|
|||
Thưa các đồng chí và các bạn, Với tình cảm của một người có trách nhiệm theo dõi từng bước tiến của Viện nghiên cứu hạt nhân, hôm nay tôi rất phấn khởi đến dự lễ khánh thành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, một công trình hợp tác giữa Việt Nam - Liên Xô có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Lễ khánh thành hôm nay được tổ chức tại thị xã Đà Lạt giàu đẹp và lịch sự đã vĩnh viễn trở về tay nhân dân và sẽ trở thành trung tâm khoa học lớn trong tương lai của đất nước. Trong tiếng pháo tưng bừng của ngày hội, chúng ta không thể không nhớ đến cuộc đấu tranh anh hùng của đồng bào chiến sĩ Đà Lạt, của đồng bào và chiến sĩ miền Nam và của cả nước ta nhằm giải phóng đất nước thống nhất Tổ quốc. Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với truyền thống anh hùng của Đà Lạt, của Lâm Đồng và của cả dân tộc ta. Lễ khánh thành này lại được tiến hành trong những hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày ký kết hiệp định khoa học và kỹ thuật Việt Nam - Liên Xô. Trước hết, tôi xin chuyển đến các đồng chí lời chúc mừng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, và qua các đồng chí đến toàn thể cán bộ, công nhân nhân viên, những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc xây dựng công trình quan trọng này. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn đại biểu khoa học và kỹ thuật Liên Xô, Đoàn đại biểu Ủy ban sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình của Liên Xô, các đại diện ngoại giao Liên Xô và các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Sự có mặt của các đồng chí là một sự cổ vũ lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của Đại diện cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh các đại diện các bộ, các địa phương, các cơ quan khoa học, các trường đại học hôm nay, đã đến dự buổi lễ này. Thưa các đồng chí và các bạn, Trong thời gian 2 năm chúng ta đã hoàn thành việc khôi phục và mở rộng, về thực chất là xây dựng lại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với trình độ hiện đại, công suất được tăng thêm, với hệ thống bảo đảm kỹ thuật hiện đại, đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về bảo vệ phóng xạ đối với con người và môi trường. Đây là một thành công lớn của sự hợp tác Việt Nam - Liên Xô, của cả một quá trình lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề Việt Nam với sự giúp đỡ hết lòng của các chuyên gia Liên Xô và sự hỗ trợ của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Thay mặt hội đồng Bộ trưởng, tôi khen ngợi Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ công nhân viên và nhân viên, các đảng viên và đoàn viên phân viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, khen ngợi toàn thể cán bộ và công nhân xí nghiệp số 1 và xí nghiệp thi công cơ giới thuộc công ty xây dựng số 14 Bộ xây dựng, đã nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết phối hợp vượt qua mọi khó khăn ban đầu, hoàn thành đúng thời hạn một công trình trọng điểm đòi hỏi kỹ thuật cao, đảm bảo về cơ bản các yêu cầu đề ra về chất lượng. Chúng ta biểu dương sự đóng góp về nhiều mặt của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, của nhiều cơ quan kinh tế và khoa học khác đối với công trình trọng điểm của nhà nước. Chúng ta biểu dương tập thể các đồng chí chuyên gia Liên Xô đã nêu cao tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa, ngày đêm sát cánh cùng với cán bộ và công nhân Việt Nam trên công trường, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lại lò phản ứng. Nhân dịp này, thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và sâu sắc với Đảng cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa cũng như trong việc xây dựng tiềm lực khoa học và kỹ thuật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; chân thành cảm ơn Ủy ban sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình của Liên Xô; Liên đoàn xuất khẩu năng lượng nguyên tử Liên Xô, các viện nghiên cứu và thiết kế và các cơ quan có liên quan, các nhà bác học và chuyên gia Liên Xô trong việc giúp đỡ khôi phục và cải tạo lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với chất lượng kỹ thuật hiện đại và những biện pháp kỹ thuật độc đáo. Tôi chân thành cảm ơn tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế đã dành cho chúng tôi sự giúp đỡ có kết quả tốt. Thưa các đồng chí và các bạn, Đưa lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động, Phân viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã trở thành một cơ sở nghiên cứu hiện đại quan trọng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật nguyên tử. Nhân dịp này Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định nâng quy chế của Phân viện thành Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân quốc gia (1). Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tuy quy mô còn nhỏ nhưng có ý nghĩa và triển vọng lớn, không những nó tạo điều kiện ứng dụng rộng rãi năng lượng nguyên tử phục vụ những yêu cầu trước mắt của một số ngành kinh tế mà quan trọng hơn là cơ sở đầu tiên không thể thiếu cho phép đội ngũ khoa học và kỹ thuật của ta tiến lên từng bức làm chủ khoa học và kỹ thuật nguyên tử, đưa những khả năng to lớn của năng lượng nguyên tử phục vụ mục tiêu hòa bình xây dựng nền kinh tế quốc dân của chúng ta. Đúng như đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đã đánh giá trong dịp đến thăm Viện: "Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là con chim đầu đàn của ngành Vật lý hạt nhân của nước ta, là một trong những điểm tựa quan trọng của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của nước nhà". Toàn thể đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Viện cùng với các nhà khoa học khác trong ngành cần thấy hết trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của mình. Trong lĩnh vực này chúng ta đã đi chậm khá nhiều, vì vậy không thể thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được mà phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, nghiên cứu hăng say, lao động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ thời gian tiến lên những bước mới. Vừa qua, trong khi nghiên cứu các đề tài khoa học theo chương trình đã định, các đồng chí đã trực tiếp tham gia xây dựng lò phản ứng, tích cực học tập các đồng chí chuyên gia Liên Xô, cộng tác chặt chẽ với các tổ chức thi công. Nhờ đó đã từng bước nắm vững kỹ thuật, tham gia lắp ráp lò phản ứng, điều chỉnh các hệ thống công nghệ, khởi động lò tốt, cho chạy thử và vận hành các thông số vật lý và kỹ thuật của lò phục vụ cho việc khai thác chính quy về sau. Do chuẩn bị chu đáo, nên ngay trong thời gian chạy thử đã bước đầu khai thác và sử dụng lò có kết quả như sản xuất các chất phóng xạ, phân tích kích hoạt nơ- trôn, chiếu xạ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các kết quả bước đầu, sang giai đoạn mới, giai đoạn vận hành và khai thác lò phản ứng, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt dưới sự chỉ đạo của Viện nghiên cứu hạt nhân quốc gia cần phải có kế hoạch toàn diện và cụ thể. Ở đây tôi muốn nhắc nhở các đồng chí mấy điểm quan trọng nhất. Một là: Lò phản ứng hạt nhân là một thiết bị hiện đại và phức tạp, cho nên cần theo dõi chặt chẽ những vấn đề khoa học và kỹ thuật của lò để kịp thời giải quyết. Chúng ta lại vừa học vừa làm nên cần nghiêm túc học tập các chuyên gia Liên Xô, tiến lên nắm vững và làm chủ kỹ thuật vận hành và điều khiển lò phản ứng. Coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành theo lò, chuẩn bị tiềm lực cho các bước phát triển tiếp theo. Một yêu cầu bức thiết là phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm, cộng tác chặt chẽ với các chuyên gia Liên Xô để tổ chức vận hành tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hai là: Cần có một kế hoạch khai thác và sử dụng lò phản ứng đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu chúng ta có kế hoạch cụ thể, nếu mỗi phòng thí nghiệm của Viện đều có phương hướng triển khai việc ứng dụng vào các ngành kinh tế quốc dân, vào các địa phương thì thời gian có thể rút ngắn. Hiện nay, trong khuôn khổ chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử (chương trình 50-01) các đồng chí đã đạt được một số kết quả. Cần xây dựng và mở rộng sự hợp tác với các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ sở sản xuất cùng nhau giải quyết các điều kiện cần thiết nhằm đưa năng lượng nguyên tử ứng dụng rộng rãi vào các ngành y tế, nông nghiệp, công nghiệp, địa chất...Viện cần có các hình thức thích hợp như phổ biến những khả năng ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các ngành kinh tế quốc dân, mở các hội nghị chuyên đề, giúp đào tạo cán bộ... để các ngành, các địa phương có thể tự mình tổ chức việc ứng dụng. Ba là: Tiếp tục và nhanh chóng hoàn thiện công trình, tích cực chuẩn bị một kế hoạch mở rộng các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết. Chúng ta đã có lò phản ứng hiện đại nhưng các cơ sở thí nghiệm còn nghèo nàn và chưa phải là đã