|
|||
Hungary là một trong những quốc gia có kinh nghiệm lớn trong phát triển điện hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân Paks là biểu tượng công nghiệp hóa ở Hungary trong thế kỷ XX. Nhà máy có quy mô lớn, sử dụng công nghệ của Nga, vận hành an toàn và hiệu quả, đáp ứng phần lớn nhu cầu điện của Hungary (năm 2012 đạt kỷ lục cung ứng 45,9% sản lượng điện của cả nước). Ý nghĩa lớn nhất của việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Paks là cung cấp giải pháp tối ưu đối với môi trường so với các loại nhà máy điện khác, do không thải ra khí carbon dioxide. Với 4 lò phản ứng, đây là trung tâm sản xuất nguồn năng lượng hạt nhân đầu tiên và duy nhất của Hungary, sản lượng chiếm 40% tổng nguồn năng lượng điện quốc gia. Năm 2012, 4 lò đã sản xuất 15.793 GWh điện năng. Từ kinh nghiệm 30 năm trong việc vận hành nhà máy điện hạt nhân, thời gian qua, Hungary đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong đào tạo nhân lực cho dự án nhà máy điện hạt nhân. Cụ thể, để vận hành một nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cần trung bình 120.000 người tham gia. Với 2 dự án nhà máy điện hạt nhân đang được triển khai, thời gian tới, số lượng nhân lực dành cho vận hành 2 nhà máy này là không nhỏ. Theo đó, nếu như Nga tập trung đào tạo lực lượng kỹ sư và công nhân vận hành nhà máy thì Hungary tập trung đào tạo giảng viên và kỹ sư điều hành cho Việt Nam. Một trong những điểm nổi bật nhất trong việc đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân của Hungary là tại Trường Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest có một lò phản ứng hạt nhân. Trước đây, lò phản ứng này được Nga thiết kế cho Ba Lan. Viện Kỹ thuật Nguyên tử Budapest đã mua lại lò phản ứng này về để lắp đặt tại Trường Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest. Chính vì có một lò hạt nhân trực quan nên học viên khi theo học tại Hungary sẽ được tham gia vào quá trình lắp ráp, tháo dỡ, vận hành và sử dụng lò phản ứng hạt nhân. Bên cạnh đó, do trường có mối quan hệ mật thiết với Nhà máy điện hạt nhân Paks nên cơ hội được nghiên cứu thực tập tại nhà máy này của sinh viên được nâng cao đáng kể. Sau 3 đợt, đến nay, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 116 giảng viên về điện hạt nhân. Thời gian tới đây, Hungary sẽ tiếp tục đào tạo các kỹ sư điều hành tham gia vận hành trực tiếp hai nhà máy điện hạt nhân trong tương lai của Việt Nam. Để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác của Việt Nam và Hungary trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân, trong chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Hungary của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (15-17/9), Việt Nam và Hungary đã ký “Hiệp định về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, pháp quy và kỹ thuật trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình”./. |