắp tới tại Hà Lan vào năm 2014. Các hoạt động nêu trên đã được IAEA và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tin, ảnh: Nhóm PV
|