có trình độ hiện đại; thư viện và thông tin khoa học kỹ thuật cũng chưa đáp ứng yêu cầu của một trung tâm khoa học hiện đại. Cần khẩn trương chuẩn bị kế hoạch xây dựng cơ bản cho kế hoạch 5 năm 1986-1990 nhằm tạo cho viện một cơ sở vật chất kỹ thuật hoàn chỉnh với quy mô thích hợp và có đủ trình độ và năng lực để nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật nguyên tử một cách có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế quốc gia. Nhà nước sẽ tiếp tục coi công trình Đà Lạt là một công trình trọng điểm cả về xây dựng cơ bản cũng như về các mặt bảo đảm khác. Bốn là: Phải hết sức chăm lo đào tạo và xậy dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho Viện nói riêng và cho ngành năng lượng nguyên tử nói chung. Điều kiện thuận lợi của Đà Lạt là bên cạnh Viện Nghiên cứu hạt nhân, một cơ sở nghiên cứu hiện đại, có trường đại học với các chuyên ngành phù hợp. Viện Nghiên cứu hạt nhân và Trường đại học Đà Lạt cần kết hợp chặt chẽ với nhau trong công tác đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật, xây dựng một mô hình tốt về kết hợp giữ nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ, giữa viện và trường. Vấn đề đào tạo cán bộ là một vấn đề lớn có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nguyên tử và là nhiệm vụ quan trọng của Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp và của các viện nghiên cứu có liên quan. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học có liên quan trong cả nước, kết hợp chặt việc đào tạo ở trong nước với việc đào tạo ở nước ngoài nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ cân đối và đồng bộ. Cán bộ khoa học trong Viện phải đoàn kết, phấn đấu xây dựng Viện trở thành một tập thể khoa học mạnh, có trình độ cao. Mỗi cán bộ khoa học phải nhận thức rằng mỗi thành công trong khoa học không những là một công trình của tập thể các nhà khoa học mà còn có sự đóng góp của các cán bộ phục vụ khoa học. Mỗi một cán bộ đầu đàn phải chú ý đào tạo cán bộ, xây dựng bộ phận mình thành một tập thể khoa học mạnh. Cán bộ trẻ phải hăng say nghiên cứu khoa học, biết tận dụng những điều kiện thuận lợi và thiết bị khoa học hiện đại của viện, cũng như trình độ chuyên môn cao của các cán bộ đầu đàn để phấn đầu vươn lên. Ban Giám đốc và các cán bộ lãnh đạo của Viện, các cơ quan đảm bảo, các tổ chức quần chúng phải hết lòng chăm lo đời sống và điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ khoa học và của toàn thể cán bộ, công nhân, nhân viên trong viện. Năm là: Phải hết sức đến công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Nhờ sự giúp đỡ và hợp tác của Liên Xô chúng ta đã cải tạo lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên lò phản ứng có lịch sử hơn 40 năm này và trong thời gian đó đã để lại một kho tàng phong phú về tri thức khoa học và kinh nghiệm khai thác sử dụng lò. Chúng ta cần ra sức học tập kinh nghiệm của Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của các nước khác để khai thác và sử dụng có hiệu quả lò phản ứng hạt nhân và năng lượng nguyên tử nói chung. Ở đây chúng ta cần nhắc lại nguyên tắc hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong khối SEV, đồng thời coi trọng sự hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn bè và các tổ chức quốc tế. Viện Nghiên cứu hạt nhân quốc gia cần hết sức coi trọng vấn đề này. Thưa các đồng chí và các bạn, Nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn luôn nêu cao nguyên tắc kết hợp tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội với thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Chúng ta chủ trương sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình vì lợi ích của con người. Với việc đưa lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động chúng ta có cơ sở để ngày càng ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ năng lượng nguyên tử phục vụ cho các ngành kinh tế quốc dân, cho sự nghiệp hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước chúng ta. Mong rằng với thành công bước đầu này, toàn thể các nhà khoa học, công nhân, nhân viên Viện Nghiên cứu hạt nhân cùng với các nhà khoa học trong cả nước tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng và Nhà nước ta. Chúc các đồng chí thành công! Chú thích: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bài nói chuyện tại Lễ khánh thành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, ngày 19/3/1984, Sách Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục, NXB Sự thật, Hà Nội 1986). |