Bản in
IAEA - Việt Nam đẩy mạnh hợp tác phát triển NLNT
Thời gian qua, Việt Nam đã có bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế về hạt nhân. Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với IAEA và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Sự phối hợp tốt giữa IAEA và Việt Nam trong thời gian tới sẽ giúp Việt Nam có thể vững tin trên con đường xây dựng và phát triển điện hạt nhân.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân tại buổi làm việc với Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano vào sáng 08/01 tại Hà Nội.

Chuyến thăm lần này của Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và Chương trình Điện hạt nhân của Việt Nam nói riêng, cũng như đánh giá kết quả và tác động của các dự án IAEA hỗ trợ cho Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã có bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế về hạt nhân. Chính phủ Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến hạt nhân như công ước bảo vệ thực thể hạt nhân, ký tắt Hiệp định 123 với Hoa Kỳ… Việt Nam đã hoàn thiện chuyển đổi toàn bộ nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt theo lộ trình đã cam kết với IAEA.

Trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều nhiệm vụ quan trọng xung quanh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân như xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân, thẩm định các báo cáo đầu tư của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 và nâng cao năng lực cơ quan pháp quy của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân (Ảnh: TH)

Do vậy, Việt Nam cần sự hỗ trợ của IAEA trong việc giới thiệu chuyên gia cũng như các cơ quan chuyên môn để đánh giá thẩm định các báo cáo đầu tư giúp cho Việt Nam xây dựng các cơ sở nghiên cứu và cơ quan pháp quy.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, sau sự cố Fukushima Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh hạt nhân. Việt Nam mong muốn IAEA hỗ trợ để có nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất. Quan trọng là hành lang pháp lý và nguồn nhân lực cho điện hạt nhân. Việt Nam mong IAEA hỗ trợ thêm về học bổng, kính phí dành cho đào tạo cán bộ của Việt Nam. 

Trong năm 2014 Việt Nam sẽ thẩm định hai báo cáo đầu tư của Nga và Nhật Bản, Việt Nam mong nhận sự hỗ trợ từ IAEA, gồm việc giới thiệu cơ quan tư vấn, thẩm định về an toàn và thẩm định về công nghệ, đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho dự án điện hạt nhân Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục dự án điện hạt nhân, tuy nhiên nếu thiếu sự hỗ trợ của IAEA và của cộng đồng quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Tổng Giám đốc IAEA đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân cũng như các bước chuẩn bị thận trọng của Việt Nam cho Dự án điện hạt nhân.

Tổng Giám đốc Amano ((Ảnh: IAEA/D. Calma)

“Sử dụng điện hạt nhân là một phần rất quan trọng không chỉ đối với IAEA mà còn đối với cả thế giới. IAEA nghĩ rằng điện hạt nhân không chỉ nên giới hạn dùng cho các quốc gia phát triển mà các quốc gia đang phát triển cũng nên có sở hữu điện hạt nhân”, ông Amano cho hay.

Tổng Giám đốc Amano cho biết, sau sự cố Fukushima các lò phản ứng hạt nhân được cải thiện và đã trở nên an toàn, an ninh hơn trước đây. IAEA nhận thấy việc sử dụng điện hạt nhân có xu hướng tăng cao, bởi điện hạt nhân phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều quốc gia cân nhắc điện hạt nhân là một nguồn năng lượng trong tổng hợp các nguồn năng lượng của họ

Đối với Việt Nam, IAEA sẵn sàng giúp đỡ trong nâng cao nguồn năng lực để xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. IAEA sẽ giúp Việt Nam đào tạo cán bộ tại cơ sở của IAEA hoặc cử các cán bộ đi đến các quốc gia có cơ sở đào tạo phát triển như Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật.

Trong sự hợp tác với IAEA ngài Amano đã đưa ra khuyến cáo đối với Bộ KH&CN cũng như các bộ, ngành của Việt Nam: Những bài học chúng ta đã học được từ sự cố Fukushima thì việc xây dựng một cơ quan pháp quy độc lập và mạnh mẽ là yếu tố quan trọng. Hiện Nhật Bản đang cải tổ cơ quan pháp quy và thành lập ra nhiều hội đồng để đưa ra các tiêu chuẩn mới về an toàn, an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân đang và sẽ đi vào hoạt động.

Tổng Giám đốc Amano khẳng định, Việt Nam có vai trò quan trọng đối với IAEA, IAEA cam kết sẽ hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam hết sức có thể. IAEA sẽ tư vấn pháp lý cho Việt Nam trong xây dựng bộ Luật về năng lượng nguyên tử, giúp đỡ Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh cho nhà máy điện hạt nhân.

Phương Nga